Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, phân tích: Đây là điều hiển nhiên, đến thời điểm này rất nhiều DN giảm doanh thu do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên nhu cầu vốn của họ không cao như năm ngoái. Khi doanh thu giảm, hoạt động sản xuất giảm, nhu cầu vay vốn của các DN cũng giảm.
Bây giờ có giảm mạnh lãi suất DN cũng không dám vay, vì nếu vay mà không thể sử dụng vốn hiệu quả, DN sẽ chịu thiệt hại. Điều đáng nói, DN có thể vay được nhưng không muốn vay, trong khi rất nhiều DN muốn vay nhưng lại không đủ khả năng vay, tập trung ở nhóm DNNVV - những thành phần dễ bị tổn thương khi gặp khủng hoảng.
Hiện NHNN yêu cầu các NH tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn, nhưng cũng yêu cầu không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động NH trong những năm tới.
Diễn biến này dẫn đến các NH cũng không cho vay ra nhiều, đẩy mức tăng trưởng tín dụng xuống rất thấp.
Phóng viên: - Với tình hình như vậy, ông dự báo như thế nào về tăng trưởng tín dụng năm nay?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: - Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14% và đến lúc này đã thấy rõ không thể đạt được. Tôi cho rằng năm nay nếu đạt được mức tăng trưởng tín dụng 10% là tốt, còn trong kịch bản xấu hơn tín dụng có thể tăng dưới 10%.
Trong 5 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng gần 2%, trong nửa năm còn lại có lẽ chỉ tăng 2-3%. Tuy nhiên, diễn biến tốt hay xấu còn tùy thuộc vào tình hình 2 quý sau của năm 2020. Song điều này tùy thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh trong nước và tình hình kinh tế thế giới.
Về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, dự báo Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch bệnh tốt như 2 quý đầu, không để xảy ra trường hợp bùng phát như nửa đầu năm 2020. Thế nhưng tình hình kinh tế thế giới rất ảm đạm, số người lây nhiễm bệnh càng ngày càng tăng.
Ngay cả ở Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng bùng phát dịch bệnh trở lại ở Bắc Kinh. Trong tình hình thế giới khó khăn như thế, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục sẽ bị ảnh hưởng. Dù ta kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng nền kinh tế dựa rất nhiều vào xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều lên đến hơn 500 tỷ USD, trong khi GDP chỉ 267 tỷ USD (tính theo cách cũ), có nghĩa kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP.
Từ thực trạng này, nếu chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu bị hạn chế, gãy khúc, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi các quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam thấp xuống, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Vì vậy, trong trường hợp tốt, tín dụng cũng không thể tăng trưởng quá 10%, còn trong trường hợp xấu mức độ tăng trưởng sẽ thấp hơn, có nghĩa tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới.
- Vậy tại sao trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, nhưng một số NH vẫn huy động lãi suất cao, thưa ông?
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh thu hoạt động sản xuất và nhu cầu vay vốn của DN giảm, dù lãi suất giảm DN cũng không dám vay, kéo theo cầu tín dụng giảm mạnh. |
Còn lại nhìn chung, hệ thống NH dư thừa thanh khoản, tiền gửi rất nhiều nhưng không dùng hết, lãi suất huy động của nhiều NH cũng khá thấp. Dù vậy, năm nay các NH có thể giảm lợi nhuận vì tăng trưởng tín dụng không đạt chỉ tiêu, trong khi chi phí vốn vẫn còn cao vì nhiều khoản tiền gửi đã xác định lãi suất từ trước.
Thực tế, thời gian vừa qua NHNN dùng lãi suất điều hành để giảm mặt bằng lãi suất, nhưng các NH chỉ có thể giảm lãi suất huy động khi khách hàng gia hạn, tái tục tiền gửi hoặc gửi mới. Với các khoản tiền gửi cũ, đặc biệt tiền gửi có kỳ hạn 1 năm hoặc dài hơn, phải chờ đến khi hết hạn mới có thể điều chỉnh được lãi suất.
Do đó, việc giảm lãi suất của NHNN cũng chỉ tác dụng một phần. Chi phí vốn của các NH nhìn chung rất cao trong khi tăng trưởng tín dụng rất thấp, tình hình lợi nhuận của NH năm nay không khả quan như năm ngoái.
- Hiện nhiều DNNVV vẫn có nhu cầu vay vốn, theo ông cần hỗ trợ cho nhóm này như thế nào để giúp họ phục hồi?
- Theo tôi, giải pháp duy nhất để hỗ trợ các DNNVV là sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD), tức phải thay đổi một số điều của Nghị định 34 của Chính phủ năm 2018 quy định về hoạt động của các quỹ BLTD. Thứ nhất, hiện nay ở các tỉnh đều có các quỹ BLTD do địa phương lập ra, ngân sách bỏ vào quỹ là của địa phương. Các tỉnh lại ít tiền nên đóng góp rất ít cho việc xây dựng quỹ BLTD địa phương.
Thứ hai, theo Nghị định 34, vốn điều lệ của quỹ BLTD tối thiểu 100 tỷ đồng và số dư bảo lãnh không thể vượt quá 3 lần vốn điều lệ, tức không thể bảo lãnh vay vốn hơn 300 tỷ đồng. Trong khi đó, mức bảo lãnh 300 tỷ đồng đối với 1 địa phương chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu được bảo lãnh vay vốn của DN.
Chính vì thế, số dư bảo lãnh trên tổng dư nợ của các DNNVV hiện tại chỉ khoảng 1-2%. Với tỷ lệ bảo lãnh khiêm tốn như vậy, các quỹ BLTD hiện tại hoạt động rất èo uột, không có hiệu quả. Tôi đã đề nghị nhiều lần là nên xây dựng quỹ BLTD quốc gia và vốn điều lệ lên đến 10.000 tỷ đồng.
Đồng thời, quỹ BLTD quốc gia phải được bảo lãnh gấp 5 lần vốn điều lệ của mình, để mức bảo lãnh cho DNNVV có thể đạt đến 50.000 tỷ đồng. Mặc dù 50.000 tỷ đồng để bảo lãnh cho các DNNVV không phải là nhiều, khi tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế khoảng 8,5 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ DNNVV chiếm 20%, ước 1,7-1,8 triệu tỷ đồng cho DNNVV, nhưng mức bảo lãnh đó vẫn tốt hơn so với hiện nay.
- Xin cảm ơn ông.