Nói mãi lạm phát, lạm phát và lạm phát, sẽ tạo thành kỳ vọng lạm phát

(ĐTTCO) - Vào tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, Anh và khu vực đồng Euro lần lượt tăng 0,9%,  1,1%, và 0,7%. Nếu những thay đổi giá như thế vẫn duy trì trong 1 năm, lạm phát sẽ cực cao, trên 10%/năm, mức cao nhất trong gần 3 thập niên. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong phiên điều trần vào tuần rồi trước Quốc hội Mỹ, Powell, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nhận được câu chất vấn: “Lạm phát phải vượt quá mục tiêu của ông trong bao lâu trước khi Fed quyết định chúng không phải tạm thời?".
Đáp trả rất tinh tế trước những diễn biến mới nhất về lạm phát, cùng nguy cơ tiềm ẩn với sự xuất hiện của biến thể Omicron, Powell cho biết ông sẽ loại bỏ từ này, thừa nhận việc mô tả lạm phát cao "tạm thời" hiện đang gây nhầm lẫn.
Với sự nhìn nhận này, liệu Powell vốn đại diện ưu tú nhất của “đội tạm thời” - xem lạm phát chỉ là nhất thời do những đứt gãy trong chuỗi cung ứng rơi đúng vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang hồi phục, đến giữa năm 2022, rồi lạm phát sẽ tự động dịu đi - liệu đã nhận thua “đội thường xuyên” và cho rằng lạm phát sẽ kéo dài, trở thành vĩnh viễn? Cần phải hiểu đúng luận điểm của các trường phái để hiểu rõ các động lực bên trong của lạm phát.
Powell cảnh báo áp lực giá trước đây, vốn chỉ tập trung ở một số khu vực của nền kinh tế, nhưng giờ có xu hướng đang lan rộng. Với việc rút lại cụm từ “tạm thời”, Powell cho thấy dấu hiệu Fed đang chứng tỏ quyết tâm không để lạm phát trở nên "dai dẳng".
Tuy nhiên theo giới quan sát, lập trường Powell có thay đổi nhưng không nhiều. Trong khi ám chỉ Fed có thể cắt giảm chương trình mua tài sản nhanh và sớm hơn một vài tháng so với dự kiến, Powell vẫn giữ nguyên quan điểm áp lực lạm phát sẽ giảm dần.
Các đợt tăng giá khí đốt tự nhiên có thể không thể đảo ngược ngay lập tức, nhưng cũng sẽ không lặp lại cuộc khủng hoảng triền miên giống như thập niên 1970. Giá xe hơi cũ vốn là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cũng không thể nào tăng cao mãi. Không ai thực sự nghĩ sự gián đoạn tạm thời trong việc cung cấp chip bán dẫn sẽ có tác động vĩnh viễn đến giá xe hơi.
Thật vậy, thứ tư tuần rồi, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát của Mỹ cho năm 2022 từ mức từ 3,1% lên 4,4%, tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất ở thời điểm hiện tại.
Nguồn cơn rắc rối trong cụm từ lạm phát “tạm thời” và “thường xuyên” xuất phát từ thực tế, rằng lý thuyết làm nền tảng cho các ngân hàng trung ương hiện đại chỉ ra nhiều cách đối phó với cú sốc nhu cầu, nhưng lại nói rất ít về cách kiềm chế tác động của cú sốc cung.
Điều này dẫn đến quan điểm rằng các ngân hàng trung ương chỉ nên phản ứng với những thay đổi trong cú sốc cầu, chứ không phải cú sốc nguồn cung - vốn cho đến giờ chỉ được xem là cú sốc tạm thời. Trong quá khứ, các ngân hàng trung ương không tuân theo quy tắc này luôn gặp thất bại.
Chẳng hạn, quyết định sai lầm khi tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào năm 2011 để đối phó với việc gia tăng giá dầu và thực phẩm, được xem là một sai lầm kinh điển trong chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, tình hình giờ liệu có thể khác khi những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc khủng hoảng giá năng lượng và sự xuất hiện của biến thể Omicron, có khả năng dẫn đến một loạt các cú sốc nguồn cung khiến cho kỳ vọng lạm phát trở thành hiện thực? Nếu hành động sớm và nghĩ rằng uy tín sắp bị giảm sút, liệu một đợt tăng lãi suất nhỏ của ngân hàng trung ương có thực sự giải quyết được vấn đề?
Cái khó là tăng lãi suất mạnh thì không thể vì sẽ cản trở phục hồi kinh tế, còn nếu chỉ một vài đợt tăng lãi suất nhỏ, có khả năng không làm hài lòng ai cả: sẽ là quá nhiều đối với những ai nghĩ rằng việc tăng giá chỉ là tạm thời và quá ít đối với những ai nghĩ rằng lạm phát sắp quay trở lại.
Đứng trước tình thế này, điều mà một ngân hàng trung ương cần làm trong lúc này là một kế hoạch ứng phó “rõ ràng, đáng tin cậy và cẩn trọng” (ẩn dụ từ 3 chữ C trong tiếng Anh: clear, credible, contingent).
Nên biết rằng, “đội thường xuyên”, trong khi phản đối vẫn đồng tình với “đội tạm thời” về việc giá năng lượng, chi phí logistics tăng cao cũng chỉ là tạm thời. Điều “đội thường xuyên” không nhất trí nằm ở chỗ, những yếu tố bất thường liên quan đến các gói kích thích kinh tế khổng lồ và khả năng tiền lương tăng cao sẽ là nhân tố đột phá, biến “tạm thời” trở thành “thường xuyên”.
Những người phản đối Powell tại phiên điều trần mới đây lập luận rằng, chính gói chi tiêu xã hội và khí hậu đầy tham vọng - nền tảng trong chương trình nghị sự của ông Biden - chính là một trong những yếu tố bất thường làm tăng áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, vấn đề là các khoản đầu tư như thế sẽ được trải đều trong một thập niên, chỉ chiếm chưa đến 1% GDP mỗi năm và có tác động không đáng kể đến mặt bằng giá cả. Gita Gopinath, Kinh tế trưởng của IMF, nhấn mạnh “các ngân hàng trung ương đã đúng khi thận trọng trong phản ứng với lạm phát cao”.
Mới đây, Paul Krugman, kinh tế gia đoạt giải Nobel, cho rằng “những gì đang xảy ra ở Mỹ không chủ yếu là về chính sách”. Lập luận đó, nếu đúng, có ý nghĩa rất lớn. Hàm ý là lạm phát phần lớn nằm ngoài tầm tay của các quan chức Mỹ (và nhiều nước).
Các quốc gia hiện đang bị giam cầm trong nút cổ chai bởi đại dịch Covid. Theo quan điểm này, các ngân hàng trung ương nên thận trọng với việc tăng lãi suất. Hành động này chẳng có tác dụng gì để thúc đẩy sản xuất. Đây là vấn đề mấu chốt trong các tranh luận chính sách hiện tại, chí ít là ở Việt Nam.
Nói mãi lạm phát, lạm phát và lạm phát, sẽ tạo thành kỳ vọng lạm phát ảnh 1
Các bộ ngành ở Việt Nam đang nói quá nhiều về sức ép lạm phát
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện đang tác động rất lớn đến giá cả trong nước. Hiện tượng này cần được các nhà quản lý cảnh báo đúng mức. Nhưng việc chỉ có “mặt bằng giá” của một nhóm hàng hóa có khả năng tăng lên vào năm 2022, mà chí ít 3 bộ ngành (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương) nâng lên thành luận điểm “áp lực lạm phát là rất lớn” là chưa thỏa đáng.
Thời điểm hiện tại, rất khó để dự báo chính xác chuyện gì sẽ xảy ra với lạm phát trong dài hạn, nhưng chí ít có 3 manh mối định hình phương trình lạm phát năm 2022: tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng và giá lương thực thực phẩm, nền kinh tế hiện đang hoạt động trên hoặc dưới mức tiềm năng và kỳ vọng của mọi người về lạm phát.
Với CPI đang ở mức thấp và dự báo tăng trưởng năm 2021 chỉ khoảng 3%, kinh tế Việt Nam đang hoạt động dưới mức tiềm năng khá xa và do đó khó tạo ra lạm phát tăng tốc, trừ phi các nhà hoạch định chính sách phạm phải sai lầm quá lớn. Các gói kích thích tài khóa, tiền tệ mà chúng ta sắp triển khai, nếu được phân bổ đúng địa chỉ và trải đều trong 2-3 năm, cũng khó xảy ra lạm phát tăng tốc ngoài vòng kiểm soát.
Về yếu tố thứ nhất, các sự kiện tăng giá toàn cầu chỉ có thể trở thành cơn bão giá nhập khẩu vào Việt Nam, nếu như chúng liên tục tự củng cố để trở thành dai dẳng. Với việc Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt theo 2 chiều, đồng thời cả 2 chiều tăng và giảm trong thời gian qua, rất khó để nhập khẩu lạm phát (nếu có) trở thành vấn đề đáng ngại.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát hàng năm ở các nền kinh tế phát triển sẽ đạt đỉnh trung bình 3,6% trong những tháng cuối năm 2021, sau đó quay trở lại mức mục tiêu 2% giữa năm 2022. Ở các nền kinh tế đang phát triển, lạm phát tăng nhanh hơn, đạt trung bình 6,8% sau đó giảm xuống 4%.
Yếu tố thứ hai, nền kinh tế hiện đang hoạt động trên hoặc dưới mức tiềm năng, có câu trả lời khá rõ. Với CPI đang ở mức thấp và dự báo tăng trưởng năm 2021 chỉ khoảng 3%, kinh tế Việt Nam đang hoạt động dưới mức tiềm năng khá xa và do đó khó tạo ra lạm phát tăng tốc, trừ phi các nhà hoạch định chính sách phạm phải sai lầm quá lớn.
Các gói kích thích tài khóa, tiền tệ mà chúng ta sắp triển khai, nếu được phân bổ đúng địa chỉ và trải đều trong 2-3 năm, cũng khó xảy ra lạm phát tăng tốc ngoài vòng kiểm soát.
Yếu tố thứ ba - phần khó nhất của phương trình lạm phát - là kỳ vọng lạm phát. Yếu tố này chỉ có thể dự báo phần nào, thậm chí vẫn có sai số rất lớn. Nếu sử dụng thước đo lạm phát “đại chúng” bằng cách truy cập mục tìm kiếm trên Google cho từ “lạm phát”, đến thời điểm cuối tháng 11, tìm kiếm “lạm phát” tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 11.
Số người tìm kiếm thông tin lạm phát tăng đột biến trong tháng 11 trùng hợp với thời điểm các dữ liệu lạm phát công bố ở các nước Mỹ, Anh, châu Âu tăng cao nhất trong gần 3 thập niên, và việc các bộ ngành đồng loạt phát tín hiệu “sức ép lạm phát rất lớn”.
Không rõ liệu điều này có mối quan hệ nhân quả gì với việc các bộ ngành đồng loạt phát tín hiệu lạm phát? Nhưng điều hiển nhiên là nếu truyền thông chính sách như thể bùng nổ lạm phát sắp xảy ra, có thể tự kích hoạt kỳ vọng lạm phát trở thành hiện thực. 
 Sử dụng thước đo lạm phát “đại chúng” bằng cách truy cập mục tìm kiếm trên Google cho từ “lạm phát”, đến thời điểm cuối tháng 11, tìm kiếm “lạm phát” tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 11. Điều này cho thấy nếu truyền thông chính sách như thể bùng nổ lạm phát sắp xảy ra, có thể tự kích hoạt kỳ vọng lạm phát trở thành hiện thực.

Các tin khác