Nợ xấu hiện nay vẫn chưa phải con số thật?

(ĐTTCO) - LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng để có chính sách phù hợp nhằm tránh rủi ro trong xử lý nợ xấu, cần những con số thực về nợ xấu chứ không thể che giấu nó.

Nợ xấu hiện nay vẫn chưa phải con số thật?

PHÓNG VIÊN: - Thưa Luật sư, các báo cáo của nhiều tổ chức công bố gần đây đều cảnh báo về nợ xấu của hệ thống tín dụng có thể tăng cao, thậm chí đạt đỉnh trong năm 2024, ông nhận định thế nào về điều này?

LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC: - Thời điểm hiện tại, ở góc độ ngành ngân hàng (NH) nói tốt hay xấu chưa rõ cụ thể, song nhìn vào bức tranh của nền kinh tế thấy rõ đó là nguy cơ. Khi doanh nghiệp, người vay không thể trả nợ được sẽ tạo áp lực khó khăn lên ngành NH.

Những rủi ro và nguy cơ này ngành NH có thể được khắc phục khi khả năng phục hồi kinh tế được diễn ra nhanh, khi ấy người vay sẽ trả được nợ NH, thậm chí sẽ vay vốn tiếp. Nhưng khi kinh tế chưa phục hồi, đó là áp lực lớn, bởi bản chất nợ xấu vẫn là nợ xấu, khi cố ý thay đổi cũng chỉ là tạm thời “che giấu”. Vì vậy, ngành NH chỉ có thể chủ động phòng ngừa từ xa mới giảm thiểu được phần nào, còn lại những rủi ro là không thể tránh được.

Cuối năm 2023, con số nợ xấu cơ quan chức năng công bố khoảng 5% toàn hệ thống, còn nếu trừ đi 3 NH bị bắt buộc tái cơ cấu và những NH vào diện kiểm soát đặc biệt, nợ xấu còn khoảng 1,9-2%, thấp hơn chuẩn về nợ xấu quốc tế. Nếu đó là con số thực thì quá tốt. Nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có đúng như thế?

Theo tôi nợ xấu đang phình to và vẫn áp lực, là nguy cơ đã rõ. Cộng với việc mấy năm nay chính sách giãn, hoãn, duy trì nợ… là những biện pháp nhằm “che giấu” nợ xấu, hãm nợ xấu, những con số nêu trên không phải là con số thực.

6653-6977.jpg

- Hiện có những lo ngại việc Quốc hội chưa thể thông qua Luật Các TCTD (sửa đổi), cùng với Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực vào ngày 31-12-2023, có thể dẫn đến khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu tại NH. Ý kiến của Luật sư?

- Tôi cho rằng cách làm của ta là vội vàng, gấp gáp, thiếu sự nhất quán. Quan điểm cho phép hay không cho phép, đơn cử như giãn hoãn nợ, đều phải rõ ràng. Thí dụ, không cho phép phải tuyên bố trước đó 1 năm hoặc vài tháng, còn khi đã cho phép thì không được chậm trễ.

Như trường hợp Nghị quyết 42 vừa qua để lại nhiều hệ lụy. Ngay cả khi những vụ việc rắc rối, hệ lụy nếu có xảy ra cũng không có cách gì có thể cứu chữa, cũng không thể ra quyết định hồi tố được trong trường hợp này. Giả sử, kết thúc tháng 1-2024, Quốc hội có thể họp bất thường và thông qua Luật Các TCTD (sửa đổi). Nhưng từ nay đến đó vẫn để lại khoảng trống, đó là sự tranh chấp, rủi ro đối với các NH.

- Vậy cách tiếp cận vấn đề nợ xấu hiện nay nên ra sao?

- Kết quả và khách quan là như nhau, tức không thể thay đổi, không thể khác được. Vấn đề ở đây là chúng ta chấp nhận và làm theo cách nào. Tất nhiên không thể 100% được, theo tôi đã đến lúc phải có con số thực về nợ xấu từ các NH. Cụ thể, nợ xấu bao nhiêu, phân loại những nhóm nào; không trả chậm 1 ngày là bao nhiêu, 1 tháng là bao nhiêu, 1 năm bao nhiêu, 3 năm là bao nhiêu… phải đúng theo chuẩn mực.

Bởi chỉ khi nợ xấu có con số thực mới phản ánh được đúng thực tế bức tranh của ngành NH. Đến lúc ấy mới bàn đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, như hoãn giãn nợ, nhưng trên nguyên tắc nợ xấu phải là con số thực.

Thí dụ, trước kia “che giấu” nợ xấu, giãn hoãn nợ NH sẽ không cho vay nữa. Còn giờ đây, sau khi đã xem xét, đánh giá, phân loại và công bố số liệu nợ xấu cụ thể, các NH vẫn có thể cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đang bị nợ xấu vay. Hoặc trước kia nợ xấu nhóm 1 được vay như thế nào, nhóm 3, 5 bị hạn chế thế nào, bây giờ nhóm 3, nhóm 5 không bị hạn chế nhưng sẽ được nới ở chừng mực nào đó.

Nói nôm na con số thực về nợ xấu được đưa ra để có thể biết được nguy cơ là gì, rủi ro ra sao, từ đó có chính sách và những biện pháp phù hợp nhất để xử lý.

- Mới đây, đại diện NHNN cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH năm 2024 là tập trung tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Về tái cơ cấu các TCTD hiện cũng có nhiều ý kiến trái chiều về quan điểm có nên dùng ngân sách để cứu NH hay để NH tự cứu nhau. Luật sư nghĩ sao?

- Bản chất của quan điểm có nên dùng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu NH và giãn hoãn nợ để hãm nợ xấu đều như nhau, nghĩa là chúng ta vẫn tìm cách nói tránh. Hiện tại, với cho vay bắt buộc, cho vay thanh khoản của NHNN đối với các NHTM luật đang quy định là 0%.

Thế nhưng việc này cũng đang bàn cho vay như vậy NHNN có tính lãi suất không. Tôi cho rằng nếu có tính lãi suất cho vay đó cũng là lãi suất thấp, vì không phải là thị trường đúng nghĩa. Như vậy, bản chất của việc này là dùng ngân sách để cứu nguy các NHTM. Bởi thực tế NHNN dùng ngân sách nhà nước để cho các NHTM vay với lãi suất thấp.

Bản chất là thế, còn về hình thức chỉ khác nhau là trực tiếp hay gián tiếp. Thí dụ, Luật Phá sản dù đã có, nhưng đối với NHTM ở Việt Nam lại khó áp dụng. Bởi NH của ta là đặc thù, còn nhiều yếu tố khác nữa. Đó là tính kết nối hệ thống, có thể dẫn đến “chết chùm” cho các NH khác, nên ở Việt Nam không dám cho NH phá sản là vì thế. Trong khi gánh nặng còn lại của xử lý việc này sẽ dồn vào Nhà nước.

Thời gian qua có nhiều ý kiến bàn tán việc đưa hẳn một chương về xử lý nợ xấu vào dự thảo Luật Các TCTD. Quan điểm của tôi là phải đưa vào, vấn đề là nội dung như thế nào.

Đáng lẽ bài bản phải có luật xử lý nợ xấu riêng mới đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhưng hiện nay luật quá nhiều, nhưng vẫn chồng chéo nhau, không hiệu quả, không xử lý được dứt điểm vấn đề.

Chỉ khi nợ xấu có con số thực mới phản ánh được đúng thực tế bức tranh của ngành NH. Đến lúc ấy mới bàn đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, như hoãn giãn nợ…

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác