Để vượt qua đại dịch, hầu như chính phủ của các nước trên khắp thế giới đã tung ra giải pháp dập dịch, chống dịch cũng như các gói cứu trợ, giảm đau kinh tế để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực và thúc đẩy quá trình hồi phục. Các phản ứng chính sách này đã tạo ra các thay đổi to lớn cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Để làm rõ những vấn đề này và đặc biệt là đánh giá đầy đủ các tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, cũng như dự báo triển vọng phục hồi kinh tế trong giai đoạn tới, Báo ĐTTC xin giới thiệu các kết quả nghiên cứu của PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO và các cộng sự tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM dưới loạt bài viết với chủ đề “Đại dịch toàn cầu và triển vọng phục hồi kinh tế”.
Cuộc “đại phong tỏa”
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 không chỉ có tác động nghiêm trọng đến tính mạng con người trên khía cạnh y tế, mà còn tàn phá nền kinh tế toàn cầu như một cú sốc phi truyền thống, cách thức mà đại dịch gây ra chưa từng có tiền lệ và thế giới chưa từng có kinh nghiệm để ứng phó.
Tính đến hết ngày 30-9-2020, Covid-19 đã lây lan khắp toàn cầu với hơn 33 triệu ca nhiễm và vượt 1 triệu ca tử vong. Trong khi hệ thống y tế vẫn đang gồng mình để bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì tác động của đại dịch còn đe dọa đến sinh kế của hàng tỷ người trên thế giới.
IMF đã mô tả tính hệ thống của đại dịch lần này bằng cụm từ “Đại phong tỏa” (The Great Lockdown). Cũng cần nói rõ một điều rằng tất cả các cuộc khủng hoảng khi được gắn với chữ “The Great” đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có tính toàn cầu và thường là cái sau luôn khác biệt và tàn khốc hơn cái trước.
Nếu so với 2 cuộc khủng hoảng nặng nề nhất trong lịch sử mà thế giới đã trải qua là “Đại suy thoái” (The Great Depression) những năm 1930 và “Đại khủng hoảng” (The Great Crisis) vào năm 2008-2009, Covid-19 là một cuộc khủng hoảng nằm ngoài sức tưởng tượng và suy đoán của bất kỳ ai.
Cuộc “Đại phong tỏa” do Covid-19 gây ra có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 lao dốc ở mức -5,2%, và có khả năng sẽ là cuộc suy thoái nghiêm trọng thứ 4 trong hơn 150 năm qua.
Thế giới đang đối mặt với những bất ổn rất lớn, số liệu thống kê về chỉ số bất ổn trong chính sách kinh tế toàn cầu GEPU tính đến tháng 9-2020 đã ở mức đỉnh điểm là 412,05 so với thời điểm khủng hoảng tài chính 2008-2009 là 197,64 và tỷ lệ các nền kinh tế phải đối mặt với suy thoái kinh tế là 92,9%, đây đều là những mức cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này hàm ý một viễn cảnh đầy bi quan của thế giới khi mà Covid-19 là một cú sốc y tế và sẽ dẫn đến một cuộc đại suy thoái kinh tế.
Kinh tế hay sức khỏe, đều có cái giá phải trả
Kinh tế hay sức khỏe, đều có cái giá phải trả
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc và lây lan ra khắp thế giới, đã có nhiều quan điểm trái chiều trong cách thức phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Lúc đó có lẽ chính phủ nhiều nước, trong đó có Mỹ đã không dự liệu và đánh giá được hết mức độ nghiêm trọng của đại dịch lần này.
Muốn dập dịch hiệu quả phải tiến hành cách ly xã hội nhưng cái giá phải trả là sự mất mát rất lớn về kinh tế. Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã từng có một phát biểu gây tranh cãi dữ dội là: “Nền kinh tế đáng giá bao nhiêu mạng người?” và cho rằng: “Chúng ta không thể để cách chữa bệnh còn nguy hiểm hơn chính căn bệnh đó”, ám chỉ rằng nếu tiến hành cách ly xã hội để chống dịch thì các hậu quả về kinh tế và tác động lên cuộc sống người Mỹ còn nguy hiểm hơn hậu quả của Covid-19.
Những gì đã diễn ra sau đó đã chứng minh một điều rằng phản ứng chính sách đúng đắn, kịp thời và quyết liệt ở những giai đoạn đầu là chìa khóa để dập dịch thành công và đảm bảo các động cơ phục hồi kinh tế không bị tê liệt.
Lựa chọn sức khỏe của cộng đồng và tạm thời hy sinh các mục tiêu kinh tế cho thấy rằng đó là phản ứng chính sách đúng đắn nhất cho tới lúc này. Trung Quốc, Việt Nam, và các nước Đông Âu là những trường hợp điển hình.
Trong khi đó, Mỹ, Brazil, Nhật Bản và các nước Tây Âu lại xem nhẹ ảnh hưởng của Covid-19, có thái độ chủ quan, phản ứng chậm trễ, và chần chừ trong việc đánh đổi các mục tiêu kinh tế với sức khỏe người dân. Cái giá phải trả là giờ đây Mỹ và Brazil đang là những ổ dịch lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng dự báo lần lượt là -8% và -5,3%, bên cạnh đó còn có Nhật Bản (-5,2%) và EU (-7,1%).
Ngược lại, việc ưu tiên khống chế dịch ngay từ đầu và bằng những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt đã giúp Trung Quốc đạt tăng trưởng 1,2%, thậm chí JP Morgan còn dự đoán có thể Trung Quốc sẽ đạt tăng trưởng 2,5% trong năm nay. Mặc dù phải gánh chịu các hậu quả đau thương của Covid-19 cùng quá trình cách ly xã hội nặng nề để chống dịch, nền kinh tế Trung Quốc cũng đã bắt đầu phục hồi nhanh chóng các lĩnh vực sản xuất và các ngành dịch vụ, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 9 của Trung Quốc đã tăng lên mức 51,5 điểm (chỉ số PMI trên 50 có nghĩa là ngành sản xuất đang tăng trưởng).
Tư duy “chống dịch như chống giặc” đã giúp Việt Nam hạn chế tối đa số ca nhiễm, mặc dù là quốc gia giáp với Trung Quốc nhưng số ca nhiễm rất ít so với các nước trong khu vực.
Bằng các phản ứng kịp thời, quyết liệt và ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân, Việt Nam đã kiểm soát tốt những ổ dịch lớn ở đợt bùng phát thứ 2 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, từ đó cho thấy các biện pháp phòng chống dịch bệnh được áp dụng rất hiệu quả.
Thống kê 9 tháng năm 2020 từ Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,12%. Các chỉ số dự báo tăng trưởng kinh tế cuối năm 2020 khoảng 2,7% (IMF), 2,8% (WB) và Thủ tướng đã hạ quyết tâm đạt tăng trưởng cả năm từ 2,5-3%.
Giảm đau kinh tế như thế nào?
Giảm đau kinh tế như thế nào?
Cách ly xã hội để chống dịch đã khiến cho các nền kinh tế phải hoạt động chậm lại, thậm chí đóng băng hoặc tê liệt trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này khiến cho năm 2020 có thể là một năm kỷ lục của các hành động chính sách được thực thi bởi chính phủ các nước trong nỗ lực giải cứu nền kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho người dân và không xảy ra đổ vỡ.
Hơn 25.000 tỷ USD đã được bơm ra trong năm nay để thực hiện những mục tiêu này. Mỹ đứng đầu danh sách với gói chống dịch và giảm đau kinh tế hơn 7.000 tỷ USD (hơn 30% GDP), Nhật gần 3.500 tỷ USD (66% GDP), Trung Quốc là 2.350 tỷ USD (17% GDP).
Giải pháp và công cụ thực thi chính sách của các nước có thể khác nhau, nhưng nhìn chung đều thực hiện thông qua chính sách tiền tệ hoặc tài khóa, được chúng tôi hệ thống hóa ở sơ đồ (ảnh).
Những biện pháp từ 1 đến 4 được thực thi bởi Ngân hàng Trung ương (NHTW) và một phần từ chính phủ. Biện pháp 5 là hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân, nguồn ngân sách này có thể đến từ dư địa sẵn có hoặc từ việc bán trái phiếu chính phủ cho khu vực phi chính phủ hoặc được NHTW mua trên thị trường thứ cấp như ở biện pháp 7, và các khoản vay ngân hàng, mua trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp, rút từ quỹ dự trữ hiện có (biện pháp 8) và một phần được hỗ trợ từ quốc tế (biện pháp 9).
Biện pháp 6 liên quan đến chi tiêu, cho vay hoặc đầu tư của Chính phủ, chính vì vậy mà mũi tên quay trở lại nơi bắt đầu. Trong biện pháp 7 và 8, NHTW có thể tài trợ trực tiếp hay gián tiếp cho chính phủ, sau đó được phân bổ cho những biện pháp từ 1 đến 5.
Cuối cùng, những hỗ trợ từ quốc tế sẽ được chuyển đến chính phủ để sử dụng cho khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp đến các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Một đặc điểm đáng lưu ý của các chính sách giảm đau kinh tế lần này so với cuộc Đại khủng hoảng năm 2009 là chính sách tài khóa đã được sử dụng một cách đáng kể so với các công cụ tiền tệ.
Lý do là tiền được bơm trực tiếp thông qua các công cụ tài khóa sẽ được hấp thu nhanh chóng vào nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư công hoặc các khoản hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân mà không bị lệ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế hoặc hệ thống ngân hàng thương mại như kênh chính sách tiền tệ.
Hơn nữa, đầu tư công sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực đến việc làm, thu nhập và cả tâm lý lạc quan cho công chúng và cuối cùng là các hàng hóa và dịch vụ công được tạo ra sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hoặc cải thiện môi trường kinh tế - xã hội cho các quốc gia.
Các phản ứng chính sách này của chính phủ các nước cũng như hậu quả nặng nề của Covid-19 và quá trình cách ly xã hội đã tạo ra những tác động không nhỏ lên nền kinh tế toàn cầu, hình thành các xu hướng kinh tế mới mà chúng tôi cho rằng sẽ là những xu hướng chính của giai đoạn phục hồi kinh tế hậu dịch. Chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này ở số báo tiếp theo với chủ đề: “Các điểm gãy cấu trúc và thách thức kinh tế giai đoạn hậu dịch”.