Khuyến cáo vẫn lên hàng vì không có lối thoát
Chiều 26-12-2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các tỉnh biên giới phía Bắc.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương những ngày cuối cùng của năm 2021, các tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn vẫn còn ùn ứ hàng ngàn xe, đặc biệt là mặt hàng nông sản (chiếm 80% các mặt hàng dễ hư hỏng)... Đáng chú ý, dù đã có nhiều khuyến cáo ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu, nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng, khiến ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Tỉnh Lạng Sơn cho biết mỗi ngày vẫn có 60-70 xe từ các địa phương lên biên giới và tỉnh khuyến cáo các DN cần điều tiết, hạn chế đưa hàng hóa xuất khẩu lên biên giới, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong văn bản hỏa tốc Bộ Công Thương gửi các địa phương ngày 23-12-2021, đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường khuyến nghị các hiệp hội, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến xuất khẩu nông sản, trái cây tươi thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu, để chủ động kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, tránh phát sinh ùn ứ.
Các địa phương cần trao đổi với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua cửa khẩu tại tỉnh khác, hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác như đường biển…
Vì sao đã có khuyến cáo nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng lên? Chia sẻ với ĐTTC, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết cơ quan chức năng khuyến cáo DN tự điều tiết nhưng không phải DN nào cũng có thể tự điều tiết khi mùa thu hoạch đến.
Cửa khẩu vẫn nhận hàng thì họ vẫn lên với hy vọng có thể thông quan. Có thương nhân ngày đưa hàng lên nghe tin thông quan 200 xe hàng/ngày, nhưng đi nửa đường mới biết cửa khẩu thay đổi, lỡ rồi nên vẫn đi.
Theo ông Nguyên, các địa phương cần quản lý chặt, thậm chí cấm xe tiếp tục đưa hàng lên biên giới. Thà bán lỗ ở thị trường nội còn hơn đưa lên biên giới gồng gánh bao nhiêu chi phí khi xe hàng “chết dí” ở các cửa khẩu. Tất nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Trước tình hình này, trong Thông báo 350/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 27-12-2021, yêu cầu các tỉnh có cửa khẩu đánh giá tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn, quyết định điều phối và thông báo cho các địa phương, cơ quan, DN cả nước trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tạm dừng, hoặc cho phép tiếp tục đưa hàng hóa lên cửa khẩu biên giới, tránh để ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho rằng ngoài việc siết kiểm soát dịch, Trung Quốc cũng đang kiểm soát khắt khe hàng hóa nhập khẩu. Đó là lý do hàng thông quan chậm.
“Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng chúng ta phải thay đổi tư duy để phù hợp với những yêu cầu mới. Xa hơn phải nâng chất sản phẩm để bước vào thị trường lớn quốc tế” - bà Vy nhấn mạnh.
Phải gỡ từng nút thắt
Nông sản Việt lao đao khi xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc không phải chỉ xuất hiện khi có dịch và khi Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chính sách Zero Covid. Nhiều năm qua, sự việc này cứ lặp đi lặp lại như một “điệp khúc” chưa có lời giải. Trở lại với văn bản hỏa tốc của Bộ Công Thương ngày 23-12-2021, nhắc lại khuyến cáo các DN chuyển mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.
Thế nhưng theo Vinafruit việc xuất khẩu chính ngạch hay tiểu ngạch thường do người mua phía Trung Quốc yêu cầu. Họ muốn đi đường tiểu ngạch để không phải chịu thuế cao. Vì thế, một số DN chọn xuất khẩu chính ngạch tuy an toàn, nhưng do gặp nhiều khó khăn hơn đã chuyển sang xuất tiểu ngạch. Bên cạnh đó, “sân chơi” này phần lớn quyết định bởi người mua, không phải mong muốn của người bán.
Với thực trạng trên, điều DN mong mỏi là cần thống nhất chính sách chung cho việc xuất khẩu chính ngạch và hạn ngạch, để tạo thị trường cạnh tranh công bằng, hiệu quả. Quan trọng hơn là nâng chất sản phẩm xuất khẩu và giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nếu tính riêng mặt hàng rau quả xuất khẩu, những năm gần đây hàng Việt Nam đã giảm tỷ trọng xuất khẩu đi Trung Quốc rất nhiều.
Cụ thể, năm 2019 Trung Quốc chiếm khoảng 65% thị phần xuất khẩu, đến năm 2020 con số giảm còn 55% và năm 2021 giảm còn 52%. Trong khi đó, một số DN đang từng bước chuyển hướng sang các thị trường khó tính hơn, đã có hợp đồng nhưng không dám ký vì tìm “hàng sạch” quá khó. Vấn đề là sắp tới ngay cả thị trường Trung Quốc cũng không còn dễ tính nữa.
Nâng chất cần có tiêu chuẩn quốc gia, DN và nông dân phải làm theo tiêu chuẩn đó. Vì chỉ cần 1, 2 người làm sai lệch có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực chung. Hiện các sản phẩm nông nghiệp Việt có VietGAP, nhưng không phải thị trường nào cũng chấp nhận tiêu chuẩn này, nhất là thị trường khó tính.
Đó là chưa kể không phải hộ nông dân, hợp tác xã nào cũng làm theo tiêu chuẩn này. Để làm được cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bộ ngành đặc biệt là địa phương, chỉ mình DN sẽ không đủ lực.
Sự việc hàng hóa ùn tắc lần này tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề trước mắt và lâu dài cho ngành nông nghiệp. Nếu không làm chỉ nói, e rằng sẽ còn lâu nữa chúng ta mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn, lao đao, vì sau Zero Covid còn chính sách gì phía Trung Quốc sẽ đưa ra, chưa ai có thể biết trước.
Đây là lúc quyết liệt thay đổi tư duy và bắt đầu ngay bằng hành động cụ thể, từ DN, nông dân đến các cơ quan chức năng, để gỡ các nút thắt đang làm tắc nghẽn việc xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản qua Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng, chúng ta không thể bỏ mà phải thay đổi tư duy xuất khẩu để phù hợp với những yêu cầu mới. |