Kinh tế TPHCM trên đà hồi phục ổn định

(ĐTTCO) - Kết thúc 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh của TPHCM đang dần tiệm cận GRDP tiềm năng. Thành quả này cho thấy nền kinh tế TPHCM đang hồi phục ổn định sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. 

Một góc TPHCM về đêm.
Một góc TPHCM về đêm.

Tuy nhiên, năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức, vì vậy TP thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để kích hoạt kinh tế tăng trưởng.

Trên đà phục hồi

Kết thúc năm 2023, GRDP của TPHCM tăng trưởng 5,81%, trong đó ngành dịch vụ tăng 6,79% và ngành công nghiệp tăng 4,42%. Từ mức tăng trưởng GRDP 0,7% của quý I, TP đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để đạt mức tăng trưởng tích cực trong quý II (5,87%), quý III (6,71%).

Tại “Báo cáo Kinh tế vĩ mô TPHCM: Kết quả 2023 và dự báo 2024” do Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) và Cục Thống kê TPHCM thực hiện, đã nhận định mặc dù không đạt mục tiêu đề ra, nhưng kinh tế TPHCM đạt được mức tăng trưởng khá cao trong năm 2023.

Nhóm nghiên cứu phân tích, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TPHCM luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình cả nước, tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động đến từ khắp các tỉnh thành. Ở chiều ngược lại, nền kinh tế TPHCM cũng phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước từ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP có chiều hướng cải thiện đáng kể theo từng quý trong năm 2023. Điều này phản ánh tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế TPHCM đang trên đà hồi phục ổn định, đặc biệt là khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.

Để rõ hơn có thể nhìn vào số liệu do Cục Thống kê TPHCM công bố, năm 2023 khu vực nông lâm thủy sản tăng 1,53%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,42%, trong đó công nghiệp tăng 4,41%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 6,79%; thuế sản phẩm tăng 3,57%.

Ngoại trừ ngành kinh doanh bất động sản có mức tăng trưởng âm 6,38%, các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá, như bán buôn, bán lẻ tăng 10,17%; vận tải, kho bãi tăng 7,64%; thông tin và truyền thông tăng 5,94%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,69%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,61%; giáo dục và đào tạo tăng 7,03%; y tế và hoạt động cứu trợ tăng 3,24%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất (16,38%) so với năm 2022.

Nếu TPHCM thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,1-8% trong năm 2024 có thể đạt được.

Số lượng DN mới gia nhập thị trường ở TPHCM cũng cho thấy xu hướng phục hồi. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào TP tăng 48,5% so với cùng kỳ. Các chuyên gia cũng nhận định, vốn FDI trên địa bàn có sự chuyển dịch theo định hướng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.

Tức là có sự chọn lọc nhà đầu tư FDI ưu tiên công nghệ cao, nền tảng số, công nghệ số; phát triển, ứng dụng công nghệ để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, năng lượng mới, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và môi trường.

Đặc biệt, sự chủ động và linh hoạt của chính quyền địa phương đã góp phần quan trọng giúp TP duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, với sự năng động và quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công, cùng với chính sách tiền tệ đang nỗ lực khắc phục nợ xấu và nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực trọng tâm, sự phục hồi của tổng cầu ở TPHCM được kỳ vọng sẽ nhận được trợ lực lớn trong năm 2024.

Đã nỗ lực nhưng phải nỗ lực hơn

Kinh tế TPHCM đã xuất hiện những điểm sáng, tuy nhiên những thách thức vẫn còn hiện hữu trong năm 2024, và nền kinh tế cần thêm thời gian để thích ứng với những dịch chuyển này, hướng tới sự phục hồi. Khó khăn được dự báo sẽ tiếp tục, ít nhất đến cuối quý II-2024.

Bởi lẽ, ngoài khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2024. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu của TPHCM, vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của TP. Đây sẽ thách thức cho TPHCM trong việc thúc đẩy sự hồi phục của tổng cầu.

Theo TS. Hồ Hoàng Anh, UEH, hiện nay kích thích tổng cầu là biện pháp hữu hiệu trong ngắn hạn tạo ra sự tăng trưởng cho TPHCM. Nền kinh tế phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào tổng cầu hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế nhanh hay chậm.

Cụ thể, người dân có cầu tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) có nhu cầu, Nhà nước giải ngân đầu tư công… giúp tổng cầu tiếp tục phục hồi càng nhanh, càng mạnh. Ngoài việc tiếp tục giải ngân đầu tư công, nhằm hỗ trợ tổng cầu phục hồi nhanh hơn, TPHCM có thể tập trung vào các chính sách thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân, đầu tư tích lũy tài sản của DN và hộ gia đình và xuất khẩu.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đề xuất Chính phủ nhiều lần dùng cỗ xe tam mã là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu. Gần đây để nâng tổng cầu nền kinh tế, chúng ta dùng cỗ xe tứ mã gồm tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công.

Đơn hàng xuất khẩu đã trở lại, cho thấy xuất khẩu có thể cải thiện trong 2024 nhưng dự báo thị trường thế giới vẫn còn khó khăn. Ngoài ra, giải ngân đầu tư công được xem là giải pháp kích thích tổng cầu nhưng cũng gặp khó khăn. Thị trường bất động sản lan tỏa đến toàn thị trường rất lớn, mặc dù tháo gỡ có một số kết quả nhưng nghẽn về vốn.

Theo TS. Lịch, để kích tổng cầu phải khai thác được thị trường nội địa. Hiện Quốc hội đã quyết định kéo dài chính sách giảm Thuế VAT còn 8%. Các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng và mở nhiều chương trình quốc gia để nhiều tầng lớp tiêu dùng có điều kiện mua sắm…

TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đổi mới quản lý DN TPHCM, đề nghị TP cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công để kích hoạt các dự án kết nối hạ tầng. Vì khi hạ tầng giữa TPHCM với các vùng lân cận kết nối tốt, di chuyển nhanh, để nguồn sản xuất đưa vào tiêu dùng nhanh.

TS. Trần Anh Tuấn cũng góp ý số hóa, áp dụng công nghệ được nói đến nhiều nhưng còn thiếu và yếu. Về sản xuất, những sản phẩm nội địa chất lượng chưa cao, người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng nên muốn kích cầu nội địa, phải thay đổi hành vi người tiêu dùng nội địa bằng cách tăng chất lượng sản phẩm của Việt Nam để cải thiện năng lực hấp thụ hàng hóa…

Các tin khác