Thị trường ngách có là 'cứu cánh' cho các mặt hàng xuất khẩu tỷ đô?

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ lực của không ít nhóm ngành tỷ đô vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, bởi tình hình xuất khẩu 2 tháng đầu năm vẫn trong đà giảm chung, thì một số thị trường mới, thị trường ngách đang có mức tăng trưởng dương. Liệu thị trường ngách có trở thành cứu cánh?
Thị trường ngách có là 'cứu cánh' cho các mặt hàng xuất khẩu tỷ đô?

Tăng đột phá thị trường ngách

Báo cáo mới nhất về tình hình xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm nay của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho thấy trong khi nhu cầu nhập khẩu ở một số thị trường lớn giảm, tại các thị trường nhỏ lại có mức tăng đột biến.

Theo đó, tại thị trường Mỹ xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh 45% trong tháng 2, chỉ đạt hơn 20 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 37 triệu USD, giảm 54% so với cùng kỳ 2022.

Tương tự, xuất khẩu sang Canada (thị trường lớn nhất trong khối CPTPP của cá ngừ Việt Nam) cũng sụt giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 2 xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này giảm 81%, kéo theo xuất khẩu sang cả khối CPTPP giảm 13% trong tháng 2, và tính cả 2 tháng mức giảm 3% so với cùng kỳ.

Ngược lại, với tình hình ở các thị trường lớn, xuất khẩu cá ngừ ở các thị trường nhỏ trong 2 tháng có sự tăng trưởng đột phá 3 con số trở lên so với cùng kỳ, như Hàn Quốc (tăng 525%), Anh (tăng 128%), Phần Lan (tăng 654%), Algeria (tăng 363%)…

Thực tế trong ngành thủy sản không chỉ mặt hàng cá ngừ tăng trưởng mạnh ở các thị trường nhỏ, mà cả ngành đều có xu hướng này. Nhìn lại tình hình tháng 1, trong khi các thị trường chủ lực đều sụt giảm mạnh nhiều thị trường nhỏ lại có tăng trưởng đột phá về doanh số, như Phần Lan (435%), Lào (21%), Israel (17%), Cameroon (15%), Indonesia (8%), Chile (7%)…

Cùng với thủy sản, một số ngành xuất khẩu khác cũng có những tín hiệu tích cực từ các thị trường nhỏ. Đơn cử là dệt may, dù xuất khẩu sang các thị trường chính vẫn suy giảm, nhưng trong 2 tháng đầu năm Hàn Quốc lại nhập khẩu mặt hàng này tăng. Cụ thể, xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc mang về 550 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết các doanh nghiệp (DN) đang đẩy mạnh, khai thác ở các thị trường nhỏ như Australia, New Zeland… mức bù đắp đơn hàng ở các thị trường này khoảng 10-20% năng lực sản xuất của DN. Tuy chưa nhiều nhưng cũng hỗ trợ DN duy trì sản xuất, giữ chân lao động.

Gỗ và sản phẩm gỗ cũng là nhóm ngành đang tìm kiếm những thị trường mới để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh các thị trường chính chưa có dấu hiệu phục hồi. Hiện một số DN ngành gỗ đang tìm kiếm đơn hàng mới ở Chile, Australia, New Zeland hay Trung Đông.

Thực tế, trước khi có tình trạng thiếu hụt đơn hàng trầm trọng hiện nay, ngành gỗ có tốc độ tăng trưởng tốt nên nhiều thị trường nhỏ bị bỏ quên. Điều này đã được ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, nhắc đến gần đây trong khuôn khổ Hội chợ HAWA Expo 2023.

Theo ông Lập, nhiều năm liên tục ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao với 2 con số mỗi năm, nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của quy mô thị trường thế giới, cũng như sức hút năng lực sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao.

Tuy nhiên, chính vì thuận lợi đó khiến hầu hết DN trong ngành chỉ tập trung vào sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn, thiếu quan tâm việc xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường. Điểm yếu này khiến DN gỗ Việt Nam bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm.

Có cứu được đà suy giảm?

Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhìn nhận tăng trưởng ở các thị trường ngách là có và mức tăng cũng khá ấn tượng. Tuy nhiên, các thị trường này trước nay tỷ trọng xuất khẩu rất nhỏ, nên dù có tăng đột phá cũng không kéo lại được cho các thị trường khác.

Điều này được minh chứng khi nhìn lại số liệu của ngành hàng cá ngừ. Dù các thị trường nhỏ tăng trưởng 3 con số, nhưng tính chung cả ngành xuất khẩu 2 tháng đầu năm vẫn giảm hơn 30% so với cùng kỳ 2022. Theo đó ngành thủy sản chỉ mang về 1,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ 2022.

“Các thị trường lớn hiện nay vẫn bất ổn, đơn hàng chưa có dấu hiệu khả quan, nhất là mặt hàng tôm đang phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ và Ecuador. Các DN mới trở về từ hội chợ thủy sản Bắc Mỹ đều nhận định thị trường vẫn chưa thấy có dấu hiệu khởi sắc” - ông Hòe nhấn mạnh.

Tương tự, dù nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới tiềm năng, nhưng 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực là gỗ và dệt may cũng không thoát khỏi cảnh tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm. Như gỗ trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,61 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm trước. Dệt may giảm khoảng 18% so với cùng kỳ.

Cả 2 ngành hàng này lại đang đối mặt với thách thức khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Bởi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của dệt may và gỗ Việt Nam tại thị trường Mỹ. Đặc biệt với ngành gỗ khó khăn vẫn chưa dừng lại khi thị trường lớn Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Các chuyên gia cho rằng các DN xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trọng xuất khẩu cao tới Mỹ sẽ bị sụt giảm doanh thu khoảng 10-15% so với cùng kỳ 2023. Dự báo nhu cầu đồ gỗ sẽ không phục hồi cho đến năm 2024.

Những khó khăn của các DN cũng được thể hiện trong báo cáo mới đây của Hiệp hội DN TPHCM (HUBA). Theo đó có 83% DN đang gặp khó khăn. Trong đó, 43% DN gặp khó do lãi suất vay cao, 40% đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn và 38,2% DN phản ánh thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, 41,2% DN cho biết thị trường bị thu hẹp, 30,1% DN gặp khó khi hàng tồn kho nhiều và 17,6% DN đối diện vấn đề nguyên liệu đầu vào tăng.

Với riêng từng ngành như gỗ, đơn hàng đầu năm tiếp tục giảm mạnh và dự kiến còn giảm đến hết quý II, với mức giảm khoảng 50-60%. Với dệt may, các DN đang gặp khó khăn do ảnh hưởng lãi suất tăng cao và tỷ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận đầu năm 2023.

Hầu hết DN hiện chỉ có thể hy vọng qua quý II tình hình đơn hàng sẽ dễ thở hơn.

Dù tăng trưởng ở các thị trường ngách khá ấn tượng, nhưng do các thị trường này trước nay tỷ trọng xuất khẩu rất nhỏ, nên cũng khó bù lại được cho các thị trường khác.

Các tin khác