Điều này thể hiện rõ qua kết quả tăng trưởng GDP quý I-2018 với mức tăng 7,38% - đạt mức cao nhất trong quý I trong 10 năm gần đây.
Chỉ đạo cải cách mạnh mẽ, liên tục của Thủ tướng và sự vào cuộc quyết liệt của Tổ công tác của Chính phủ trong việc thúc đẩy mạnh mẽ các bộ, ngành thực hiện đã tạo ra hiệu quả thực tế: Quyền tự do kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp cải thiện tốt hơn; niềm tin thị trường tăng lên. Việc gia nhập thị trường thuận lợi hơn, nhanh hơn, ít tốn kém hơn đã làm mức độ tín nhiệm của Việt Nam gia tăng mạnh trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Đây là những thay đổi mang tính nền tảng làm cơ sở để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thời gian tới tăng mạnh, hoặc có thể bước lùi. Bối cảnh nền kinh tế hiện nay rất khác: Tăng trưởng theo chiều sâu chứ không dựa vào tín dụng, khoáng sản, lao động giản đơn, gia tăng vốn đầu tư. Vì vậy, động lực thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới vẫn là tiếp tục cải cách và chất lượng công cuộc đổi mới tiếp theo.
Cộng đồng doanh nghiệp cả nước ghi nhận quyết tâm tháo gỡ môi trường đầu tư-kinh doanh liên tục trong 2 năm qua của Chính phủ nhưng thực tế vẫn còn nhiều cản ngại. Đó là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, đối phó trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Chính vì vậy, gần đây Thủ tướng Chính phủ mạnh mẽ chỉ đạo cả hành vi ứng xử trong quản lý Nhà nước đối với cơ quan công quyền. Đó là kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn; việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh phải thực chất, đi đôi với cải cách bộ máy. Các bộ ngành cần định lượng cụ thể việc kiểm tra chuyên ngành, cải tiến thủ tục đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy.
Mặc dù chưa đạt mục tiêu nhưng do cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng lớn mạnh, có đóng góp lớn vào hiệu quả tăng trưởng kinh tế. Vấn đề đặt ra là lực lượng này đã cảm thấy “dễ thở” chưa, gánh nặng chi phí tuân thủ có giảm và lợi nhuận tăng?
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới - WB (năm 2014), tổng chi phí về thuế và phí của doanh nghiệp Việt Nam chiếm tới 40% lợi nhuận; cao hơn rất nhiều so với Singapore (18,4%), Thái Lan (26,9%)… Khảo sát vào năm 2016, WB đưa ra kết quả tỷ lệ này đã giảm nhưng không đáng kể, còn 39,6%. Thuế, phí là một trong số rất ít các chi phí mà doanh nghiệp trong nước phải gánh chịu, như các loại lệ phí giao thông, kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch, tiền thuê đất…
Chính điều này lý giải vì sao phần lớn doanh nghiệp tư nhân nước ta vẫn không lớn nổi, chỉ là “đội ngũ thuyền thúng” trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trước nhiều dự báo lạc quan kinh tế thời gian tới, IMF đưa ra triển vọng với định mức vừa phải đối với kinh tế Việt Nam: tăng GDP 6,6% trong năm nay và 6,5% trong năm 2019.
Để nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững cần nhìn nhận rõ tổng thể bức tranh các thành phần kinh tế nước ta: Kinh tế tư nhân luôn được xác định là đầu tàu tăng trưởng nhưng khu vực này vẫn không thể đọ sức các thành phần khác do cải cách thể chế chưa hoàn thiện, chưa tiếp cận bình đẳng các cơ hội kinh doanh. Trong khi đó khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được ưu ái, dồn mọi nguồn lực ưu đãi nhưng thực tế phát sinh nhiều vấn đề và vẫn được xác định là khu vực chủ đạo của nền kinh tế.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bày tỏ lo ngại về hoạt động của khu vực kinh tế này: Trong cấu trúc tài sản của DNNN vốn tự có chiếm tỷ lệ rất thấp, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn, tổng công ty gấp từ 3-10 lần; xảy ra tình trạng vay vốn các ngân hàng lớn và chiếm dụng lẫn nhau; có nguy cơ dẫn đến phá sản và làm tăng gánh nợ quốc gia. Năm 2016, số nợ của DNNN đã lên tới 324 tỷ USD, bằng 158% GDP.
Các doanh nghiệp FDI thời gian qua đã đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng nhưng cho thấy nền kinh tế đang quá phụ thuộc vào khu vực này và có nguy cơ rủi ro đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững. Chỉ riêng quý I-2018, giá trị hàng xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ, đóng góp nhiều nhất trong ngành chế biến-chế tạo.
Nhìn tổng thể các chuyên gia đánh giá FDI có vai trò đóng góp lớn cho tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, tạo việc làm xã hội nhưng cũng làm khu vực trong nước “nhỏ đi”. Kết quả của khối doanh nghiệp này chưa tương xứng với những ưu đãi lớn mà họ được hưởng và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng… Một vấn nạn khác là khi chu kỳ sản phẩm rơi vào thời kỳ giảm sút, nền tảng công nghệ trung bình FDI đầu tư ở nước ta nếu không duy trì được khả năng cạnh tranh dài hạn, sẽ tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng không nên quá phấn khởi với các kết quả đạt được thời gian qua mà Nhà nước phải có vai trò rất quan trọng trong việc tạo lập các mối liên kết kinh doanh, phân vai các thành phần rõ hơn trong việc đóng góp vào nền kinh tế, vào sự phát triển của đất nước; chủ động hạn chế các thất bại và khiếm khuyết của thị trường.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao nội lực của mình như chất lượng sản phẩm, đổi mới quản trị, chuẩn hóa và minh bạch hoạt động phù hợp theo xu thế mới. Điều này đòi hỏi cả quyết tâm chính trị, tầm nhìn của cơ quan quản lý và cả nhận thức sâu sắc của đội ngũ doanh nghiệp.
Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2018) cũng là dịp nhìn lại những thành tựu và sự phát triển vượt bậc của nước ta. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ vui mừng, hứng khởi về những kết quả đạt được sau 30 năm Đổi mới.
Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra nhiều vấn đề cần hóa giải trong tiến trình phát triển thời gian tới, để nước ta tiến đến quốc gia hùng mạnh, phú cường. Đó là việc phân định rành mạch vai trò của Nhà nước và thị trường; minh định rõ ràng sức sống và tính hiệu quả của các thành phần kinh tế để phân vai, tạo cú hích phát triển căn cơ hơn; tạo sự bình đẳng thực sự và cạnh tranh lành mạnh giữa các khu vực kinh tế.
Hóa giải được các điểm nghẽn này, Việt Nam sẽ tiến mạnh với vai trò là quốc gia năng động trong nhóm nước phát triển, có vị thế lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu.