Với chủ đề “Kết nối các khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và phát triển bền vững”, diễn đàn có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà kinh tế hàng đầu OECD và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đang có những bước phục hồi mạnh mẽ, sau không ít khó khăn do hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 và các diễn biến kinh tế, địa chính trị phức tạp trên thế giới. Trong quá trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những hoạt động phối hợp tích cực với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đặc biệt là trong năm APEC 2017 khi Việt Nam là chủ nhà.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các hoạt động này đều rất thiết thực, giúp đóng góp những ý tưởng, kiến nghị có chất lượng phục vụ công cuộc cải cách và phát triển kinh tế ở Việt Nam.
“Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với OECD trong các hoạt động liên quan thuộc khung khổ Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và OECD. Quá trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan với OECD trong các hoạt động này là rất chất lượng, thậm chí có thể đánh giá là “chưa từng có tiền lệ” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đánh giá Việt Nam đã tham gia tích cực, hiệu quả vào các cơ quan của OECD, Tổng thư ký Mathias Coman nhấn mạnh, Việt Nam đã có các chính sách tích hợp dữ liệu với OECD, tuân thủ các công cụ đã thống nhất trong các lĩnh vực như: hợp tác đa phương, thuế, xúc tiến đầu tư, đổi mới, cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững...
Tổng thư ký OECD cho rằng, nhìn lại 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Ví dụ, tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 80% năm 1992 xuống còn 7% ngay trước thời điểm đại dịch. Hay Việt Nam đến nay đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên toàn cầu đã tránh được suy thoái liên quan đến đại dịch Covid-19.
Tổng thư ký Mathias Coman dự báo: “Chúng tôi dự báo với những nền tảng và động lực như hiện nay, tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt mức vượt 6% trong năm nay và cả năm sau nữa. Con số này sẽ đạt được nhờ dòng đầu tư nước ngoài trực tiếp - do các doanh nghiệp trên toàn cầu tìm đến Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Để chuẩn bị, Việt Nam đã thúc đẩy chính sách mở cửa và thời gian tới cần đẩy mạnh cải cách để đảm bảo tăng trưởng bền vững hơn”.
Theo Tổng thư ký OECD Mathias Coman, trong bối cảnh khu vực và thế giới còn nhiều thách thức phức tạp như lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng lương thực..., Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các thách thức và cú sốc trong tương lai.
Thứ nhất, Việt Nam cần thích ứng với điều kiện dân số già đi - và cải cách cơ cấu dân số là điều cần thiết để giảm tải áp lực với lực lượng lao động. Vì thế, hệ thống lương hưu, phúc lợi sẽ cần phải cải thiện. OECD hiện đang hợp tác phân tích để Việt Nam có thể đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực này.
Thứ hai, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa thương mại, vì thế cần cải thiện hơn nữa, tự do hóa hơn nữa các thị trường dịch vụ. Tiếp đó là tập trung vào các lĩnh vực sáng sạo, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao, tạo việc làm và nâng cao cuộc sống người dân. Nhưng cùng đó sẽ là những thách thức về bất bình đẳng giới, khoảng cách giàu nghèo... đòi hỏi cần dung hòa và xử lý hiệu quả. Đây sẽ là những lĩnh vực mà OECD có thể hỗ trợ cho Việt Nam.
Cuối cùng, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại COP-26 về chống biến đổi khí hậu. Do vậy, ngành nông nghiệp là một mũi nhọn cần tính đến, trong đó thúc đẩy năng suất phù hợp với chi phí sản xuất bỏ ra để thích ứng biến đổi khí hậu. Vì thế, OECD và Việt Nam hiện đang cùng hướng đến hình thành Khung quy định về môi trường yêu cầu tuân thủ và thực thi mạnh mẽ thời gian tới.