Phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

(ĐTTCO) - Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đạt 150 tỷ USD, rất thấp so với kế hoạch đề ra (dự kiến hơn 200 tỷ USD). Trước thực tế đáng lo ngại này, từ các cơ quan chức năng tới doanh nghiệp đang tích cực “chuyển bộ” để vượt qua thách thức.
Phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt

Cuối tháng 3 vừa qua, tại cuộc họp giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các tham tán thương mại, nhất là tham tán tại những thị trường xuất khẩu chủ lực, cần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) kết nối giao thương, tìm kiếm đơn hàng.

Triển khai chỉ đạo trên, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết đơn vị đã tiếp xúc, trao đổi với các bên liên quan của Hoa Kỳ như Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ, các luật sư, nhà nhập khẩu… để giúp đoàn công tác của các địa phương và DN Việt Nam sang tìm hiểu thị trường.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng báo cáo, tham mưu lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ để hỗ trợ DN. Ngoài ra, đơn vị theo dõi chặt chẽ chính sách điều hành của Hoa Kỳ để kịp thời cập nhật cho DN những thông tin, những vấn đề mới cần lưu ý.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, cho biết, đối với hoạt động xuất khẩu, từ đầu năm đến nay mặc dù ghi nhận mức giảm chung, nhưng một số nhóm hàng truyền thống như nhóm hàng rau quả tăng 5,2%, phi lê cá tra, ba sa... tăng 16%. Nguyên nhân tăng là do nhiều mặt hàng có giá trị cao trong xuất khẩu của Việt Nam vừa được Trung Quốc mở cửa thị trường như sầu riêng, tổ yến, khoai lang.

Vừa qua, Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép. Đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn, khi chỉ chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Trung Quốc hàng năm. Điều này cho thấy dư địa tại thị trường Trung Quốc vẫn còn khá lớn.

Tại châu Âu, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh, trong 2 năm gần đây, thị trường Anh thiếu ổn định và đôi khi gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Thế nhưng, DN Việt Nam có thể tận dụng các ưu đãi từ UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh) để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm, dệt may, giày da, thiết bị linh kiện điện tử, đồ gỗ… sang Anh.

Hiện đơn vị đang tổ chức, xây dựng mạng lưới kết nối cộng đồng DN Anh và DN Việt Nam tại Anh để giới thiệu đối tác cho DN Việt Nam. Bên cạnh đó, đơn vị cung cấp cho DN Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Vương quốc Anh.

Mặt khác, đơn vị phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tổ chức các hội thảo trực tuyến, tư vấn DN xuất khẩu Việt Nam kết nối với các chuyên gia, thương nhân của Anh trong các lĩnh vực nông sản, dệt may, đồ gỗ… Đồng thời, đơn vị hỗ trợ DN tham gia các hội chợ triển lãm giới thiệu quảng bá hàng hóa và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.

Hỗ trợ, chia sẻ đơn hàng

Ngoài sự hỗ trợ khơi thông thị trường xuất khẩu từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, về phía DN, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, thông tin. hiện các DN trong nước đang chủ động kết nối để chia sẻ đơn hàng. Các DN cũng tăng cường đa dạng nguồn nguyên liệu, nhất là dệt may, gỗ để ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Tập trung cho thị trường trong nước cũng là một hướng đi mới của nhiều DN.

Doanh nghiệp Vissan sản xuất thực phẩm chế biến sẵn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Doanh nghiệp Vissan sản xuất thực phẩm chế biến sẵn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Đơn hàng trong nước đang là cứu cánh của các DN. Đơn hàng này tuy số lượng không lớn nhưng đủ để DN có thể cầm cự sản xuất, vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM, cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, đơn vị liên tục tiếp nhiều DN (vốn chỉ xuất khẩu) đến tìm kiếm cơ hội phát triển thị phần trong nước. Việc quay trở lại thị trường nội địa được xem là hướng đi tiềm năng, khi quy mô thị trường Việt Nam đã vươn lên xếp thứ hạng 15 trên thế giới. Đây cũng là giải pháp phát triển bền vững cho DN không chỉ ở giai đoạn hiện tại mà còn dài hơi.

Tại TPHCM, hoạt động hỗ trợ DN của các sở, ngành chức năng khá sôi động. Trong buổi họp báo cáo quý I-2023, Sở Công Thương TPHCM thông tin, TP sẽ kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN hoạt động ổn định, phát huy hết công suất, nhất là các sản phẩm còn dư địa sản xuất, có khả năng gia tăng sản lượng, để bù đắp phần thiếu hụt cho các sản phẩm công nghiệp khác.

Riêng với nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, TP sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong thời gian tới, TPHCM đẩy mạnh thương mại điện tử, tập trung phát triển nhanh các loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp với đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng loại hình chợ và cửa hàng bán lẻ truyền thống. Mặt khác, TPHCM triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, khuyến khích các DN phối hợp các sàn thương mại điện tử trong nước để tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa.

TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

TPHCM sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM tiếp tục triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - DN để tăng khả năng giải ngân vốn vay cho DN.

Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm phát huy vai trò hệ thống phân phối theo tín hiệu thị trường, coi trọng phát triển các kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng đề án sàn giao dịch hàng hóa (thí điểm đối với mặt hàng thịt heo) và các chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa quy mô lớn, có sự tham gia của các DN phân phối lớn, DN logistics, các trang trại và DN sản xuất trong nước.

Đồng thời, ứng dụng phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới để hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, khuyến khích phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh.

Các tin khác