EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2%, với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Do đó, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...
Nghiên cứu cho thấy, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% ngay trong năm nay, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể khoảng 15,28% trong năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% năm 2030. Như vậy, khi EVFTA được thực thi, doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan để khai thác thị trường 18.000 tỷ USD này.
Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với những quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, cải cách thể chế, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập cơ chế quản lý mới… Đây chính là những lợi ích to lớn mà Việt Nam đạt được khi tham gia CPTPP, EVFTA nói riêng, cũng như các FTA khác nói chung.
Tất nhiên, EVFTA không phải là chiếc đũa thần. Thiếu vốn và thông tin là những khó khăn mà DN Việt Nam phải đối mặt trong thực thi EVFTA, nhất là trong việc tận dụng chuyển hóa các cơ hội thành động lực cho tăng trưởng xuất khẩu. Theo lãnh đạo Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (SMEs), hiện nay DN Việt thiếu thông tin thị trường EU cũng như các quy định của EU về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.
Đa phần DN trong nước đều quen với cách tiếp cận thông tin qua các website của Việt Nam giới thiệu thị trường EU, nhưng các trang web này nhiều khi không được cập nhật thường xuyên, dẫn đến lượng thông tin có hạn. Điều này khiến DN không nắm được các vấn đề thị trường, nhu cầu hàng hóa cũng như các quy định về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU.
Không chỉ vậy, dù Việt Nam có gần 1 triệu DN, nhưng số lượng DN nhỏ và vừa có vốn dưới 20 tỷ đồng chiếm trên 97%, sẽ phải chấp nhận cạnh tranh với DN EU nguồn vốn lớn đầu tư vào Việt Nam theo các cam kết EVFTA. Thị trường EU với 27 quốc gia thành viên, thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000USD/năm sẽ là thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao. Tuy vậy, sức ép cũng là cơ hội để DN Việt Nam, nhất là cộng đồng DN nhỏ và vừa phải đổi mới, nâng cao công tác quản trị để vươn lên.