Trước đó, để “tiếp sức” cho ngành ô tô trong nước, Bộ Công thương nhiều lần đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế.
Kho xe của một cửa hàng ô tô tại quận 7. Ảnh: THÀNH TRÍ
Về thuế giá trị gia tăng, Bộ Công thương đề xuất hoàn thuế giá trị gia tăng trong vòng 3 tháng (không thực hiện hoàn thuế theo phương pháp khấu trừ như hiện nay) đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định; áp dụng thuế suất 0% đối với linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Công thương đề xuất áp dụng có thời hạn 5 - 10 năm, không áp dụng đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ô tô; đồng thời, nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe ở mức hợp lý.
Theo Bộ Công thương, nếu không có các chính sách ưu đãi, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đặc biệt là sản xuất, lắp ráp ô tô con, sẽ khó có thể duy trì phát triển, do không thể cạnh tranh được với làn sóng ô tô nhập khẩu, ảnh hưởng đến việc làm của hơn 100.000 lao động trong lĩnh vực này.
Dự báo đến năm 2025, nếu trong nước không sản xuất ô tô, toàn bộ thị trường xe con là nhập khẩu, thì kim ngạch nhập khẩu ô tô và linh kiện của Việt Nam ước tính sẽ lên đến 12 tỷ USD, năm 2030 khoảng 21 tỷ USD.
Ủng hộ đề xuất này nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần giám sát chặt chẽ lộ trình, cách thức miễn giảm thuế, tránh ưu đãi tràn lan như trước đây, chỉ làm lợi cho những tập đoàn sản xuất, lắp ráp ô tô, trong khi Nhà nước thất thu thuế, còn người tiêu dùng vẫn phải mua ô tô giá cao hơn 20% - 30% so với các nước trong khu vực, dù thuế nhập khẩu đã về 0% gần 2 năm nay.