Nên chấp nhận tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử

(ĐTTCO)-Sáng nay (8-11), Quốc hội đã nghe và thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). 
 
Nên chấp nhận tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử

Nên mở rộng hình thức tố cáo

Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Chính phủ, dự thảo tiếp thu ý kiến của ĐB theo hướng giữ nguyên quy định 2 hình thức tố cáo là: bằng đơn và tố cáo trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử. Việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ theo quy định.

Việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện bảo đảm về mặt pháp lý, nguồn nhân lực, các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để xác minh, kết luận đối với các trường hợp tố cáo. Trong bối cảnh hiện nay quy định việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo thông qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử là khó khả thi. Vì vậy trước mắt cần tập trung giải quyết tốt đối với tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Mặc dù không giải quyết đối với tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại... theo quy trình giải quyết tố cáo, Chính phủ cho rằng những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua thư điện tử, fax, điện thoại cần phải được các cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý phục vụ yêu cầu công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban đề nghị không nên chỉ giới hạn ở 2 hình thức tố cáo để phù hợp hơn với trình độ phát triển của xã hội, của công nghệ như hiện nay. Tuy nhiên, dù tố cáo dưới hình thức nào thì cũng phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo - đây là điều kiện cần để thụ lý giải quyết; cơ sở quan trọng nhất để quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo vẫn là nội dung tố cáo phải có căn cứ, có cơ sở để xác minh, kết luận.

Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Vì vậy, đề nghị chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định tố cáo có thể thực hiện bằng đơn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể bao gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định).

Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền Hiến định và cũng thống nhất với quy định của một số luật hiện hành, như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự đều có quy định về việc tiếp nhận tố cáo, tố giác, tin báo tội phạm qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin khác; Luật Giao dịch điện tử cũng đã quy định về giá trị của văn bản điện tử và chữ ký điện tử.

Không giải quyết tố cáo nặc danh

Về vấn đề tố cáo nặc danh, dự thảo quy định không giải quyết tố cáo nặc danh, không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo, cũng như hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ; lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có trường hợp do sợ bị trả thù, trù dập nên người tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ nhưng trong đơn tố cáo có nội dung rõ ràng, cụ thể, gửi kèm nhiều bằng chứng chứng minh các hành vi vi phạm như băng hình, ghi âm, tài liệu… và các cơ quan nhà nước không gặp khó khăn khi xác minh, kết luận.

Để không bị bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, Chính phủ cho rằng cần có quy định hợp lý về cơ chế và trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin về hành vi vi phạm được phản ánh qua tố cáo nặc danh phục vụ yêu cầu quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra. Do vậy, dự thảo đã quy định chi tiết về tiếp nhận, xử lý tố cáo nặc danh.

Bảo vệ bí mật người tố cáo

Về bảo vệ người tố cáo, dự thảo đã thiết kế lại tổng thể Chương VI về bảo vệ người tố cáo theo hướng thu hẹp đối tượng được bảo vệ là người tố cáo; thu hẹp phạm vi bảo vệ, bao gồm: bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí việc làm, bảo vệ các quyền công dân tại nơi cư trú của người tố cáo nhằm đảm bảo tính khả thi, quy định rõ trình tự thủ tục bảo vệ; quy định về các biện pháp bảo vệ.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định rõ cơ chế bảo vệ người bị tố cáo tránh làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền theo hướng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo; người bị tố cáo được bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi chưa có kết luận của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Các tin khác