Kỳ vọng dòng vốn đầu tư Việt - Mỹ sẽ cùng 'win-win' như thương mại

(ĐTTCO) - Trong 25 năm qua, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp của chuỗi cung ứng bị đứt gãy, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng gần 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD năm 2021.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023

2021 cũng là năm đầu tiên thương mại 2 nước đạt mốc 100 tỷ USD. Trong năm 2022, thương mại song phương tiếp tục lập kỷ lục mới với 123,7 tỷ USD.

Cũng trong khoảng đó thời gian, tổng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam lũy kế cuối năm 2022 là 11,42 tỷ USD với 1.216 dự án. Quy mô bình quân 1 dự án đạt 8,9 triệu USD/dự án, thấp hơn so với quy mô dự án bình quân chung của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) trên cả nước là 11,8 triệu USD/dự án.

So với tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam 438,7 tỷ USD tính đến cuối năm 2022, tổng số vốn đầu tư FDI từ Mỹ chỉ chiếm 2,6%. Mỹ hiện không lọt trong top 10 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Trong khi Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn dưới mức tiềm năng của cả 2 nước. Điều này cho thấy đối tác có xu hướng thiên nhiều hơn về thương mại, nhẹ hơn về đầu tư.

Vì thế phái đoàn với hơn 50 doanh nghiệp (DN), trong đó có nhiều tên tuổi lớn, có mong muốn, ý định hoặc đã đầu tư, muốn mở rộng ở Việt Nam là tín hiệu tích cực, mang lại nhiều kỳ vọng về sự chuyển mình mạnh mẽ trong đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, tương tự sự tăng trưởng về thương mại 2 nước đã đạt được trong hơn 2 thập niên qua.

Phái đoàn DN Mỹ đến Việt Nam trong nỗ lực của chính phủ Mỹ xây dựng các chuỗi cung ứng tự chủ, độc lập và an toàn, sau những biến động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19.

Trước đây, các DN Mỹ tìm cách sản xuất và chế tạo ra xa biên giới. Song gần đây, chính phủ Mỹ đã thực hiện các biện pháp như kêu gọi các DN đưa sản xuất và chế tạo về nhà, hoặc gần nhà và tại các nền kinh tế đối tác thân thiện.

Đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam trong bối cảnh đó, phái đoàn DN lớn của Mỹ do vậy còn mang theo thông điệp tin cậy vào nền kinh tế Việt Nam là đối tác thân thiện, đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tín hiệu này được củng cố khi phái đoàn đã có các cuộc làm việc và thảo luận hiệu quả với các cơ quan Chính phủ về việc tạo dựng môi trường đầu tư an toàn và ổn định, đồng thời có những đối thoại về những vướng mắc trong quy định pháp luật với các bộ, ngành.

Nhiều bộ ngành cho biết sẽ tìm cách tháo gỡ ngay những hạn chế này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, các DN nói chung và DN Mỹ nói riêng. Mong muốn và sự nghiêm túc trong hành động nhằm thúc đẩy đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam có thể được cảm nhận từ cả 2 phía.

Sự tham gia đông đảo của các DN tên tuổi lớn trong phái đoàn cũng thể hiện mối quan tâm lớn của DN Mỹ và niềm tin của họ dành cho nền kinh tế Việt Nam với một thị trường 100 triệu dân. Một nền chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, lực lượng lao động trẻ, cơ sở hạ tầng liên tục được hiện đại hóa, môi trường đầu tư đang được từng bước cải thiện và một vị trí địa lý thuận lợi cho kết nối với thị trường khu vực.

Nhu cầu đầu tư và thiết lập chuỗi cung ứng an toàn của Mỹ là rất lớn. Việt Nam có khả năng đáp ứng được nhu cầu đó. Việt Nam cũng đã chứng minh là địa chỉ an toàn, tin cậy, có khả năng sinh lời cao cho nhà đầu tư. Đặc biệt, 2 nền kinh tế có tính bổ sung lẫn nhau.

Đó sẽ là mối quan hệ hợp tác win-win có lợi cho cả nền kinh tế, nếu hoạt động đầu tư được đẩy mạnh trong thời gian tới, giống như quan hệ thương mại đã thể hiện trong thời gian qua, để tương xứng với kỳ vọng về các trụ cột hợp tác như đã đặt ra đối với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước.

Các tin khác