Kim ngạch xuất khẩu quý II sẽ quyết định mục tiêu cả năm 2023

(ĐTTCO) - Khép lại quý I, kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ… giảm mạnh. Tuy nhiên, không ít ngành hàng và doanh nghiệp (DN) đang đặt niềm tin quý II tình hình sẽ phần nào khởi sắc hơn.
Xuất khẩu cá tra có thể phục hồi dần từ quý II khi bối cảnh lạm phát, kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau Covid-19.
Xuất khẩu cá tra có thể phục hồi dần từ quý II khi bối cảnh lạm phát, kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau Covid-19.

Quý I chật vật thiếu đơn hàng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I ước đạt 79,17 tỷ USD (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10% và chiếm 75,7%.

Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của năm nay. Theo đó, thủy sản mang về 1,85 tỷ USD giảm 27% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của thủy sản đều ghi nhận mức giảm rất mạnh như tôm giảm 40%, cá tra giảm 32%, cá ngừ 31%...

Tương tự gỗ và sản phẩm gỗ cũng đối diện với sự sụt giảm 28,3% so với cùng kỳ khi chỉ mang về kim ngạch 2,88 tỷ USD trong quý I. 2 ngành hàng xuất khẩu khác là dệt may và da giày cũng không đạt như kỳ vọng, khi dệt may chỉ mang về 7,2 tỷ USD giảm 17,4% so với cùng kỳ, còn da giày đạt 4,3 tỷ USD giảm 18,6%.

Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong quý I đều giảm. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,57 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 11,54 tỷ USD, giảm 13,8%; EU đạt 10,37 tỷ USD, giảm 10,8%...

Đánh giá về nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu của nhiều ngành hàng, Bộ Công Thương đã chỉ ra mấy yếu tố cơ bản. Theo đó, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của DN trong nước.

Yếu tố nữa là lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường, xa xỉ tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Cùng với những yếu tố bên ngoài, DN trong nước hiện rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Đặc biệt, các DN lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang thiếu đơn hàng trầm trọng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Nhiều DN thiếu đơn hàng là nỗi ám ảnh lớn nhất trong quý I. Các DN phải tìm mọi biện pháp duy trì sản xuất, giữ chân lao động để chờ tình hình khởi sắc hơn trong những tháng tới.

Kỳ vọng quý II

Chia sẻ cùng ĐTTC về triển vọng của ngành dệt may trong quý II, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, nhìn nhận dù còn khó khăn nhưng các DN đã có thêm đơn hàng. Nếu quý I lượng đơn hàng của các DN giảm 30-40% so với cùng kỳ, sang quý II đã cải thiện hơn khi chỉ giảm khoảng 20%, một số ít DN có đơn hàng bằng khoảng 90% so với năm trước.

Theo ông Hồng sau thời gian dài cắt giảm chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thời trang như dệt may, da giày tại nhiều quốc gia đang từng bước có dấu hiệu phục hồi.

Chưa hết, các DN đang nỗ lực không ngừng trong việc tham gia hoạt động xúc tiến thương mại để mở thêm thị trường mới, nên có nhiều cơ sở để hy vọng cuối quý II tình hình sẽ “dễ thở” hơn đôi chút.

Đặc biệt, các DN đều đang kỳ vọng ngành dệt may có thể khởi sắc hơn sau triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may diễn ra đầu tháng 4 này. Đây là triển lãm quốc tế lớn nhất của ngành được tổ chức tính từ năm 1991 đến nay, số lượng công ty tham gia triển lãm gấp hơn 3 lần năm 2022. Sự kiện mang đến một thị trường giao thương sôi động của ngành công nghiệp dệt may, cơ hội hợp tác kinh doanh cả trong và ngoài nước.

Cũng đặt kỳ vọng vào bức tranh xuất khẩu trong quý II, bà Lệ Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng xuất khẩu thủy sản có thể hồi phục dần từ quý II, sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.

Trong các ngành hàng thủy sản, cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát, kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau Covid-19.

Về thị trường, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước cũng tập trung vào thị trường này. Xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước.

Đánh giá chung về tình hình thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng khó khăn vẫn còn không ít nhưng cũng có những tín hiệu tích cực. Một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp dù có giảm nhưng xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.

Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ DN tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin, Đông Âu… đồng thời đẩy mạnh khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.

Trong báo cáo tình hình DN quý I, Hiệp hội DN TPHCM kiến nghị NHNN có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho DN, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, áp dụng chính sách ân hạn 1 năm, thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ năm 2021.

Cùng với những tín hiệu đơn hàng từng bước trở lại tích cực, việc gỡ nút thắt trong nội tại như vốn, lãi suất sẽ trở thành động lực kép giúp các ngành hàng xuất khẩu phục hồi.

Các tin khác