Từ khi TPHCM cho phép bán mang về, rất ít quán mở bán lại.
Ghi nhận nhanh trước thông tin UBND TPHCM đang xem xét cho mở lại các quán ăn phục vụ khách hàng tại chỗ với điều kiện phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 an toàn, hầu hết chủ quán cho biết vẫn chưa sẵn sàng…
Anh Trần Văn Hoàng, chủ một quán phở trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) cho biết trước dịch, quán có 6 nhân viên. Sau thời gian nghỉ giãn cách, giờ quán chỉ còn 2 người ở lại TPHCM, 3 người đã về quê.
“Tôi thấy người dân vẫn rất ngại đến quán nên mở ra, sợ không đủ chi phí mặt bằng, nhân viên. Tôi đợi để thăm dò xem tình hình các nơi mua bán thế nào rồi mới dám đầu tư sửa sang mở lại quán. Mấy tháng không bán, nhiều đồ đạc hư hỏng, mặt bằng xuống cấp”, anh Hoàng chia sẻ.
Dọc tuyến đường Nguyễn Văn Khối, Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp), trước đây, tấp nập quán ăn, nhưng từ khi TPHCM cho phép bán mang về cũng rất ít quán mở bán lại.
Hiện nay, nhiều chủ quán ăn đã cho quét dọn mặt bằng, lau chùi bàn ghế, bếp núc nhưng cho biết chưa mở cửa ngay, kể cả khi TPHCM cho phép bán tại chỗ nhưng quy định còn nghiêm ngặt. Người mua lẫn người bán cảm thấy bị “siết”, không mặn mà chuyện ăn uống tại chỗ.
Ngoài ra, nhiều địa phương còn thực hiện giãn cách nên nguồn cung nguyên liệu phục vụ các quán ăn cũng hạn chế. Đơn cử, quán thịt dê lấy nguyên liệu thịt từ khu vực miền Trung và miền Bắc, nhưng không thể đảm bảo thời gian giao trong một ngày do đường hàng không vẫn hạn chế. Chưa kể trường hợp vận chuyển chậm trễ, hàng hóa sẽ hư hỏng, gây thiệt hại, thua lỗ.
Liên quan việc cho phép hàng quán ăn uống tại chỗ, Sở Công thương TPHCM cũng vừa có công văn số 4649/SCT-QLTM gửi UBND TPHCM về việc tổ chức hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo đó, Sở Công thương TPHCM kiến nghị UBND TPHCM cho cơ sở dịch vụ ăn uống được bán bằng cả hai hình thức: mang đi và phục vụ tại chỗ, trừ loại hình kinh doanh bia, rượu.
Điều kiện để các cơ sở này được hoạt động là đáp ứng các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của ngành y tế và theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TPHCM.
Các hàng quán sẽ hoạt động đến trước 21 giờ với công suất phục vụ tối đa 50%. Mật độ phục vụ không quá 2 người mỗi bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2m.
Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, sau 15 ngày TPHCM thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Việc cho phép phục vụ khách ngồi tại chỗ sẽ từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế thông qua phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ trên nguyên tắc "An toàn đến đâu, mở cửa đến đó". Đồng thời, đáp ứng nhu cầu của người dân và hỗ trợ từng bước khôi phục hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn.
Sở Công thương TPHCM cho biết, hiện độ bao phủ vaccine của địa phương đã đạt tỷ lệ trên 98% người được tiêm 1 mũi và trên 75% với người đã tiêm 2 mũi. Tỷ lệ này đang tiếp tục được nâng lên, đảm bảo an toàn cho các hoạt động bình thường trở lại.
Hiện nay, hàng quán tại TPHCM vẫn bán theo hình thức bán mang đi, chưa có kế hoạch phục vụ ăn uống tại chỗ, vì vậy nhiều hệ thống, chuỗi F&B chọn tiếp tục đóng cửa, một số kết hợp với các nền tảng giao hàng nhưng hiệu quả không cao.
Lĩnh vực ăn uống do Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM quản lý nên Sở Công thương TPHCM cũng đề nghị giao ban này chủ trì, phối hợp với các quận huyện, TP Thủ Đức hướng dẫn các cơ sở thực hiện cũng như tổ chức hậu kiểm khi được phép bán phục vụ tại chỗ.
Từ ngày 1-10, TPHCM áp dụng Chỉ thị 18 cho nhiều ngành nghề, hàng quán được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, dịch vụ ăn uống chỉ được bán mang đi, không được phục vụ tại chỗ để đảm bảo an toàn phòng dịch. |