Đề xuất trên được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ vào tuần rồi ở TP Geneva - Thụy Sĩ.
Những người ủng hộ đề xuất này lập luận rằng các nhà lãnh đạo châu Âu, tương tự Tổng thống Mỹ Joe Biden, có thể đưa ra những thông điệp trực tiếp đối với hành vi của Moscow nhưng vẫn để mở khả năng hợp tác.
Dù vậy, theo Politico, ý tưởng nêu trên cũng vấp phải sự phẫn nộ của nhiều nhà ngoại giao EU, đặc biệt là những quan chức đến từ các nước Baltic và Phần Lan vốn ủng hộ lập trường cứng rắn với Moscow. Họ nhấn mạnh đề xuất trên có thể phản tác dụng và khiến EU bị chia rẽ, bởi nó thể hiện sự mềm yếu với Nga giữa lúc phương Tây liên tục đe dọa trừng phạt bổ sung với Moscow.
Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và EU đóng băng hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Putin, chính sách của EU liên tục đảo chiều giữa áp lệnh trừng phạt kinh tế Moscow và cho phép đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc 2" của Nga - Đức hoàn thành.
Trong một diễn biến cho thấy căng thẳng chưa hạ nhiệt, Nga hôm 23-6 tuyên bố đã bắn và thả bom cảnh cáo tàu khu trục Anh di chuyển trên Biển Đen ngoài khơi Ukraine dù phía Anh bác bỏ.
Cũng trong ngày 23-6, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Vassily Nebenzia đã có những trao đổi căng thẳng với LHQ, Mỹ và các nước phương Tây liên quan đến vận chuyển viện trợ nhân đạo từ Thổ Nhĩ Kỳ đến các vùng lãnh thổ do quân nổi dậy kiểm soát ở Tây Bắc Syria.
Theo AP, Đại sứ Nebenzia đã bác bỏ cảnh báo về việc đóng cửa khẩu duy nhất sẽ khiến hơn 1 triệu người thiếu lương thực. Đại sứ Nebenzia khẳng định nên vận chuyển hàng viện trợ qua các đường tiền tuyến ở Syria, đồng thời cáo buộc LHQ và phương Tây năm qua chẳng làm gì để thúc đẩy những hoạt động vận chuyển như vậy.