Kinh doanh thương mại điện tử: Cuộc đua khốc liệt

(ĐTTCO) - Việt Nam hiện là một trong những nước phát triển nhanh nhất thị trường TMĐT trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng thường niên bình quân đạt khoảng 30% (từ 2013-2018).  Nhưng đây cũng là lĩnh vực có sự cạnh tranh và đào thải rất khốc liệt, vì nhiều nguyên nhân. 
Đóng cửa hàng loạt
Thời gian qua đã có hàng loạt sàn giao dịch TMĐT thông báo đóng cửa hoặc dừng hoạt động trong im lặng. Trong đó, đình đám nhất có thể kể đến việc Tập đoàn Vingroup công bố rút khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho công nghiệp - công nghệ. Theo đó, trang Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID. Thời hạn hoàn tất là hết tháng 12-2019. Số liệu của iPrice cho thấy, lượng truy cập của Adayroi đạt khoảng 6-7 triệu lượt/quý, chỉ đứng sau các tên tuổi lớn khác trong ngành như Shopee, Tiki, Lazada hay Sendo.
Tương tự, ngày 25-12 vừa qua, Tổng giám đốc Lotte.vn đã gửi thông báo đến các nhà cung cấp, khách hàng của Lotte.vn cho biết, từ ngày 20-1-2020, website Lotte.vn sẽ ngừng kinh doanh, phân phối đến khách hàng, đồng nghĩa ngừng hoạt động cũng như cung cấp các dịch vụ. Các nhà cung cấp, khách hàng có thể tiếp tục bán hàng hay giao dịch với Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam là đơn vị tiếp quản mới.
Kinh doanh thương mại điện tử: Cuộc đua khốc liệt ảnh 1 Khách hàng chọn mua áo trên mạng.
Trước đó, khoảng tháng 3-2019, sàn TMĐT chuyên về thời trang Robin Online (tiền thân là Zalora) cũng bất ngờ tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động bán hàng. Như vậy, kể từ thời điểm đóng cửa, Zalora đã gia nhập thị trường TMĐT Việt Nam được 7 năm, và 3 năm trước bị thâu tóm về tay của Central Group - Thái Lan. Đại gia này đã mua lại Zalora Việt Nam thông qua Nguyễn Kim từ năm 2016, đổi tên sàn TMĐT thành Robins để đồng nhất với thương hiệu bán lẻ truyền thống của tập đoàn.
Cần một hệ sinh thái cho TMĐT
Theo báo cáo chỉ số TMĐT 2019 của VECOM, quy mô thị trường năm 2018 ở mức 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ, sản phẩm số hóa khác. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, với tốc độ phát triển cao, cộng với quy mô dân số lên tới gần 100 triệu dân, kinh doanh TMĐT Việt Nam đã và đang trở thành lĩnh vực đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trên thực tế, TMĐT không phải là “miếng bánh” dễ ăn.  TMĐT cũng được xem là cuộc chơi vô cùng tốn kém nhưng chưa chắc đã mang lại thành công. Điển hình như trường hợp của Lingo.vn, ra đời từ năm 2011, đến tháng 8-2016 đóng cửa, trang mạng này đã tiêu tốn hết khoảng 150 tỷ đồng. 
Với nhiều sàn khác như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee..., dù có tiềm lực tài chính mạnh hơn rất nhiều, chủ yếu đến từ các khoản vốn gọi được từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, như Lazada của tập đoàn Rocket Internet (Thụy Điển), sau đó được bán lại cho Alibaba, đến nay đã được đầu tư vào tới vài tỷ USD; Sendo có các khoản đầu tư trước và sau từ các đối tác Nhật Bản lên đến cả trăm triệu USD; Tiki có cả ngàn tỷ đồng rót từ Công ty VNG của Việt Nam và sàn TMĐT trong tốp 3 tại Trung Quốc là JD.com. Nhưng bản thân các sàn này cũng chưa thoát khỏi cảnh thua lỗ với con số lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Cho dù lỗ, nhưng các chủ đầu tư vẫn phải tiếp tục rót vốn để bảo toàn giá trị, nếu ngưng sẽ mất tất cả.
Chia sẻ tại hội thảo đầu kỳ về Đề án phát triển TMĐT trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng 2030 do Sở Công thương TPHCM tổ chức, ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện sàn TMĐT Lazada cho hay, TMĐT đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống chứ không giới hạn trong lĩnh vực hàng hóa. Xu hướng phát triển của TMĐT đã có bước nhảy vọt sang di động nên nhu cầu mua sắm, nhất là trong giới trẻ rất đa dạng và thể hiện khá rõ trào lưu mua sắm thông qua các “hot trend”.
Các nhà kinh doanh nếu không chạy theo kịp là “chết ngay”. Nhưng để làm được việc này thì cần có sự kết hợp rất tốt giữa các DN để tạo ra một hệ sinh thái cho TMĐT. “Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa có một văn bản nào đề cập đến”, ông Vũ Quốc Tuấn băn khoăn. 
Việc hoàn thiện, đồng bộ, nâng cao hạ tầng công nghệ nói chung sẽ giúp bảo mật thông tin trên mạng được an toàn, bí mật và thuận lợi cho khách hàng. Hạ tầng công nghệ chính là những con đường cao tốc kết nối để các yếu tố phát triển của TMĐT lưu thông trong đó. Việc thực hiện này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, các bộ ngành và địa phương mới có thể tạo nên một hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ cho phát triển TMĐT trong tương lai.
Logistics là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của TMĐT và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí đơn hàng giao dịch. Ngoài ra, hạ tầng và năng lực logistics còn tác động tới sự thành công hay thất bại của một đơn hàng, từ đó tác động tới sự thành công hay thất bại của một DN.
  Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính, như hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển TMĐT. Đây là lĩnh vực rất đặc thù, có sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy, khung pháp lý nói chung vẫn còn nhiều mảng trống cần phải hoàn thiện. Do đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật về TMĐT, xây dựng hệ sinh thái cho TMĐT và kinh tế số là một nội dung quan trọng cần được xác định để định hướng phát triển TMĐT trong thời gian tới.

Các tin khác