Huy động khu vực tư
Tại Triển lãm Đầu tư Ukraine được tổ chức ở London vào tháng 11 bởi Hội đồng Chiến lược (cơ quan đại diện doanh nghiệp châu Âu), một số nhà đầu tư nói với tờ Financial Times (FT), họ đang tích cực khám phá việc đầu tư vào các công ty ở Ukraine và các nước láng giềng. Alexandra Morris, Giám đốc đầu tư tại Skagen Funds, cho biết: “Có thể khó nghĩ ra các cơ hội đầu tư trong hoàn cảnh bi thảm như vậy, nhưng đối với các nhà đầu tư kết quả tích cực của cuộc chiến sẽ tạo ra nhiều cơ hội”.
Cho đến nay, phần lớn tài chính cung cấp cho Ukraine đến từ các chính phủ và tổ chức tài chính quốc tế công như Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, đã huy động được 1,4 tỷ EUR kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào tháng 2. Tuy nhiên, nguy cơ các chính phủ phương Tây sẽ giảm dần sự hỗ trợ đã thúc đẩy xu hướng thu hút tài chính tư nhân. Thí dụ, CrossBoundary, một công ty tư vấn và quản lý đầu tư tập trung vào các thị trường mới nổi, đang hợp tác với 4 nhóm quản lý đầu tư để phát triển các quỹ đầu tư vào Ukraine.
Tương tự, một quỹ đa ngành nhắm mục tiêu đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự kiến số tiền đóng ban đầu từ các nhà đầu tư 40 triệu USD, nhưng có thể mở rộng quy mô lên tới 250 triệu USD. Scott Richards, người đứng đầu bộ phận cố vấn Đông Âu của công ty, cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự quan tâm của các nhà đầu tư tăng dần với những tiến bộ quân sự của Ukraine. Các nhà đầu tư sẽ nhắm mục tiêu đầu tư ban đầu vào miền Tây Ukraine, sau đó tiến dần về miền Trung hoặc phía Đông”.
Các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến cơ sở hạ tầng và bất động sản. Trong những tuần gần đây, Moscow đã đẩy mạnh chiến dịch ném bom nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Tuy nhiên, năng lực nông nghiệp và công nghệ hiện có của Ukraine cũng có tiềm năng kinh tế cao. Trong khi đó, các tổ chức tài chính lớn cảnh giác với việc cam kết tài trợ cho Ukraine. Aivaras Abromavicius, nhà đầu tư nông nghiệp và là đối tác cũ của công ty quản lý tài sản East Capital, cho biết: “Cho đến khi xung đột kết thúc, rất khó để mong đợi đầu tư nếu không có bảo hiểm thời chiến thích hợp. Bất kỳ nhà đầu tư nào xây dựng một nhà máy mới đều lo sợ máy bay không người lái có thể bay vào đó”.
Cần “Kế hoạch Marshall”?
Các nhà kinh tế Ukraine ước tính việc khôi phục cơ sở hạ tầng bị tàn phá sẽ tiêu tốn ít nhất 200 tỷ USD, trong khi ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban châu Âu (EC) lên tới 349 tỷ USD. GDP trước xung đột của Ukraine chỉ chừng 200 tỷ USD, nên nước này không thể tự chi trả cho việc tái thiết. Vì vậy, nếu khu vực tư không tham gia, sẽ cần đến “Kế hoạch Marshall” cho Ukraine, với nguồn tài chính huy động từ các chính phủ châu Âu và Mỹ.
Thực ra “Kế hoạch Marshall” do Mỹ triển khai để tái thiết các nước châu Âu sau Thế chiến hai. Khi đó, Mỹ đã chuyển khoảng 130 tỷ USD (theo tỷ giá năm 2010) để tạo điều kiện tái thiết châu Âu. Kế hoạch này nhằm phục hồi kinh tế châu Âu. Bởi sự ổn định kinh tế của châu Âu được coi là điều kiện tiên quyết để xây dựng các thể chế ổn định, nhằm thúc đẩy tăng trưởng thu nhập. Và kế hoạch phần lớn đã thành công. Ở Italia, nó đã kích thích tăng trưởng và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng, tạo điều kiện cho sự mở rộng kinh tế mạnh mẽ của những thập niên sau chiến tranh.
Ở Tây Đức, Kế hoạch Marshall dẫn đến các chính sách công nghiệp mới và tăng trưởng trở lại. Và trên khắp Tây Âu, nó đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục ổn định tài chính, thúc đẩy tự do hóa kinh tế và giảm bớt tình trạng thiếu hụt tài nguyên. Đến những năm 1960, tất cả 17 quốc gia chấp nhận viện trợ, gồm Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Tây Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Italia, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh, đã hồi phục về kinh tế và bắt đầu phát triển.
Song Kế hoạch Marshall đưa ra một số bài học quan trọng cho ngày hôm nay. Thứ nhất, các khoản tiền mặt lớn để xây dựng lại cơ sở hạ tầng có thể mang lại kết quả lớn. Trung bình, các khoản chuyển giao của Kế hoạch Marshall từ năm 1948-1952 chiếm chưa đến 3% GDP ở các quốc gia tiếp nhận, nhưng do các khoản tài chính được bơm trước, chúng đã giúp kích thích tăng trưởng bền vững. Thí dụ, Italia đã nhận được khoản viện trợ tương đương 11,5% GDP vào năm 1948. Thứ hai, dù một gói viện trợ và tái thiết có ý nghĩa dành cho Ukraine sẽ rất tốn kém, nhưng nó hoàn toàn khả thi. Năm 1948, GDP của Mỹ lớn gấp 3,5 lần GDP của Pháp, Đức và Italia cộng lại. Ngày nay, GDP của các nước EU lớn hơn 85 lần so với Ukraine.
Tất nhiên, có những khác biệt quan trọng giữa Tây Âu sau Thế chiến thứ hai và Ukraine, Nga và Belarus ngày nay. Những nước nhận Kế hoạch Marshall nằm trong số những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới vào thời điểm đó. Trong khi đó, trong giai đoạn 13 năm từ 1990 đến 2020, Ukraine ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm. Các điều kiện cho thấy sự ổn định kinh tế sẽ mất nhiều thời gian hơn so với thời hậu Thế chiến thứ hai ở châu Âu. Vì vậy, giới chuyên môn cho rằng cần thiết lập kế hoạch tương tự Kế hoạch Marshall ngay bây giờ.
Bất kể phương Tây viện trợ cho Ukraine hay bao gồm cả Nga và Belarus, toàn bộ chi phí phục hồi sẽ vượt chi phí trực tiếp do chiến tranh gây ra. Nhìn chung, Kế hoạch Marshall chiếm 5% GDP của Mỹ năm 1948. Nếu các nước EU cam kết dành 5% tổng GDP của họ để tái thiết sau chiến tranh, họ có thể tài trợ cho gói viện trợ trị giá 870 tỷ USD. Đóng góp của Mỹ có thể làm tăng thêm gói viện trợ.
Có thể khó nghĩ ra các cơ hội đầu tư trong hoàn cảnh bi thảm như vậy, nhưng đối với các nhà đầu tư, kết quả tích cực của cuộc chiến sẽ tạo ra nhiều cơ hội.
Alexandra Morris, Giám đốc Đầu tư quỹ Skagen Funds