Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn sau 2 năm chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 và không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11).
Để có góc nhìn tổng quan, đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai chương trình này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Chương trình trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm nay và các năm tiếp theo?
Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Đây là một chương trình toàn diện và quy mô gần như lớn nhất trong lịch sử được thông qua, đóng vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 nói riêng và trong cả giai đoạn 2021-2025.
Nếu không có chương trình này sẽ không thể giúp cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được đẩy nhanh và bền vững. Như vậy, khó có thể thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% đến 7% như Đại hội Đảng và Quốc hội đã đề ra. Có chương trình này sẽ giúp cho doanh nghiệp và người dân sớm vượt qua những thách thức, khó khăn trong và sau đại dịch. Qua đó tạo thêm niềm tin để hoạt động sản xuất kinh doanh được tốt hơn.
Đây cũng là điều kiện để Việt Nam nâng cao được năng lực y tế; nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng - vốn dĩ đã và đang bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình dịch bệnh. Chương trình phục hồi còn nhắm tới việc tăng cường thu hút đầu tư để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vốn là 1 trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra hồi đầu nhiệm kỳ.
Cuối cùng là chương trình tập trung rất lớn vào vấn đề an sinh xã hội; trong đó, đặc biệt là nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội-vốn là điểm yếu đã bộc lộ rõ trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua.
Tôi cho rằng 5 nhiệm vụ trọng tâm của chương trình cộng với cam kết về cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng khả năng hấp thụ và thu hút đầu tư để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiến trình phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế theo chiều hướng tích cực, nhanh, hiệu quả và bền vững. Nếu làm tốt và tận dụng được cơ hội, tôi cho rằng nền kinh tế không chỉ phục hồi và đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng GDP như đã định mà còn có thể tăng trưởng thêm 1,5 đến 2 điểm phần trăm/năm trong 1 tới 2 năm tới.
- Ông nhìn nhận những giải pháp đưa ra để thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng hồi phục như thế nào?
Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Chương trình phục hồi kinh tế tập trung triển khai các chính sách tài khóa là cơ bản, với giá trị ước tính khoảng 83% trên tổng giá trị chương trình bao gồm hỗ trợ về an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực y tế. Rõ ràng có thể nhận thấy, chương trình đã được thiết kế công phu, bài bản và đạt được sự đồng thuận cao từ Quốc hội, Chính phủ với mỗi người dân, nên tôi hy vọng về quá trình thực thi sẽ được hướng dẫn cụ thể để đạt hiệu quả tích cực.
Thực tế cũng có một số quan ngại về các chính sách tài khóa tiền tệ khi thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội sẽ khiến vượt trần nợ công, bội chi ngân sách… Tuy điều đó là tất yếu nhưng thực tế vấn đề này đã được Quốc hội bàn thảo, chấp nhận mức độ bội chi ngân sách năm nay và năm tới trong khoảng 1% đến 1,2% so với GDP và thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 5% GDP.
Đó có thể xem là mức chấp nhận được và thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân của toàn cầu là 10% hay so với các nước mới nổi hoặc đang phát triển như Việt Nam. Nợ công cũng có thể tăng thêm nhưng vẫn sẽ ở ngưỡng an toàn. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ chắc chắn cũng sẽ tăng, thậm chí sẽ có thời điểm vượt ngưỡng 25% nhưng quan trọng hơn đó là điều cần thiết phải làm trong bối cảnh đòi hỏi sự phục hồi nền kinh tế và đời sống người dân một cách nhanh chóng nhất sau đại dịch.
- Để cân bằng giữa việc hỗ trợ phục hồi kinh tế và chủ động đối phó với áp lực lạm phát và áp lực nợ xấu gia tăng, theo ông nên lựa chọn giải pháp gì?
Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Nên lưu ý lạm phát năm nay trên toàn cầu hay ở Việt Nam đều chủ yếu xuất phát từ phía nguồn cung, tức là do chi phí này. Từ việc chiến tranh giữa một số quốc gia cho đến dịch bệnh… đã tác động rất lớn tới chuỗi cung ứng và gây nên sự gián đoạn, ách tắc.
Đặc biệt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận tải cũng tăng cao khiến Việt Nam phải nhập siêu. Đây cũng là nguyên nhân đã đẩy giá dầu tăng cao ở mức dự kiến khoảng 30%-40% trong năm nay. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát.
Theo tính toán kịch bản tăng trưởng, nếu giá dầu tăng 30%-40%, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng và giảm từ 1,1-1,3 điểm phần trăm và lạm phát sẽ bị đẩy lên 0,8-1 điểm phần trăm. Như vậy, tăng trưởng sẽ ở mức khả quan là từ 5,7-6% và lạm phát có thể là 4% hoặc có thể cao hơn ở một số thời điểm.
Bài toán đặt ra là phải làm sao để kiểm soát tốt lạm phát. Theo tôi, một là phải làm tốt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách giá cả để đảm bảo các yếu tố vĩ mô khác nhằm tránh tình trạng bùng phát lạm phát. Thứ hai là phải cố gắng điều tiết và bình ổn giá xăng dầu vì đó là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới lạm phát trong năm nay.
Các bộ, ngành, Chính phủ cũng đã đưa ra một số dự kiến kế hoạch, giải pháp để kiểm soát giá xăng dầu, tuy nhiên, cần phải làm mạnh hơn nữa, tránh hiện tượng găm hàng trục lợi, nâng giá ở các cơ sở kinh doanh; hạn chế tốt hơn nữa tình trạng nhập lậu xăng dầu và đa dạng hóa để đảm bảo nguồn cung cả ở trong nước và ngoài nước. Cuối cùng là cần sự phối hợp để điều chỉnh giá xăng dầu tránh tình trạng gián đoạn.
- Đầu tư công chiếm phần lớn nguồn lực của gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, tuy nhiên, đây cũng là một lĩnh vực tập trung rất nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Vậy theo ông, để thực hiện việc thúc đẩy đầu tư công, chúng ta cần tập trung vào đâu?
Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Gói chính sách này sẽ dành khoảng 113.000 tỷ đồng để giúp cho đầu tư cơ sở hạ tầng-một trong những đột phá chiến lược quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Về cơ bản những giải pháp triển khai là tương đối khả thi vì về cách làm lần này có địa chỉ, dự án tương đối cụ thể và linh hoạt trong việc điều phối vốn. Thực tế năm nay, các địa phương và các bộ, ngành cũng đã vào cuộc quyết liệt hơn để có được chương trình, dự án, hồ sơ triển khai trong năm nay và sang năm tới.
Ngoài ra về phía địa phương cũng cần có sự chủ động một phần nguồn vốn chứ không hoàn toàn dựa vào nguồn vốn từ Chương trình. Cùng đó, là việc đôn đốc thực hiện, kiểm tra và giám sát quá trình thực thi để đảm bảo đạt kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực.
Thêm nữa, chính bản thân doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần sự chủ động tìm hiểu và tiếp cận với Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội của Chính phủ; chủ động chuẩn bị các hồ sơ cần thiết phù hợp với những nhóm, ngành chính của doanh nghiệp trong danh mục hỗ trợ của chương trình. Nếu chỉ ngồi 1 chỗ để mà kêu thì không bao giờ có cơ hội tiếp cận chương trình.
Các bộ, ngành, địa phương thì càng sớm càng tốt phải ban hành những hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhưng không quá khó để doanh nghiệp có thể tiếp cận được.
Cuối cùng là cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho việc triển khai quá trình này giảm bớt được các thủ tục hành chính, đảm bảo tính công khai minh bạch nhất là sau đại dịch.
Tuy nhiên, vì là giai đoạn thử nghiệm nên chắc chắn sẽ xảy ra 1 tỷ lệ nhỏ những sai sót, chứ không thể cầu toàn đòi hỏi chất lượng hoàn hảo 100%. Như thế sẽ tạo áp lực và sự nghi ngại của doanh nghiệp, sự khó khăn cho các bộ, ngành và địa phương khiến cho Chương trình được thực hiện khó đảm bảo hiệu quả.
-Trân trọng cám ơn ông!