Làn sóng lao động hồi hương-Rào cản trong phục hồi kinh tế (B2): Đón người lao động quay trở lại

(ĐTTCO) - Khi các biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng được áp dụng ở TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam, đã tạo ra một làn sóng di chuyển lao động lớn chưa từng có. Do vậy nếu mở cửa mà không có các giải pháp hữu hiệu để kéo những người lao động này quay trở lại thì quá trình khôi phục sản xuất để thúc đẩy phục hồi kinh tế sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đón họ trở lại như thế nào nhưng vẫn an toàn chống dịch.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
An toàn nhưng phải đảm bảo năng suất lao động
Người lao động một khi đã bất chấp khó khăn, thậm chí là hiểm nguy để rời nơi kiếm sống, bỏ lại sau lưng nhiều cơ hội và sinh kế đủ để thấy họ đã bế tắc với cuộc sống ở các đô thị lớn như TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương như thế nào.
Giờ đây, khi đang tránh dịch ở các vùng quê, họ luôn cập nhật các tin tức về tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như triển vọng phục hồi sản xuất trở lại của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp mà mình đã làm việc trước đây.
Họ sẽ không bao giờ chấp nhận quay trở lại nếu triển vọng khôi phục kinh tế là không bền vững cũng như tạo cơ hội cho họ đảm bảo cuộc sống ổn định.
Vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính hệ thống và được triển khai nhanh chóng mới mong kéo được lực lượng lao động này quay trở lại. Các giải pháp cụ thể được vạch ra cần có sự phối hợp giữa Ban quản lý các KCN, nhà máy, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, chính quyền địa phương và thậm chí là các cơ sở phụ trợ như chủ của các nhà trọ, cơ sở phục vụ ăn uống, điều kiện sinh hoạt cho công nhân, người lao động.
Trước hết là cần tổ chức đón người lao động một cách tập trung theo từng địa phương, tỉnh thành như những lần trước đây đã đưa họ về quê để đảm bảo an toàn lưu thông và chống dịch. Sử dụng hệ thống đường sắt Bắc Nam cũng là một gợi ý rất đáng quan tâm để đưa người lao động từ các tỉnh Bắc Trung bộ trở vào.
Kế đến là các điều kiện về ăn, ở, sinh hoạt, di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi làm việc cần đảm bảo nguyên tắc vừa an toàn phòng chống dịch nhưng cũng phải đảm bảo hiệu quả về năng suất cho doanh nghiệp.
Rút kinh nghiệm từ các giải pháp “3 tại chỗ” trước đây, đã làm gia tăng chi phí đáng kể nhưng không mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, thậm chí còn khiến dịch bệnh lây lan, thì lần này các giải pháp như “4 xanh” cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc tính đặc thù của từng địa phương, ngành nghề, lĩnh vực và doanh nghiệp để áp dụng linh hoạt.
Nguyên tắc rất quan trọng là phải đảm bảo tính chắc chắn và bền vững của quá trình phục hồi kinh tế lần này. Bởi vì đến lúc này thì sức khỏe của doanh nghiệp đã bị bào mòn quá nhiều và không thể chịu đựng thêm bất cứ một lần nào nữa vòng xoáy bất định “hạn chế hoạt động – giãn cách, đóng cửa – tốn kém chi phí phục hồi – đóng cửa…”.
Nếu điều đó xảy ra một lần nữa thì quá trình doanh nghiệp sụp đổ một cách có hệ thống sẽ là điều không tránh khỏi.
Một điều đáng quan tâm nữa là chính quyền địa phương cần có các giải pháp và chính sách cụ thể để phối hợp cùng chủ các cơ sở lưu trú, nhà trọ, cung cấp dịch vụ sinh hoạt cho công nhân, người lao động có chính sách miễn, giảm, ưu đãi các chi phí ban đầu hoặc kéo dài một thời gian để giúp người lao động ổn định lại cuộc sống và làm giảm áp lực quay trở lại cho họ.
Làm được điều này cũng là một cách để người lao động an tâm, tập trung vào công việc, giúp doanh nghiệp đảm bảo năng suất hoạt động và quá trình hồi phục kinh tế sẽ diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.
Cuối cùng nhưng giữ vị trí tiên quyết là phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine như hiện nay và có sự phối hợp giữa các địa phương, nơi mà các lao động đang tạm sinh sống chờ ngày quay trở lại.
Các giải pháp về phía doanh nghiệp và chính sách
Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược phục hồi kinh tế cần thể hiện rõ lộ trình nới lỏng và các giải pháp kèm theo để tiến tới mở cửa nền kinh tế.
Có thể không phải là một thời điểm cụ thể ngay trước mắt nhưng cần đảm bảo cho doanh nghiệp và công chúng thấy rõ triển vọng của quá trình phục hồi kinh tế sẽ diễn ra như thế nào, tính khả thi của các biện pháp về y tế - kinh tế - xã hội nhằm tạo ra sự đồng thuận, tin tưởng và tránh các hiệu ứng đám đông tiêu cực rất bất lợi cho thực thi chính sách.
Nếu đã khẳng định không thể tạo ra một môi trường hoàn toàn không có Covid-19, hay mục tiêu chiến lược là thích ứng với điều kiện vận hành nền kinh tế trong hoàn cảnh có sự tồn tại và lây lan của dịch bệnh, thì cần tiếp cận các phương án nới lỏng, cho phép doanh nghiệp tái sản xuất, hoạt động và kinh doanh dưới góc độ đánh giá rủi ro và quản trị rủi ro.
Việc gánh chịu rủi ro một phần và có các phương án phòng ngừa để giảm thiểu các tổn thất tiềm năng, sẽ là phù hợp hơn các giải pháp hiện nay đang được xây dựng theo hướng đưa ra quá nhiều các điều kiện ràng buộc doanh nghiệp phải đáp ứng mới được quay lại hoạt động. Điều này, theo chúng tôi sẽ tiếp tục lặp lại các sai lầm và bất cập như giải pháp “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến”.
Điều cấp thiết nhất lúc này là cứu sống doanh nghiệp thì việc phục hồi sản xuất - kinh doanh mới khả thi. Quan điểm là miễn một phần thuế khóa để khoan thư sức dân và doanh nghiệp trong ngắn hạn, còn hơn để họ từ bỏ khi dòng tiền và nguồn vốn dự phòng cạn kiệt. Khi đó nguyên tắc bồi dưỡng nguồn thu cũng sẽ bị phá vỡ.
Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể về giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn, thay vì khuyến khích các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để giảm lãi và phí cho vay.
Đồng thời, việc tiếp cận cho vay theo cách thức hỗ trợ như tín chấp thay vì dựa hoàn toàn trên tài sản bảo đảm, vấn đề này cần phải có chính sách tháo gỡ. Lúc này việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện các khoản cho vay tái cấp vốn, điều tiết mức tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ các điều kiện cấp khoản vay là cần thiết.
Các gói hỗ trợ doanh nghiệp phải triển khai nhanh chóng, trực diện và rút ngắn quy trình. Quy trình pháp lý, thủ tục hành chính luôn rất mất thời gian. Vì vậy mà chủ trương, chính sách, truyền dẫn qua hệ thống hành chính, xuống được tới người thụ hưởng luôn có một độ trễ lớn. “Trong những hoàn cảnh bất thường cần có những giải pháp bất thường”, vậy nên cần rút ngắn quy trình thực hiện một cách tối đa, triệt tiêu tư duy sợ quy trách nhiệm. 
Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, chính quyền phải có cách làm khác, nhanh chóng hơn, còn cứ theo trình tự trước đây thì lợi bất cập hại. Ngay lúc này các bộ, ban, ngành, địa phương phải quyết liệt, nhanh chóng, bám sát thực tiễn và cụ thể hóa giải pháp để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 105.
Cái giá phải trả cho sự chần chừ chính là sự lãng phí đối với nguồn lực quốc gia, sinh kế người dân, và trụ cột của nền kinh tế là doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường.
Hiểm họa Covid-19 sẽ còn kéo dài và tồn tại cùng với các hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy đây là lúc mà “thúc đẩy quá trình ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số” không còn là khẩu hiệu hay các kế hoạch của tương lai, mà cần cụ thể để thực hiện ngay trong thời gian tới. Mạnh dạn thay đổi các mô hình kinh doanh truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, thực hiện thí điểm các công nghệ mới dưới sự giám sát và kiến tạo của Chính phủ.
Từ kinh nghiệm triển khai thực tiễn thời gian qua, doanh nghiệp cần chủ động đề xuất cơ chế, giải pháp để các cơ quan quản lý Nhà nước nắm rõ những khó khăn, vướng mắc. 
Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải có giải pháp cụ thể, bền vững và thậm chí cần một chiến lược tái cấu trúc để trở thành doanh nghiệp thông minh, doanh nghiệp số. Việc này góp phần định hình lại cách thức hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế và cho cả cách tiếp cận trong điều hành chính sách của Chính phủ. 
Cuối cùng, cần nỗ lực và kết nối các chủ thể để tạo một hệ sinh thái thống nhất giữa người dân, doanh nghiệp với các tổ chức Chính phủ. Việc có quá nhiều các ứng dụng về khai báo y tế hay kiểm soát việc di chuyển của người dân thời gian qua cho thấy nguyên tắc này đã không được đảm bảo, gây lãng phí nguồn lực và khiến cho công chúng cảm nhận công nghệ toàn ở mặt trái của các ứng dụng này. 
 Cần tổ chức đón người lao động một cách tập trung theo từng địa phương, tỉnh thành như những lần trước đây đã đưa họ về quê để đảm bảo an toàn lưu thông và chống dịch.

Các tin khác