PHÓNG VIÊN: - Khép lại năm 2022, dù thế giới bất ổn nhưng xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam đã có một năm “bội thu” khi đạt kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD. Bà nhận định thế nào về kết quả này và liệu con số này có được tiếp nối trong năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa nối lại biên mậu?
Bà LÊ HẰNG: - Đúng là năm 2022 ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận kỷ lục về doanh số xuất khẩu, như tôm 4,3 tỷ USD, cá tra 2,4 tỷ USD (tăng trưởng của cá tra cũng đạt kỷ lục)... Để đạt được điều này từ một số nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, lợi thế từ nhu cầu của thị trường hồi phục.
Thứ hai, giá xuất khẩu sang các thị trường đều tăng từ 20-50%. Thứ ba, sự trở lại của các hoạt động xúc tiến thương mại sau một thời gian dài bị giãn cách bởi Covid-19, đã thúc đẩy rất mạnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường, đặc biệt là sự kiện Vietfish năm 2022, thu hút một lượng khách hàng rất đông đảo. Thứ tư, lợi thế về thuế quan của các hiệp định thương mại tự do.
Nhưng cũng phải nhấn mạnh là nhờ sự linh hoạt của cộng đồng DN trong việc cơ cấu sản phẩm và cơ cấu thị trường, phù hợp với biến động trong từng giai đoạn trong năm. Từ đó đã tạo đà để thúc đẩy xuất khẩu tăng rất mạnh mẽ trong năm 2022.
Điều này có thể thấy rõ qua việc có những giai đoạn mà nguồn nguyên liệu không được dồi dào (nửa đầu năm 2022 có lượng tồn kho từ cuối năm 2021, nhưng từ nửa cuối năm 2022 lượng nguyên liệu không còn nhiều), nhưng các DN đã đa dạng hóa sản phẩm và chủ động chuyển sang thị trường có giá trị gia tăng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia để đỡ phụ thuộc nhiều vào vùng nguyên liệu. Hay khi biến động tiền tệ, làm cho nhu cầu giảm tại một số thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản, thì các DN lựa chọn những thị trường có tiền tệ, kinh tế ổn định hơn.
Vẫn biết những lợi thế của năm 2022 đang mất dần vào quý IV-2022, nhưng tôi tin rằng năm 2023 chúng ta vẫn có thể đạt được con số 10 tỷ USD, bởi lạm phát đã ngấm sâu vào tất cả các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới.
Quý I-2023 có thể nhìn thấy xuất khẩu bị sụt giảm từ các con số của quý IV-2022, vì các đơn hàng bị sụt giảm rất mạnh, nhiều DN không nhận được đơn hàng cho quý I-2023. Tuy nhiên, ít nhất từ nửa cuối năm 2023, nhu cầu của thị trường sẽ hồi phục lại dần, kinh tế của các nước cũng hồi phục, khi đó chúng ta sẽ có đà để xuất khẩu trở lại.
- Vậy theo bà từ ngày 8-1, Trung Quốc bắt đầu mở cửa sẽ tác động như thế nào đến xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam thời gian tới?
- Việc Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8-1 có thể xem là một sự tháo gỡ rào cản rất lớn sau hơn 2 năm kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19. Sự kiểm soát đã gây tâm lý cực kỳ hoang mang và nặng nề cho DN. Nên có thể nói, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đồng nghĩa với ách tắc được tháo gỡ, nhưng tâm lý các DN nói chung và DN chế biến xuất khẩu thủy sản nói riêng là rất phấn khởi.
Đặc biệt, việc mở cửa như vậy cũng đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản của người dân nước này rất lớn, nhất là những ngành hàng dịch vụ như du lịch, ẩm thực… Từ đây sẽ kích cầu rất tốt cho các DN chế biến và xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam. Do vậy các DN Việt Nam có thể tăng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản sang thị trường tỷ dân này trong năm nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng có thể thấy DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh. Bởi việc tập trung xuất khẩu thủy hải sản sang Trung Quốc không chỉ riêng DN Việt Nam, mà chắc chắn đây cũng là mục tiêu nhiều quốc gia khác nhắm đến như Ấn Độ, Ecuador cũng như các nước trong khối ASEAN, khi có cùng chung sản phẩm xuất khẩu.
Hiện nay Ấn Độ và Ecuador vẫn đang giữ vị trí số 1 và 2 về xuất khẩu mặt hàng tôm vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, áp lực mặt hàng tôm của Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ hai quốc gia này. Đối với mặt hàng cá tra, lợi thế và cơ hội của các DN Việt Nam sẽ lớn hơn, bởi từ trước đến nay mặt hàng cá tra của Việt Nam chỉ phải cạnh tranh với mặt hàng cá rô phi của các DN Trung Quốc, và xu hướng của thị trường Trung Quốc gần đây đang nghiêng về ưa chuộng mặt hàng cá tra của Việt Nam hơn.
Thêm vào đó, cá tra là mặt hàng có giá thành vừa phải, hợp với túi tiền người tiêu dùng Trung Quốc. Cùng với đó, do Việt Nam gần với Trung Quốc nên quá trình vận chuyển đi lại cũng dễ dàng hơn, chi phí vận tải cũng thấp hơn, nên giúp DN cạnh tranh tốt hơn.
- Theo bà DN thủy sản Việt Nam cần phải lưu ý đến những rủi ro gì khi xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới?
- Thứ nhất, các DN phải xác định trong thời gian qua Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính nữa, đặc biệt là sau khi Trung Quốc ban hành các lệnh 248 và 249 liên quan đến việc kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm, cũng như kiểm soát chặt chẽ sản phẩm các DN đăng ký xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường này. Tức sản phẩm xuất khẩu phải nằm trong danh mục mà cơ quan hải quan nước này phê duyệt.
Đây là điều mà các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần phải nắm rõ thông tin này. Thông tin có thể tìm kiếm trực tiếp trên chính trang tin của DN Trung Quốc, hoặc thông qua cổng thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT của Việt Nam để nắm rõ.
Thứ hai, các DN phải luôn luôn chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bởi người tiêu dùng Trung Quốc bây giờ cũng đã không còn dễ dãi với các mặt hàng nhập khẩu có tính trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là thực phẩm. Khi nhận thức được điều này, các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin để tham gia cuộc chơi trên thị trường tỷ dân này.
- Xin cảm ơn bà.
Việc Trung Quốc mở cửa cũng đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản của người dân nước này rất lớn, nhất là những ngành hàng dịch vụ như du lịch, ẩm thực… Từ đây sẽ kích cầu rất tốt cho các DN chế biến và xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam.