Sáng 5-9, UBND TPHCM tổ chức diễn đàn kết nối du lịch TPHCM và 13 tỉnh - thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL). Cùng tham dự còn có lãnh đạo của 13 tỉnh - thành khu vực ĐBSCL.
Kết hợp lợi thế để cả vùng phát triển
Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng khi TPHCM cùng 13 tỉnh - thành lần đầu tiên tổ chức diễn đàn kết nối du lịch khu vực. Đây không chỉ là trách nhiệm trong việc phát triển du lịch của chính TPHCM mà còn là trách nhiệm của TPHCM đối với khu vực ĐBSCL.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Đảng bộ TPHCM đánh giá, lâu nay đã có sự liên kết giữa TPHCM với Tây Nam bộ và Đông Nam bộ. Song, mối liên kết này đã chưa phát huy hết tiềm năng của TPHCM với 13 - tỉnh thành ĐBSCL; của TPHCM với khu vực Đông Nam bộ.
Chính vì vậy, TPHCM xác định một điểm nhấn cho thời gian tới là coi sự hợp tác của TPHCM với Tây Nam bộ và Đông Nam bộ là một giải pháp trọng điểm.
“Di sản văn hóa được công nhận tại các địa phương trong khu vực ĐBSCL lớn hơn TPHCM rất nhiều”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét. Đồng thời cho rằng, không chỉ diện tích 13 tỉnh - thành lớn hơn TPHCM rất nhiều mà văn hóa gắn với thiên nhiên của khu vực phong phú cũng hơn TPHCM nhiều.
Do đó, việc kết hợp được các lợi thế này sẽ thay đổi, tạo được sự phát triển về du lịch không chỉ riêng đối với TPHCM mà còn cho cả khu vực.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM có khoảng 10 triệu dân và trong năm 2018 đón 7,5 triệu lượt quốc tế khách. Trong khi đó, 13 tỉnh - thành ĐBSCL có khoảng 20 triệu dân và đón khoảng 3,4 triệu khách trong năm 2018.
Nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp trong phát triển du lịch, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, để phát triển du lịch tốt thì phải có doanh nghiệp du lịch tiên phong. Song, số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ở 13 tỉnh - thành còn hạn chế. Trong khi đó, TPHCM có 1.200 doanh nghiệp lữ hành quy mô và chính hoạt động của các doanh nghiệp này mới “kéo” được 7,5 triệu lượt du khách đến TPHCM.
“Một trong những vấn đề quan trọng, để phát triển du lịch thì các doanh nghiệp của TPHCM và miền Tây phải kết hợp lại”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.
Mở rộng hơn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất 5 nội dung hợp tác.
Đó là việc hình thành hội đồng phát triển du lịch và TPHCM, gồm lãnh đạo các tỉnh - thành, cơ quan tham mưu. Hội đồng này sẽ thảo luận, đánh giá tình hình và xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch ĐBSCL và TPHCM trong giai đoạn 2020-2025.
Để chuẩn bị cho cuộc họp của hội đồng này, đồng chí đưa ra đề nghị thứ hai, là việc các doanh nghiệp lữ hành của TPHCM và ĐBSCL cũng có chương trình hợp tác thảo luận trước, để có các đề xuất giải pháp phát triển cụ thể.
Như vậy, trong hội đồng này, ngoài đại diện 14 tỉnh - thành phố còn có đại diện doanh nghiệp của từng địa phương. Trường hợp, trong tháng 9-2019, các doanh nghiệp lữ hành này ngồi lại với nhau thì trong tháng 10-2019, chính quyền 14 tỉnh - thành sẽ có phiên thảo luận đầu tiên về chương trình hợp tác.
Đồng chí cũng đề xuất Bộ VH-TT-DL hỗ trợ khu vực chuẩn hóa, nâng cấp các di tích văn hóa lịch sử đã được công nhận, để kết hợp phát triển du lịch.
Đặc biệt, về công việc “nội bộ”, 14 tỉnh - thành cần thảo luận xây dựng thương hiệu du lịch chung cho khu vực, thay vì 14 tỉnh - thành này, mỗi nơi xây dựng thương hiệu riêng, sẽ khó và khiến du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khó phát âm, không nhớ nổi. Đồng chí đưa ra gợi ý thương hiệu chung như: “Du lịch Mekong Việt Nam - Điểm đến của nhân loại” và mong muốn Bộ VH-TT-DL hỗ trợ xây dựng, hình thành và quảng bá thương hiệu này một cách rộng rãi.
Liên hệ với TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, năm 2018, TPHCM đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế (kế hoạch năm 2019 sẽ đón 8,5 triệu lượt - PV). Đây là con số ấn tượng nhưng TPHCM vẫn chưa hài lòng với kết quả này và mong muốn, khi du khách đến TPHCM sẽ có các chuyến tham quan ở các địa phương khác, nhất là các tỉnh ĐBSCL. Do đó, việc xây dựng thương hiệu du lịch cho cả vùng, để du khách dễ là rất cần thiết.
Để tạo điều kiện cho du lịch của vùng phát triển, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân còn đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải quan tâm phát triển hệ thống giao thông cho vùng. “Chỉ cần sự hợp lý hóa giữa giao thông và du lịch thì du lịch của cả vùng sẽ khác hẳn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Trong phát triển hạ tầng giao thông thì không chỉ ở hệ thống đường bộ, đường thủy mà còn cả hoạt động hàng không. Thông qua sự điều tiết giao thông hàng không, khách đến du lịch và khu vực miền Tây, như Cần Thơ thì không chỉ hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch của khu vực mà còn giúp giảm tải cho TPHCM.
Trong phát triển du lịch tại TPHCM, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến kế hoạch phát triển du lịch thông minh, bằng sự số hóa các nguồn tài nguyên du lịch và chuẩn hóa cách tiếp cận để du khách dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận. Trên cơ sở đó, từ năm 2021, TPHCM có thể sẵn sàng chia sẻ, liên kết với các địa phương phát triển du lịch thông minh.
Xây dựng “chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù”
Tại diễn đàn, lãnh đạo các tỉnh - thành cũng như các doanh nghiệp lữ hành rất hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ trước việc liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và khu vực miền Tây.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương đồng tình với việc thành lập hội đồng phát triển du lịch; đồng thời đề nghị TPHCM và 13 tỉnh - thành ĐBSCL lập ban chỉ đạo phát triển du lịch. Ban này sẽ gồm Bí thư Thành ủy, Bí thư Tỉnh ủy 14 tỉnh - thành của khu vực và ban điều phối liên kết du lịch vùng gồm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND các tỉnh - thành.
Cung cấp thêm thông tin tổng quát về hoạt động du lịch trên cả nước, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong những năm qua, ngành du lịch của nước ta tăng trưởng rất nhanh.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch của vùng ĐBSCL thời gian qua thuộc nhóm chậm nhất cả nước, là chưa tương xứng với tiềm năng vốn.
“Khách đến ở ngắn, công tác xúc tiến quảng bá du lịch yếu, chưa hiệu quả, nguồn còn thiếu”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khái quát và nhấn mạnh, ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Về nhiệm vụ phát triển du lịch của cả nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận xét cả nước đòi hỏi ngành phải tiếp tục duy trì ở mức cao. Đến năm 2025, cả nước phải đón được 32 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách du lịch nội địa để nguồn thu từ ngành du lịch đạt 65 tỷ USD.
“Trước mục tiêu lớn như vậy thì việc hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với ĐBSCL là rất cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Trong đó, để việc hợp tác đạt được hiệu quả thì phải nghiên cứu cơ chế, mô hình hợp tác hiệu quả. Cùng với đó, trong thời gian chờ hoàn thiện hạ tầng giao thông, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế để có chiến lược phát triển du lịch cho vùng. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển, khắc phục hạn chế về hạ tầng giao thông của khu vực.
Tiếp tục nhấn mạnh sự phong phú của các sản phẩm du lịch cũng như tiềm năng du lịch của vùng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, nếu địa phương nào cũng có sản phẩm du lịch na ná nhau, cùng là “sông nước, vườn hay văn hóa” thì rất khó phát triển. Do đó, mỗi tỉnh - thành phải xác định, xây dựng được sản phẩm đặc thù cho địa phương mình, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch của cả vùng.
Mặc khác, các tỉnh - thành cũng phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù đó. Đặc biệt là cần lưu ý kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia, để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn.