Bên cạnh đó, thời hạn cho thuê đất trường hợp đặc biệt thời hạn 99 năm sẽ không còn được quy định trong dự án luật. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với GS. HÀ TÔN VINH (ảnh) về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Ông từng nói để đột phá, phát triển trong dài hạn cần phát triển các đặc khu kinh tế (ĐKKT) lớn cần tránh hiệu ứng Zero Sum Game (cuộc chơi cộng lại bằng 0). Ông có thể nói rõ hơn về nhận định này?
GS. HÀ TÔN VINH: - Việt Nam đã có 328 khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), khu chế xuất (KCX) và 625 cụm công nghiệp. Như vậy nếu song song với quá trình xây dựng 3 ĐKKT lớn cần thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KCN, KKT hiện có như các đặc khu thu nhỏ, để hàng trăm KCN, KKT này cùng phát triển, đưa Việt Nam trở thành một ĐKKT trong khu vực và quốc tế.
Trên thế giới có nhiều loại hình KKT như KCX, KCN, KKT mở, KKT cửa khẩu, khu phi thuế quan… Tất cả các khu này thường được dùng một từ chung là ĐKKT, nghĩa là có gì đó đặc biệt. Có những đặc khu chỉ có 1 công ty, họ thành lập đặc khu cho 1 công ty để khuyến khích nhà đầu tư làm những ngành công nghệ quốc gia chưa có. Những ĐKKT này đều nhắm đến các mục tiêu quan trọng, như phát triển kinh tế địa phương, vùng miền, quốc gia; thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước…
Bản chất ĐKKT là nâng cấp các KCX, KCN, KKT mở từ tầm địa phương lên tầm quốc gia, và để các khu này phát triển tốt hơn nên hợp nhất lại theo hướng phát triển từng cụm, từng vùng miền, chuyên sâu. Làm được vậy Việt Nam sẽ trở thành một đặc khu hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu cần mở thêm ĐKKT lớn như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để đóng góp thêm vào chuỗi phát triển của Việt Nam. Nhưng cần tránh hiệu ứng Zero Sum Game, tức các địa phương khác chịu thiệt hại.
Thí dụ nếu để ưu đãi như dự thảo luật hiện tại có thể dẫn tới các đặc khu như Vân Đồn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, vì được Chính phủ cho nhiều đặc quyền, đặc lợi. Từ đó các nhà đầu tư, công ty đang đầu tư ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng… sẽ dồn về Vân Đồn để hưởng thuế thấp hơn, thuê đất lâu dài hơn, sẽ khiến các địa phương này có thể mất đi các nguồn lực, nguồn thu. Có nghĩa trong trường hợp này nếu Vân Đồn thu thêm được 5 đồng, các địa phương còn lại có thể mất 5 đồng, cộng lại vẫn bằng 0.
Nếu ưu đãi như dự luật hiện nay, một ngày nào đó Tập đoàn Samsung sẽ chuyển từ Bắc Ninh, Thái Nguyên về Vân Đồn khi đã hưởng hết ưu đãi theo cấp phép đầu tư. Như vậy, Vân Đồn được hưởng lợi nhưng các địa phương khác lại chịu thiệt từ hiệu ứng Zero Sum Game. Đây là điều các nhà làm luật đặc khu cần phải tính toán. |
- Làm gì để tránh cuộc đua xuống đáy khi thành lập 3 đặc khu như dư luận lo ngại, thưa ông?
- Việt Nam hiện theo mô hình ưu đãi truyền thống, doanh nghiệp đầu tư vào thường được hưởng ưu đãi 9-10 năm đầu không thuế, 10-15 năm tiếp theo được giảm 50% thuế, và các năm tiếp theo thuế cao hơn. Ưu đãi đầu tư theo hướng giảm dần. Nhưng tại sao không làm ngược lại? Chẳng hạn, thuế kinh doanh casino tại Ma Cao 39%, nếu vào các đặc khu Việt Nam thay vì quy định 15% như dự thảo luật, hoàn toàn có thể quy định cao hơn là 20%, sau 10 năm nếu nhà đầu tư đóng góp cho xã hội nhiều có thể giảm thuế xuống 15%, và 10 năm tiếp theo giảm tiếp xuống 10%.
Ưu đãi như vậy sẽ không kéo xuống đáy, vẫn để cho các địa phương khác có thể cạnh tranh với các đặc khu. Còn nếu duy trì chênh lệch ưu đãi thuế, đất đai quá lớn nhà đầu tư tại các địa phương khác sẽ kéo đến đặc khu.
- Vậy xây dựng đặc khu theo mô hình đặc khu Thâm Quyến (Trung Quốc) liệu có thành công không?
- Đi theo mô hình đặc khu của Trung Quốc cũng tốt, đến lúc nào cần thay đổi sẽ thay đổi. Đặc khu Thâm Quyến phải mất 30-40 năm mới thành công, nay Việt Nam mở ĐKKT đòi hỏi thành công ngay rất khó, chưa nói đến sự khác biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam rất lớn. Họ có cả một thị trường hơn 1 tỷ dân đằng sau, cả một tiềm lực công nghệ, tiền bạc Hồng Công.
Tôi ra Bắc Vân Phong, được tỉnh giới thiệu cảng nước sâu rất đẹp, có thể cho du thuyền lớn ghé vào. Nhưng những du thuyền có 3.000-5.000 khách du lịch vào họ sẽ đi đâu, làm gì chưa rõ, nên các du thuyền lớn sẽ không tới Bắc Vân Phong ngay được. Đó là câu chuyện cần giải quyết. Du khách không thể đi xe bus 70-80km về Nha Trang để du lịch, sau đó lại quay lại Bắc Vân Phong để lên du thuyền.
- Ông nghĩ sao về con số khoảng 1,5 triệu tỷ đồng để xây dựng hạ tầng 3 đặc khu?
- Khó để huy động từ ngân sách 1,5 triệu tỷ đồng để làm đặc khu trong bối cảnh ngân sách hiện nay. Vấn đề là cần tạo cơ chế đột phá. Đó là một cơ chế thoáng hơn, nguồn lực lao động chất lượng tốt hơn, cảng biển thuận tiện hơn. Có thể Chính phủ chỉ bỏ tiền làm những con đường chính đi vào đặc khu, đầu tư hạ tầng điện, nước, còn sẽ làm gì tiếp theo là việc của nhà đầu tư.
Chính phủ không cần phải bỏ vốn làm tất cả mọi thứ, vì chưa biết nhà đầu tư cần gì sao biết được sẽ cần hạ tầng ra sao. Hãy cứ làm quy hoạch tốt và mời gọi nhà đầu tư tiềm năng đến xem nhà đầu tư muốn gì. Nếu dự án đầu tư không trái với thuần phong, mỹ tục nên cấp phép.
- Theo ông, quyền hành và cơ chế cần ra sao để đặc khu có đột phá?
- Dự thảo Luật đặc khu chưa cho thấy sự vượt trội về thể chế của 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Kinh nghiệm thành công của Thâm Quyến và nhiều nơi trên thế giới cho thấy đặc khu cần có một ông trưởng đặc khu có tài nắm toàn quyền điều hành, bên cạnh đó có hội đồng đặc khu đóng 2 vai trò là giúp xây dựng chính sách, giám sát.
Trưởng đặc khu làm tốt được tiếp tục, không làm tốt có thể bị hội đồng đề nghị thay thế. Thêm nữa, các ĐKKT trên thế giới đều có một hội đồng cố vấn, 1 năm 2-3 lần đưa ra góp ý với cơ chế phát triển đặc khu.