Ghi dấu ấn lễ hội
Cách đây vài ngày, festival hoa Đà Lạt 2022 bế mạc sau 2 tháng diễn ra liên tục, được đánh giá là lễ hội thành công với nhiều thay đổi ấn tượng. 8 kỳ lễ hội hoa trước đó, chương trình dài nhất diễn ra 1 tuần, ít nhất khoảng 4 ngày. Với thời gian dài kỷ lục, ban tổ chức festival năm nay thông tin đón 37 đoàn khách trong nước, 14 đoàn khách quốc tế, thu hút trên 1,8 triệu lượt du khách gần xa đến với sự kiện.
Chị Nguyễn Phương Thi (du khách ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, không gian triển lãm năm nay được đầu tư tinh tế, có sự kết hợp hài hòa của văn hóa miền Bắc và Nam Tây Nguyên; nhiều chương trình nghệ thuật thú vị như dù lượn, khinh khí cầu ngắm Đà Lạt trên cao, carnaval đường phố… “Tôi và bạn bè không gặp tình trạng hét giá, đường phố sạch đẹp, dịch vụ tốt hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19”, chị Phương Thi cho hay.
Rời Tây Nguyên, đến với khu vực ĐBSCL, Lễ hội cá tra Đồng Tháp lần thứ nhất cũng ghi dấu ấn tốt với những phản hồi tích cực từ người dân, du khách. “Một loại cá bình thường, không được đánh giá cao, nhưng lại trở thành các món ngon đãi khách thượng hạng khiến tôi thấy rất thú vị. Mà cũng đúng, loài cá góp phần làm giàu cho bà con nông dân, với trị giá xuất khẩu gần 2,5 tỷ USD năm 2022 thì rất cần quảng bá cho thế giới biết đến”, chị Ngô Thị Mỹ Yên (du khách ở TP Nam Định), có dịp tham dự Lễ hội cá tra Đồng Tháp, tâm sự.
Ở khu vực phía Bắc, các lễ hội như Lễ hội chùa Hương, Lễ hội hoa tam giác mạch… luôn thu hút đông đảo các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Với Lễ hội chùa Hương, cao điểm trước dịch Covid-19, có ngày đón hơn 700.000 lượt người dân, du khách vãn cảnh. Lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang) cũng trở thành “đặc sản” vùng cao. Khách đến đây được đắm mình trong không gian bạt ngàn của những đồi hoa tam giác mạch mọc lưng chừng núi đá, thưởng thức sản phẩm đặc sản của địa phương như mật ong bạc hà, kẹo tam giác mạch, giò ngựa, gà đồi muối hong khói, nem chua… Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia các giải marathon quốc tế trên Cung đường hạnh phúc; giải đua xe ô tô, mô tô mạo hiểm “Tinh thần đá”…
Trên bình diện chung của cả nước, năm qua, đã có một số hoạt động lễ hội điển hình như giới thiệu du lịch Việt Nam trong Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc; hội nghị hợp tác du lịch song phương Việt Nam - Singapore; hội nghị hợp tác du lịch song phương Việt Nam - Nhật Bản… Ngoài các hoạt động do ngành du lịch chủ trì, còn có những chương trình do doanh nghiệp du lịch phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở các nước (Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản…) thực hiện.
Lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc
Theo ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Hướng dẫn viên Vietravel, lễ hội ở một số quốc gia trên thế giới đều chú trọng phần lễ và hội sao cho người tham gia, dù là người nước ngoài, dễ dàng cảm nhận được tinh thần, ý nghĩa của lễ hội. Chẳng hạn, đến với Lễ hội té nước Songkran (Thái Lan), bất kỳ du khách nào cũng đều hào hứng tham gia và hiểu được lý do vì sao người ta tạt nước vào nhau, càng bị té nước nhiều càng may mắn. Hoặc lễ cúng trai phạn ở cố đô Luang Prabang (Lào) diễn ra không cần ngôn ngữ nhưng ai cũng cảm nhận được sự hòa hợp và ý nghĩa của buổi lễ này.
Người dân, du khách trải nghiệm Ngày hội khinh khí cầu ở TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Theo các hãng lữ hành, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội diễn ra quanh năm, nhưng phần lớn vẫn thiếu sức hút. Ông Nguyễn Bảo Toàn cho rằng lễ hội ở nước ta có phần mang tính cục bộ, nhiều lễ hội chỉ mang đến sự hấp dẫn cho người dân địa phương, thậm chí đó là những lễ hội cấp quốc gia. “Người dân trong nước tham gia lễ hội ở các vùng miền còn chưa cảm nhận, chưa hiểu được thông điệp từ lễ hội truyền tải, thì làm sao mà bạn bè quốc tế hiểu được”, ông Bảo Toàn nói.
Cùng quan điểm, ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Công đoàn TPHCM, nhìn nhận, lễ hội ở Việt Nam còn khá nhạt do du khách chưa có nhiều cơ hội hòa mình vui chơi, trải nghiệm vào phần hội, trong khi phần lễ thường kéo dài, phát biểu khai mạc nặng tính báo cáo, nghi thức…
Trong khi đó, chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí nhìn nhận, việc quảng bá lễ hội và sự kiện du lịch bị phân tán, một số địa phương còn tình trạng mạnh ai nấy làm nên hiệu ứng lan tỏa chưa cao. Nhiều hãng lữ hành thiếu thông tin, không biết chính xác lịch trình sự kiện trong lễ hội hoặc biết rất muộn nên khó đưa vào tour chào bán, đặc biệt tour cho khách nước ngoài (thường phải bán trước 6 tháng).
“Việt Nam nên chú trọng vào một số lễ hội đặc sắc, tập trung nguồn lực cả nước cùng xúc tiến quảng bá cho các lễ hội như đường hoa Tết Nguyên đán, festival hoa Đà Lạt, lễ hội chùa Hương... Bên cạnh đó, nên đơn giản phần lễ, làm sao để phần hội sinh động hơn”, ông Nguyễn Đức Chí góp ý.
Tổng cục Du lịch Việt Nam nhìn nhận, hoạt động xúc tiến, quảng bá, tổ chức các lễ hội ở nhiều địa phương đã góp phần đáng kể trong việc thu hút hơn 3,6 triệu lượt khách quốc tế, đẩy tổng doanh thu du lịch lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng trong năm 2022.