Từ 17 giờ chiều 27-7, Quốc hội đã làm việc thêm giờ để biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Với số phiếu biểu quyết 475/477 ĐBQH tán thành (chiếm 95,59% tổng số ĐBQH khóa XV), Quốc hội thông qua Nghị quyết, nhất trí cao với nhiều mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chiến lược vaccine toàn diện đang được triển khai, Chính phủ đang xây dựng chương trình hồi phục và phát triển kinh tế trên cơ sở cân đối các nguồn lực.
Việc đề xuất các chỉ tiêu như dự thảo nghị quyết đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và đã tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế. Do đó, Quốc hội giữ nguyên mức chỉ tiêu tăng trưởng.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch 5 năm, Quốc hội yêu cầu tập trung thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội.
Khẩn trương triển khai chiến lược vaccine toàn diện, hiệu quả, tổ chức chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 cho nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả…
Song song đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, các đô thị lớn, các ngành mũi nhọn, các công trình trọng điểm quốc gia.
Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP. Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, nhất là đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.
Quốc hội cũng thống nhất phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Trong chiều 27-7, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022), Quốc hội trình cho ý kiến Luật Đất đai (sửa đổi) để cho ý kiến lần 1; đến kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022), trình Quốc hội Luật Đất đai (sửa đổi) để cho ý kiến lần 2.
* Quốc hội cũng biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022. Theo đó, thành lập 2 đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội.
Đó là đoàn giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn và đoàn giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn.
- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.