Nằm cách TP Đồng Xoài gần 50km về phía Bắc, thị xã Phước Long là điểm tiếp giáp giữa Đông Nam bộ với dãy Trường Sơn - Tây nguyên, nên nơi đây có địa hình hơi dốc, khí hậu mát mẻ vào mùa mưa và không quá nóng vào mùa khô.
Ban đêm du khách có thể cảm nhận được không khí mát mẻ như ở vùng Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Dù diện tích rừng đã suy giảm khá nhiều nhưng thật may mắn bao quanh thị xã vẫn còn những khoảng xanh bao bọc, nhất là màu xanh của núi Bà Rá trải dài ôm lấy phần lớn thị xã.
Vào sáng sớm của một ngày đẹp trời, thật bất ngờ du khách có thể chiêm ngưỡng những đám sương mù đọng trên các rặng cây ở phía ngọn núi và ở xa xa, được điểm xuyết bằng những tòa nhà cao tầng nhiều màu sắc ở quanh khu trung tâm thị xã.
Sau khi chia tách, thị xã còn thôn đồng bào Stiêng (dân tộc bản địa) thuộc xã Long Giang vẫn duy trì hoạt động đội văn nghệ cồng chiêng và trở thành tài sản văn hóa tinh thần quý giá cho thị xã. Đội văn nghệ thường xuyên được cử tham gia biểu diễn tại các lễ hội lớn của tỉnh và của thị xã. Đây chính là vốn quý của ngành du lịch Bình Phước.
Điều gây ấn tượng nữa với chúng tôi là Bảo tàng thị xã Phước Long - nơi vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý của chiến tranh. Nơi đây không chỉ có sa bàn chiến dịch đường 14 Phước Long dẫn đến chiến tích giải phóng tỉnh đầu tiên ở miền Nam (dưới chế độ Sài Gòn là tỉnh Phước Long), còn có vô số khí tài của chiến tranh từ cả 2 phía, trong đó có cả chiếc máy bay siêu vận tải cơ C130 hay F105E (gắn với tên tuổi phi công Nguyễn Thành Trung sử dụng ném bom dinh Độc Lập trước khi bay ra vùng giải phóng) của không lực Hoa Kỳ, hay xe tăng T54 quân Giải phóng dùng để đánh chiếm và giải phóng Phước Long… gợi cho người xem ký ức về một thời oanh liệt đã qua.
Dù có nhiều tiềm năng nhưng nhiều năm qua, theo đánh giá của một cán bộ từng phụ trách Phòng Văn hóa-Thể thao- du lịch thị xã, du lịch của Phước Long chỉ như nàng công chúc ngủ say trong rừng đang chờ đánh thức.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Phước Long nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định du lịch là một trong những ngành sẽ được chú trọng quan tâm đầu tư phát triển (cùng với hạ tầng và công nghiệp chế biến điều).
Những ngày này, tin vui đến với người dân thị xã khu dự án cải tạo cảnh quan hồ Long Thủy (nằm ở trung tâm thị xã) đã được tỉnh phê duyệt với kinh phí đầu tư 80 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, với các hạng mục chính như cải tạo mặt bằng, trồng cây xanh ven hồ, làm đường bộ vòng quanh lòng hồ và công viên, trạm nghỉ chân, lắp đặt máy tập thể dục.
Dự án hứa hẹn mang đến cú hích mới cho ngành du lịch ngay trong năm 2021. Cùng với dự án khu du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng núi Bà Rá được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tạo nên sức sống mới cho ngành du lịch của thị xã.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến công trình cải tạo, nâng cấp mở rộng đưởng tỉnh lộ 741 từ Đồng Xoài đi Phước Long đang được thi công, góp phần rút ngắn hành trình đến với Phước Long của du khách trong thời gian ngắn sắp tới.
Vấn đề đặt ra là thị xã cần nhanh chóng huy động các doanh nghiệp trong, ngoài thị xã tham gia đầu tư hạ tầng lưu trú, nhà hàng ở nơi đây để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của du khách. Hiện có hàng chục cơ sở lưu trú nhưng chỉ duy nhất có khách sạn Mỹ Lệ (đạt tiêu chuẩn 3 sao), đang là trở ngại trong tiến trình phát triển du lịch của Phước Long.