Muốn đón khách Ấn phải có sản phẩm đặc thù

(ĐTTCO) - Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company, cho rằng nhu cầu đi du lịch nước ngoài của khách Ấn Độ đang ngày càng tăng cao, nên Việt Nam chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng tự nhiên từ nguồn khách này. 

Đoàn khách du lịch Ấn Độ hào hứng tham quan Việt Nam.
Đoàn khách du lịch Ấn Độ hào hứng tham quan Việt Nam.

PHÓNG VIÊN: - Sự kiện đón 4.500 khách Ấn Độ những ngày vừa qua, đang làm nóng lại việc làm sao khai thác được nguồn khách tiềm năng này. Góc nhìn của ông về vấn đề này ra sao?

Ông ĐẶNG MẠNH PHƯỚC: - Trước hết cần phải nhìn nhận việc đón đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ những ngày qua là nỗ lực lớn của Vietravel. Còn về câu hỏi làm sao khai thác thị trường tiềm năng này, tôi lại muốn đặt câu hỏi khác, Việt Nam có thực sự cố gắng đón nguồn khách này hay không.

Nhìn vào số liệu thống kê trong 1-2 năm trở lại đây có thể thấy, khách Ấn Độ đến Việt Nam đang có tăng trưởng khá tốt, nhưng đây là xu hướng tăng trưởng tự nhiên, tức chúng ta chưa cần làm gì nhiều khách vẫn đến.

Vì sao như vậy? Nguyên nhân sau dịch nhu cầu đi du lịch nước ngoài của khách Ấn Độ đang tăng rất cao, Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là một trong những điểm đến nhiều khách Ấn muốn khám phá, vì thế nguồn khách này đang không ngừng tăng lên.

Nhưng ở góc độ điểm đến, Việt Nam có quyền lựa chọn có ưu tiên cho thị trường này hay không. Nếu câu trả lời là có, cần có chính sách và chiến lược cụ thể. Bởi trước sự bùng nổ của khách Ấn Độ, quốc gia nào có chính sách và chiến lược tốt sẽ hưởng được phần ngon của miếng bánh.

Còn nếu chúng ta không có chiến lược, chính sách nào, khi lượng khách tăng trưởng tự nhiên quá nóng sẽ dẫn đến nguy cơ cho du lịch Việt Nam nhiều hơn là cơ hội. Nguy cơ đầu tiên có thể kể đến đó là khó đảm bảo chất lượng điểm đến, khi có xung đột nguồn khách ở một vài địa phương, nhất là khách Ấn Độ có nhiều nét văn hóa khác biệt với các thị trường khác, nên xung đột sẽ khó tránh.

Một điều nữa cần bàn đến trong việc đón khách du lịch Ấn Độ, chính là mức độ sẵn sàng và ưu tiên của doanh nghiệp dành cho thị trường Ấn Độ ra sao. Khi tiếp xúc với một vài doanh nghiệp, cảm nhận của tôi là họ chưa mặn mà với thị trường này.

Khách Ấn Độ nói riêng và khách Hồi giáo nói chung có những khác biệt về hành vi văn hóa, tiêu dùng, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là khối nhà hàng, khách sạn. Song họ lại chưa nhìn thấy mức độ ưu tiên của Việt Nam dành cho thị trường này như thế nào để ưu tiên đầu tư, nên bức tranh thị trường Ấn Độ vẫn chưa rõ nét ở Việt Nam dù chúng ta nhắc đến suốt mấy năm nay.

Thực tế mỗi khi có đoàn khách Ấn Độ đông, những vấn đề khai thác tiềm năng thị trường lại nóng lên, nhưng sau đó dường như đâu lại vào đó, đến nay việc xúc tiến vẫn chỉ diễn ra ở một vài địa phương, và đi sâu hơn có một vài doanh nghiệp dành sự quan tâm khai thác thị trường này thực sự.

Các chương trình xúc tiến tầm quốc gia hiện vẫn ưu tiên nhiều cho các thị trường truyền thống. Theo đánh giá của tôi, các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch của Việt Nam hiện nay vẫn đi theo lối mòn cũ, chúng ta cần thay đổi để thực sự có thể xây dựng hình ảnh, định vị sản phẩm hướng đến tệp khách mình muốn.

- Ông có nói đến sự khác biệt về văn hóa và hành vi tiêu dùng của khách Ấn Độ với Việt Nam, liệu có dễ dàng cho doanh nghiệp khi phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hay không, thưa ông?

- Xin được khẳng định rằng, khác biệt chính là điều kích thích du khách đi du lịch đến các quốc gia khác nhau. Và khi làm du lịch, dịch vụ thì không ai chê khách hàng cả, nhất là trong bối cảnh nguồn cung du lịch của chúng ta đang dư thừa rất lớn cần phải thay đổi để thích nghi với khách hàng.

Như tôi đã nói, khi chúng ta chủ động thay đổi, chủ động có chiến lược từ cấp quản lý đến doanh nghiệp, chúng ta sẽ nắm được phần ngon trong miếng bánh thị trường đang ngày một to ra này. Nếu vẫn có những lo lắng về khác biệt lớn trong văn hóa, hành vi tiêu dùng của nhóm khách này có thể ảnh hưởng nhiều đến những nhóm khách hàng từ các thị trường khác, thì chúng ta có thể tìm kiếm những tệp khách hàng phù hợp ngay trong chính thị trường lớn Ấn Độ.

Chẳng hạn khách hàng trẻ, tiếp xúc với văn hóa nước ngoài nhiều, có sự giao thoa văn hóa, tư duy cởi mở hơn… để những bước thay đổi của mình không quá đột ngột. Còn nếu chúng ta chỉ bán cái mình có, không thể ngồi đó than vãn việc vì sao không có khách, vì sao tiềm năng chưa thành hiện thực.

Theo tôi không có gì là không thể thay đổi, quan trọng là mình có quyết định lựa chọn hay không. Khi có quyết định rồi mọi bước đi tiếp theo sẽ không còn là thách thức. Thực tế cách không ít doanh nghiệp Việt Nam nghĩ về thị trường Ấn Độ vẫn khá cũ. Khách Ấn đang thay đổi rất nhiều, và việc của ngành du lịch cũng như của doanh nghiệp là chủ động tìm hiểu, chủ động đón khách.

- Theo ông, với xu hướng đi du lịch nước ngoài ngày càng bùng nổ, liệu khách Ấn Độ có thể thay thế nguồn khách khổng lồ Trung Quốc hay không?

- Trên bình diện thế giới, khách Ấn Độ đang được đánh giá là thị trường khách Trung Quốc thứ 2. Nhưng ở Việt Nam để trả lời rằng khách Ấn Độ có thể thay thế khách Trung Quốc hay không cần thêm thời gian, xem mức độ phù hợp của sản phẩm du lịch Việt Nam với khách Ấn Độ ra sao.

Hiện Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, đều là những điểm đến mới của khách Ấn Độ, nên họ sẽ có những trải nghiệm và lựa chọn điểm đến phù hợp. Nếu phù hợp mức độ tăng trưởng sẽ nhanh hơn trong thời gian tới.

Song với quy mô dân số lớn, mức chi tiêu cho du lịch cao, nhu cầu đi lớn, quy mô thị trường khách Ấn Độ tại Việt Nam sẽ gia tăng. Bây giờ Ấn Độ đã ở vị trí thứ 8 những thị trường gửi khách lớn vào Việt Nam. Tôi dự đoán không lâu nữa nhóm khách này sẽ vào Top 5, thậm chí có thể thay thế vị trí của khách Nhật Bản.

Tuy vậy hai nguồn khách chính là Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn giữ vị trí thị trường gửi khách lớn nhất tại Việt Nam, ít nhất trong 2-3 năm tới.

- Xin cảm ơn ông.

Ấn Độ đang ở vị trí thứ 8 những thị trường gửi khách lớn vào Việt Nam. Nhưng không lâu nữa nhóm khách này sẽ vào top 5, thậm chí có thể thay thế vị trí của khách Nhật Bản. Song hai nguồn khách chính là Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn giữ vị trí là thị trường gửi khách lớn nhất tại Việt Nam.

Các tin khác