Tính đến hết 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 19,3%; xuất khẩu tăng 17,4%; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư gần 5,5 tỉ USD; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 10,5%...
Các động lực tăng trưởng phục hồi mạnh hơn, chẳng hạn từ phía cung là công nghiệp và từ phía cầu là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Lạm phát cơ bản được kiểm soát; tỉ giá, lãi suất tăng nhưng trong dự đoán và trong tầm kiểm soát. Cùng với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 và đầu tư công được đẩy mạnh, tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam có thể đạt 7%-7,5%.
Từ góc độ ổn định vĩ mô, CPI bình quân 8 tháng đầu năm tăng 2,58% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,64%, cho thấy lạm phát tăng chủ yếu là do yếu tố giá cả, chi phí đẩy, còn tác động từ yếu tố tiền tệ là không nhiều. Từ đầu năm đến nay, VNĐ đã giảm giá khoảng 3,6% so với USD trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) 3 lần tăng lãi suất liên tiếp và sẽ có những đợt điều chỉnh tiếp theo. Chỉ số giá USD tăng khoảng 17% trong năm nay đã gây sức ép lên tỉ giá các nước, trong đó có Việt Nam. Dù vậy, VNĐ vẫn giảm giá thấp nhất nếu so với đà mất giá khoảng 5%-19% của các nước khu vực ASEAN.
Ngân hàng Nhà nước vừa tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động bằng VNĐ kỳ hạn ngắn nhằm mục tiêu ổn định tỉ giá, kiểm soát lạm phát. Theo đó, dự báo CPI năm nay tăng 3,8%-4,2% và khoảng 4% hoặc cao hơn trong năm tới.
Một trong những điểm sáng của nền kinh tế là xuất khẩu năm nay vẫn đạt mức tăng trưởng 2 con số, dự kiến khoảng 13%-15%. Dòng vốn FDI tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến nhờ chính trị ổn định, kinh tế phục hồi tốt, hội nhập sâu rộng với 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và nền kinh tế ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan sát cho thấy có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang Việt Nam, không chỉ Intel, Samsung... mà còn có những tập đoàn khác từ Singapore, Hàn Quốc, Đan Mạch, Hà Lan... Dòng vốn này chảy vào một số lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, đồ chơi có tính đến xanh hóa, bất động sản khu công nghiệp, đại đô thị...
Thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam. Báo cáo tháng 9 của Nikkei đưa ra đánh giá Việt Nam đứng thứ 2 về các chỉ số phục hồi sau dịch COVID-19. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Mỹ) cũng nâng hạng đối với kinh tế Việt Nam với lý do kinh tế phục hồi, tăng trưởng tốt; lạm phát được kiểm soát; tình hình tài khóa, tiền tệ "vững chãi" hơn những giai đoạn khó khăn trước...
Việt Nam vẫn được coi là ngôi sao đang lên với mức tăng trưởng GDP dự báo khoảng 6,5%, lạm phát khoảng 4%-4,5% trong năm 2023. Tuy nhiên, rủi ro bất định còn nhiều, thậm chí đang gia tăng, đòi hỏi Chính phủ bám sát tình hình để có giải pháp phù hợp...