Do nằm dọc trên bờ biển Địa Trung Hải trải dài khoảng 44km, chiều sâu vào đất liền nơi xa nhất là 13km, nơi ngắn nhất khoảng 5,8km, tổng diện tích đất xấp xỉ 365km2, với khoảng 2 triệu người sinh sống, và tạo nên Nhà nước Palestine. Do vậy Gaza là một trong những vùng lãnh thổ đông dân nhất thế giới.
Người Hồi giáo Sunni chiếm phần lớn dân số dải Gaza, một nhóm thiểu số theo đạo Thiên Chúa. Từ khi chưa có chiến tranh, Gaza đã là một trong những nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới với 46%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên 70%.
“Nhà tù ngoài trời”
Từ đầu thập niên 1990, Israel đã áp đặt các hạn chế về di chuyển và hàng hóa ở Gaza. Năm 2005, Israel rút quân khỏi Gaza, phá dỡ các khu định cư và thực hiện lệnh phong tỏa tạm thời Gaza từ bên ngoài. Lệnh phong tỏa trở nên vô thời hạn sau khi Hamas tiếp quản vùng đất này vào năm 2007. Ai Cập - nước có chung một phần đường biên giới với Gaza - cũng bắt đầu lệnh phong tỏa vào năm 2007.
Lệnh phong tỏa vòng quanh Gaza, không cho phép người dân và hàng hóa tự do ra vào lãnh thổ, khiến Gaza thường được gọi là "nhà tù ngoài trời".
Với một trong những mật độ dân số cao nhất thế giới, người dân Gaza bị hạn chế tiếp cận đất đai, kiểm soát an ninh nội bộ và bên ngoài nghiêm ngặt, hạn chế tiếp cận lao động và thương mại qua biên giới. Một báo cáo năm 2015 của Liên hợp quốc (LHQ) ước tính, 72% dân số phải chịu tình trạng mất an ninh lương thực.
Thu nhập bình quân đầu người ước tính 3.100 USD vào năm 2009, đứng thứ 164 trên thế giới. Một báo cáo của LHQ năm 2022 ước tính tỷ lệ thất nghiệp của Gaza là 45%, và 65% dân số sống trong cảnh nghèo đói, mức sống giảm 27% so với 2006, và 80% dân số phụ thuộc vào viện trợ quốc tế để sinh tồn.
Việc tiếp cận các nhu cầu thiết yếu, chẳng hạn như nước bị hạn chế, chỉ có 10–25% hộ gia đình được tiếp cận với nước máy hàng ngày, thường chỉ trong vài giờ mỗi ngày. 75–90% dân số phụ thuộc vào nguồn nước không an toàn từ các nhà cung cấp không được kiểm soát. Theo đó, 26% bệnh tật ở Gaza liên quan đến nước và 48% trẻ em bị ngộ độc nitrat.
Tình trạng thiếu nước ở Gaza là kết quả của các chính sách và việc kiểm soát các tầng chứa nước ngầm của Israel, khiến Gaza không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu của người dân. Một sĩ quan cấp cao của Quân đội Israel (IDF) đã nói với một quan chức LHQ vào năm 2015 rằng, chính sách của Israel đối với Gaza là 3 không: "Không phát triển, không thịnh vượng, không khủng hoảng nhân đạo”.
Các ngành công nghiệp của Dải Gaza thường là các doanh nghiệp gia đình nhỏ sản xuất hàng dệt may, xà phòng, đồ chạm khắc gỗ ô liu và đồ lưu niệm bằng xà cừ. Các sản phẩm nông nghiệp chính là ô liu, cam quýt, rau, thịt bò Halal và các sản phẩm từ sữa. Các mặt hàng xuất khẩu chính là cam quýt và hoa cắt cành, trong khi các mặt hàng nhập khẩu chính là thực phẩm, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng.
Các đối tác thương mại chính của Dải Gaza là Israel và Ai Cập. Tài nguyên thiên nhiên của Dải Gaza bao gồm đất canh tác (khoảng 1/3 diện tích Gaza). Gần đây, khí đốt tự nhiên đã được phát hiện. Dải Gaza phụ thuộc phần lớn vào nước từ các giếng nước ngầm. Chất lượng nước thấp và hầu hết không phù hợp để con người sử dụng. Phần còn lại được sản xuất bởi các nhà máy khử muối nước hoặc mua từ Mekorot của Israel.
Kiệt quệ vì chiến tranh
Những số liệu trên là trước khi nổ ra cuộc chiến Israel-Hamas (bắt đầu từ ngày 7-10-2023), tình hình hiện nay còn tệ hơn rất nhiều. Theo một báo cáo của LHQ ngày 12-9, 80% các doanh nghiệp ở Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi Israel phát động chiến tranh.
Cuộc chiến của Israel ở Gaza đã tàn phá nền kinh tế vùng đất Palestine này, khiến nền kinh tế giảm xuống còn chưa bằng 1/6 so với quy mô năm 2022. Báo cáo của cơ quan Thương mại và Phát triển của LHQ (UNCTAD) viết: "Các quy trình sản xuất đã bị gián đoạn hoặc bị tàn phá, các nguồn thu nhập đã biến mất, tình trạng nghèo đói gia tăng và lan rộng, các khu phố đã bị xóa sổ và các cộng đồng và thị trấn đã bị tàn phá".
Mutasim Elagraa, người điều phối chương trình hỗ trợ Palestine của UNCTAD, cho biết vẫn chưa rõ chi phí để tái thiết là bao nhiêu. Ông nói: “Nhưng bằng chứng mà chúng tôi có hiện nay cho thấy sẽ tốn hàng chục tỷ USD, hoặc thậm chí có thể nhiều hơn nữa. Sẽ mất hàng thập kỷ để đưa Gaza trở lại như thời điểm tháng 10-2023”.
Ngay từ đầu năm 2024, UNCTAD cho biết có tới 96% tài sản nông nghiệp của Gaza - bao gồm các trang trại, vườn cây ăn quả, hệ thống thủy lợi, máy móc và cơ sở lưu trữ - đã bị phá hủy. UNCTAD cho biết điều này đã làm suy yếu năng lực sản xuất lương thực và làm trầm trọng thêm số lượng người không có đủ lương thực để ăn ở Gaza. 82% doanh nghiệp ở Gaza cũng đã bị hư hại hoặc phá hủy.
Báo cáo cho biết, chỉ riêng trong quý IV-2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Gaza đã giảm mạnh 81%, dẫn đến mức suy giảm 22% trong cả năm. Và “đến giữa năm 2024, nền kinh tế Gaza đã giảm xuống còn chưa đến 1/6 so với mức năm 2022”.