Phải chăng bảo hiểm quá hào phóng?
Dữ liệu do Cục Thống kê Lao động Mỹ đưa ra hàng tháng, cho thấy nguồn cung lao động dồi dào khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 6%, tức có tới 9,7 triệu lao động Mỹ đang ở không. Trong khi đó, hàng chục DN, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng và các ngành dịch vụ khác, nói họ phải đối mặt với tình trạng không thể thuê được người.
Và tình trạng này phổ biến rộng khắp, từ các khu vực đô thị lớn nhất đến các thị trấn nhỏ. Nếu tình trạng thiếu lao động này kéo dài, nó sẽ có những tác động rất lớn đối với nền kinh tế trong năm 2021 và những năm sau đó. Nó có thể kìm hãm tăng trưởng và gây ra những thất bại kinh doanh không cần thiết, khiến các DN còn trụ lại giữa đại dịch gặp nhiều khó khăn và giá cả tăng cao.
Các ông chủ DN đã nhanh chóng đổ lỗi cho việc mở rộng bảo hiểm thất nghiệp và các khoản chi trả kích thích đại dịch gây ra tình trạng thiếu lao động. Logic rất đơn giản: Tại sao phải làm việc khi bảo hiểm thất nghiệp giúp nhiều người kiếm được khá nhiều tiền, thậm chí nhiều hơn khi đi làm? Với khoản bổ sung 300USD hàng tuần nằm trong kế hoạch giải cứu đại dịch mới được ban hành, khoản thanh toán bằng tiền mặt kết hợp 2.000USD cho mỗi người được ban hành từ cuối năm ngoái, người Mỹ thật sự không cần phải đi làm trong một thời gian.
Nghiên cứu cho thấy trợ cấp thất nghiệp càng hào phóng càng ít khuyến khích mọi người tìm kiếm hoặc chấp nhận làm việc. Nghiên cứu của Ioana Marinescu, Daphné Skandalis và Daniel Zhao cho thấy, cứ tăng 10% lợi ích thất nghiệp sẽ tương ứng với sự sụt giảm 3% lượng người ứng tuyển. Nhưng trong bối cảnh các DN đóng cửa hàng loạt, vẫn có nhiều người tìm việc hơn so với số việc làm có sẵn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của GS. Marinescu, nhà kinh tế học tại Đại học Pennsylvania, hiện số việc làm vượt xa nỗ lực tìm việc của người lao động, tình trạng này càng phổ biến hơn khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Vì vậy, Arindrajit Dube, nhà kinh tế học tại Đại học Massachusetts Amherst, hoài nghi trợ cấp thất nghiệp không phải là lời giải thích chính. Một nghiên cứu gần đây của Peter Ganong, Đại học Chicago Harris và 5 đồng tác giả, cho thấy nỗ lực tìm việc giảm ít hơn khi mở rộng bảo hiểm thất nghiệp trong các nghiên cứu trước đó. Hơn nữa, các lợi ích mở rộng dự kiến hết hạn vào tháng 9. Điều này làm các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm lý do khác khiến người lao động không muốn quay lại thị trường.
Ngại mắc dịch
Một lý do được đưa ra là mọi người lo ngại sẽ mắc bệnh khi đi làm. “Tôi không muốn đặt gia đình mình vào vị trí nguy hiểm khi tôi làm một công việc phải tiếp xúc nhiều” - Paul Hofford, cựu nhân viên pha chế tại A Rake’s Progress ở Washington nói. Không ai muốn mắc căn bệnh nguy hiểm có thể gây chết người vì công việc họ làm. Nhà hàng và các ngành dịch vụ khác đòi hỏi sự tiếp xúc trực tiếp với công chúng nhiều hơn các ngành khác.
Một bằng chứng ủng hộ ý kiến này: Dường như có mối quan hệ giữa việc tiêm chủng của người dân và sự gia tăng tỷ lệ việc làm của họ. Aaron Sojourner, nhà kinh tế học của Đại học Minnesota, đã sử dụng Khảo sát của Cục Điều tra Dân số để nghiên mối quan hệ giữa 3.600 nhóm người Mỹ theo nhân khẩu học và địa lý.
Ông phát hiện tỷ lệ người dân được tiêm chủng đầy đủ tăng 10% sẽ tương ứng với mức tăng 1,1% việc làm của họ. Có nhiều cách để giải thích, nhưng một khả năng là những người được tiêm chủng cảm thấy thoải mái hơn khi quay lại làm việc. “Vấn đề thứ nhất là virus, và nếu đó là nguyên nhân gây ra khủng hoảng, đó cũng là con đường thoát ra khỏi khủng hoảng. Việc tiêu diệt virus là giải pháp cho cả vấn đề cung và cầu trong thị trường lao động” - GS. Sojourner nói.
Chăm sóc người thân
Đại dịch khiến trẻ em phải ở nhà, kéo theo phụ huynh nghỉ việc để chăm sóc chúng. Điều tương tự cũng xảy ra đối với những người thân lớn tuổi hoặc tàn tật, những người vốn có thể được hưởng các dịch vụ chăm sóc khác trước đại dịch. Các cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối tháng 3 cho thấy 6,3 triệu người Mỹ không làm việc vì phải ở nhà trông con do trường học đóng cửa, và 2,1 triệu người khác phải ở nhà để chăm sóc người thân lớn tuổi. Như vậy, có đến gần 14% người trưởng thành không làm việc vì những lý do khác ngoài nghỉ hưu. Hơn nữa, những con số đó đã tăng thêm 850.000 người kể từ đầu năm nay.
Điều này cho thấy những thách thức liên quan đến việc mở cửa trở lại các nền kinh tế. Nhiều DN có thể vẫn hoạt động và nhận thấy nhu cầu tăng vọt, nhưng chừng nào trường học và các trung tâm chăm sóc người cao tuổi vẫn còn đóng cửa, khả năng tuyển lao động của họ vẫn còn hạn chế.
Quan trọng là… tiền lương?
Như vậy, các DN phải làm gì để có thể tuyển dụng lao động dễ dàng? Câu trả lời đơn giản của Economics 101 là “trả thêm tiền”. Đó là logic làm cơ sở cho chính sách kinh tế của chính quyền Biden và Cục Dự trữ Liên bang: Một thị trường lao động thắt chặt sẽ dẫn đến việc trả lương cho người lao động cao hơn. Nhưng ngành công nghiệp nhà hàng phải đối mặt với một thử thách.
Các lĩnh vực phát triển mạnh trong thời kỳ đại dịch đang thuê mướn nhân công thường trả lương cao hơn so với các nhà hàng. Riêng Amazon đã có thêm 500.000 nhân viên vào năm 2020, với mức lương sàn 15USD/giờ. Các công ty như Walmart, Target, hay các dịch vụ cải thiện nhà cửa và chuỗi cửa hàng tạp hóa đều đang tăng cường tuyển dụng với mức lương bằng hoặc chỉ kém chút ít.
Những người có một số kỹ năng theo yêu cầu - dù là lái xe tải thương mại hay thợ hồ - thậm chí còn có thể kiếm tốt hơn. Knight-Swift Transportation Holdings đã tăng lương cho các tài xế mới lên 40%, đến mức họ có thể nhận mức lương trung bình 60.000USD. Điều đó đặt các nhà hàng vào tình thế cạnh tranh gay gắt. Theo dữ liệu liên bang, đầu bếp hoặc nhân viên phụ việc trung bình kiếm được 13,02USD/giờ vào tháng 5-2020, và người rửa bát 12,15USD.
Mối quan tâm về sức khỏe và những lợi ích mở rộng khi thất nghiệp có thể song hành cùng nhau. Người lo lắng về virus sẽ dễ dàng tránh xa thị trường lao động khi phúc lợi hào phóng hơn. |