Tiếp đà tăng trưởng cao của 6 tháng đầu năm nay, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo và nông, lâm thủy sản tiếp tục là 2 chân kiềng quan trọng của xuất khẩu Việt Nam 6 tháng cuối năm, đó là khẳng định của cả cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia kinh tế.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn chứng về quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới và khu vực đang diễn ra, trong đó, Mỹ và EU là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã bước đầu khống chế được dịch, là điều kiện để nền kinh tế phục hồi trở lại. Một thị trường lớn khác của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang có đà phục hồi tích cực. Đó là những yếu tố từ bên ngoài - dư địa cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
“Gần đây những tập đoàn lớn về sản xuất điện thoại thông minh như Apple, Samsung cũng đều dự báo triển vọng tiêu thụ điện thoại thông minh trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức rất tích cực. Nói như vậy để thấy nhu cầu, sự phục hồi của nền kinh tế ở các nước là đã có. Bên cạnh đó, những mặt hàng xuất khẩu liên quan đến điện, điện tử của Việt Nam có thể cũng là những điều kiện để phục hồi tích cực – đấy cũng là dư địa để chúng ta hướng tới”, ông Nguyễn Anh Dương nói.
Về việc Việt Nam đã quay lại nhập siêu trong 6 tháng đầu năm - sau khi đã liên tục xuất siêu 4 tháng và cả 5 năm trước đó, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng không đáng ngại, bởi nhìn vào cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng qua cho thấy, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là hàng tư liệu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu (ước tính tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 33%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu tăng 40,2% và nhóm hàng tiêu dùng tăng 28%). Yếu tố đưa Việt Nam đến nhập siêu có vấn đề của nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm lên tới 7,7 tỷ USD, song theo ông Nguyễn Anh Dương vẫn có những động lực để khu vực này phục hồi trở lại.
“Ví dụ, tranh thủ những mô hình kinh doanh mới liên quan đến hoạt động du lịch trong bối cảnh Covid-19 hay phát triển hạ tầng để đảm bảo cho các hoạt động lưu thông của hàng hóa, giao thông vận tải, logistics… có điều kiện được phục hồi – đó cũng là những điều kiện để khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh hơn. Đấy cũng được coi là dư địa để đóng góp vào tăng trưởng 6 tháng cuối năm”, ông Nguyễn Anh Dương nêu quan điểm.
Trước những lo ngại dịch Covid-19 đã xâm nhập vào một số khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu lớn trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và một số tỉnh phía Nam như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã làm giảm tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng gần đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay đang theo dõi để xem khả năng kéo dài của dịch bệnh còn tác động đến đâu, tuy nhiên, với tình hình khống chế dịch như hiện nay thì đợt dịch này có thể khống chế được trong khoảng 1-2 tháng nữa.
“Đáng mừng nhất là qua đợt dịch vừa rồi, mặc dù có ảnh hưởng ít nhiều nhưng hiện nay các nhà máy ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang cũng đã khôi phục trở lại sản xuất bình thường và cố gắng đẩy mạnh sản xuất để có thể bù đắp lại phần thiếu hụt của 2 tháng vừa qua”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Giới phân tích kinh tế cũng tin rằng cùng với nỗ lực của Việt Nam trong việc tiêm phòng vaccine, hoạt động XNK của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia thành viên đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
“Chúng ta có nhiều những cơ hội để mở rộng xuất khẩu, rất tốt là chúng ta đã xuất siêu 3-4 tháng trước và nó được dựa trên cơ sở khai thác các FTA thế hệ mới thì đây là những cơ hội rất tích cực. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm XK cũng giúp chúng ta vào được những thị trường lớn, đấy là những dư địa cần phải lưu ý… Việc khai thác các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, AVFTA và RCEP trong thời gian tới cũng quan trọng. Và việc công bố công khai các lộ trình giảm thuế cũng như các ưu đãi đối với các hoạt động kinh tế xung quanh các FTA thế hệ mới này là cần thiết, kể cả cấp Chính phủ, cấp ngành, cấp địa phương”, TS, Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ rõ phải đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm các mặt hàng có thế mạnh, nhất là nông sản, rau, củ, quả, trái cây… để tiếp tục mở rộng thị trường, tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết. Bảo đảm mục tiêu cán cân thương mại hài hòa, bền vững; có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp.