Hôm Chủ nhật (1/8), tờ Financial Times đưa tin, EU đã đồng ý trả cho Pfizer/BioNTech 19,5 euro (23,1 USD) cho mỗi liều vắc xin theo hợp đồng ký vào tháng 5 với số tiền lên tới 1,8 tỷ USD, tăng từ 15,5 euro theo hai hợp đồng cung cấp ban đầu cho tổng số 600 triệu liều vắc xin.
FT cho biết, giá cho mỗi liều vắc xin Moderna đã lên tới 25,5 USD cho một hợp đồng vắc xin 300 triệu liều, tăng từ 22,6 USD trong thỏa thuận ban đầu với 160 triệu liều.
Giá của vắc xin Moderna vẫn ở mức thấp hơn trong khoảng 25 - 37 USD được Moderna đưa ra vào năm ngoái, nhưng Pfizer và BioNTech trước đó đã cho biết giá sẽ thấp hơn cho các giao dịch số lượng lớn hơn.
Những người khác nói rằng, có những lý do chính đáng để trả nhiều hơn và hoàn cảnh đã thay đổi rất nhiều so với khi các giao dịch ban đầu được thực hiện với các nhà sản xuất thuốc vào năm ngoái.
Clement Beaune, Bộ trưởng Ngoại giao các vấn đề châu Âu trong chính phủ Pháp nói với đài RFI của Pháp hôm thứ Hai (2/8) rằng, giá cao hơn có thể vẫn đang được thương lượng và là kết quả của các điều khoản chặt chẽ hơn về các biến thể, sản xuất và giao hàng.
Một quan chức châu Âu quen thuộc với các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin cho biết, giá vắc xin của các nhà sản xuất thuốc đã tăng lên kể từ khi có bằng chứng về hiệu quả và tác động tích cực của chúng trong việc giúp nền kinh tế phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra.
“Một số yếu tố đã đóng một vai trò nào đó”, một quan chức giấu tên cho biết.
Khả năng đàm phán
Tất cả các loại vắc xin được sử dụng ở châu Âu đã được chứng minh là có tác động tích cực, nhưng những loại vắc xin do AstraZeneca và Johnson & Johnson sản xuất đã phải đối mặt với các hạn chế sử dụng ở EU vì lo ngại các vắc xin có thể dẫn đến một số triệu chứng đông máu hiếm gặp.
Trong khi khả năng thương lượng của Pfizer/BioNTech và Moderna đã tăng lên, các nhu cầu bổ sung của EU có khả năng làm tăng chi phí sản xuất và cung cấp vắc xin.
Một phát ngôn viên của Pfizer từ chối bình luận về giá vắc xin cung cấp cho châu Âu, nhưng cho biết hợp đồng mới nhất với EU khác với hợp đồng ban đầu, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến sản xuất và giao hàng.
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều phối các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin cùng với đại diện của các chính phủ EU cũng từ chối bình luận về giá cả.
Đầu năm nay, các nhà lập pháp, truyền thông và một số nhà phân tích đã chỉ trích EU trả quá ít tiền cho việc cung cấp sớm vắc xin Covid-19 và nói rằng điều đó đã góp phần vào sự chậm trễ ban đầu trong đợt tiêm chủng.
“Thực tế đang phức tạp hơn nhiều, và có lẽ chi phí của việc ưu tiên vấn đề tiếp cận vắc xin hơn với tốc độ lan truyền của biến thể Delta là đúng đắn”, Giovanna De Maio, thành viên tại Viện Brookings, một nhóm nghiên cứu của Mỹ cho biết.
Vào ngày 23/7, Washington đã mua thêm 200 triệu vắc xin từ Pfizer với giá 24 USD mỗi liều (20,1 euro), tăng từ 19,5 USD đã trả cho 300 triệu liều đầu tiên.
Pfizer cho biết giá cao hơn của Mỹ phản ánh đầu tư cần thiết để sản xuất, đóng gói và cung cấp các công thức vắc xin mới, cũng như chi phí bổ sung trong việc sản xuất kích thước gói nhỏ hơn phù hợp với "văn phòng nhà cung cấp cá nhân, bao gồm cả bác sĩ nhi khoa".