Ngừng rồi mở, mở lại ngừng...
Hôm qua 4-8, sau gần 1 tuần đi mua thực phẩm, chị Ngọc Loan (Quận 7, TPHCM) lại đến siêu thị LotteMart Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7) thì thấy thông báo đóng cửa, dây giăng kín lối. Trước đó, từ ngày 6-7 đến 10-7, siêu thị LotteMart Nguyễn Hữu Thọ cũng bị buộc tạm ngừng, sau khi phát hiện có ca nhiễm bệnh liên quan.
Tương tự, trong hai ngày 3-8đến 4-8, nhiều người dân tại Quận Phú Nhuận khi đến lượt được phép ra ngoài theo phiếu mua hàng thiết yếu được phường phát trước đó, đến siêu thị Co.opmart Rạch Miễu thấy tấm bảng thông báo đóng cửa để thực hiện khử khuẩn định kỳ từ ngày 3-8 và ngày mở cửa hoạt động lại thì chưa rõ.
Trong khi các siêu thị, cửa hàng thực phẩm dễ diễn ra điệp khúc “mở rồi lại đóng” do dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì nhiều cửa hàng của những chuỗi bán lẻ như Con Cưng, Pharmacity, Anh văn Yola... sau hơn 2 tuần tham gia bán rau củ quả đã thu hẹp hoạt động.
Ngày 4-8, khảo sát tại các cửa hàng của hệ thống Con Cưng trên các đường Khánh Hội, Hoàng Diệu (Quận 4); Lâm Văn Bền, Nguyễn Thị Thập (Quận 7); Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3)... cho thấy đều không có bán mặt hàng rau củ quả như thông tin từ giữa tháng 7.
Đại diện hệ thống Saigon Co.op (đơn vị quản lý các siêu thị Co.opmart, Co.opFood, Co.opXtra...) cho biết trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TPHCM nên một số siêu thị, cửa hàng tạm đóng cửa để sát khuẩn, khử trùng do có ca liên quan là không tránh khỏi. Thông thường siêu thị sẽ phối hợp với địa phương để khoanh vùng nhanh, xét nghiệm toàn bộ và khử khuẩn để quay lại phục vụ khách hàng sớm nhất trong vòng 2 - 3 ngày. Thậm chí nhân viên các siêu thị bị xét nghiệm mãi cũng ám ảnh luôn, nên siêu thị cũng tăng cường đội ngũ nội bộ.
Bên cạnh đó, khi siêu thị tạm ngừng hoạt động thì các đơn hàng online sẽ chuyển qua siêu thị gần nhất để giao cho khách, nhưng cũng có nhiều đơn hàng buộc phải hủy do quá tải. Ngoài nguy cơ đóng cửa liên tục do có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 thì hệ thống này cho hay vẫn khó khăn trong hoạt động giao hàng từ siêu thị đến tận nhà cho khách hàng.
Tăng mua chung, mua theo combo
Siêu thị đóng cửa khiến mối lo giải quyết nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, bởi hệ thống này đang gánh cho hàng trăm chợ truyền thống phải đóng cửa để phòng chống dịch trên địa bàn TP trước đó. Theo Sở Công thương TPHCM, việc các doanh nghiệp đang chuyển đổi sang hình thức bán hàng theo combo, mua chung nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp là một giải pháp hiệu quả trong lúc này.
Đơn cử, Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (quản lý siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart/VinMart+) mới đây đã gửi công văn đến Sở Công thương TPHCM, đề nghị giải pháp cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân TPHCM bằng hình thức mỗi xã, phường, tổ dân phố trên địa bàn TP sắp xếp một đơn vị hỗ trợ, cung cấp đầu mối cán bộ phụ trách cho người dân trên địa bàn.
Người dân có thể đặt hàng qua tổng đài, trang web hoặc các cửa hàng tiện lợi/siêu thị VinMart/VinMart+ tại địa phương mình sống, lựa chọn các mặt hàng cần mua, điền đầy đủ thông tin đơn hàng, thanh toán và chuyển đơn hàng đến cán bộ phụ trách. Cán bộ phụ trách có thể tổng hợp các đơn hàng, chuyển thông tin đến cửa hàng gần nhất để xử lý, nhận hàng, thanh toán và hỗ trợ chuyển phát đến cho khách hàng trong và ngoài khu vực cách ly.
Đại diện Vincommerce cho rằng, trong bối cảnh các kênh mua sắm trực tiếp, trực tuyến tại cửa hàng, siêu thị đã quá tải, việc vận chuyển hàng hóa liên quận khó khăn, giải pháp mua chung với sự hỗ trợ của chính quyền, giúp người dân có thể mua hàng hóa thiết yếu dễ dàng và nhanh hơn. Hiện tại, chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart/VinMart+ có 442 điểm bán hàng trên toàn TPHCM.
Tương tự, chuỗi cửa hàng GS 25 mới quyết định bán thực phẩm tươi sống từ ngày 2-8 vừa qua cũng đưa ra 5 combo hàng hóa từ tươi sống, thịt các loại, rau củ quả đến gạo với giá từ 100.000 - 400.000 đồng/combo, tùy mặt hàng và trọng lượng.
Giải pháp mua chung theo từng khu phố, phường, xã… từng được Sở Công thương khuyến khích các đơn vị bán lẻ thực hiện, đặc biệt tại các địa phương đang có nhiều chợ truyền thống đóng cửa. Hình thức bán hàng theo combo, mua chung sẽ giảm tình trạng người dân đổ dồn về kênh mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng cùng một thời điểm. Đơn vị bán hàng chủ động phân bổ mặt hàng, số lượng, soạn đơn hàng tốt hơn, tiết kiệm được thời gian cho người dân hơn.
Theo Sở Công thương TPHCM, tình hình cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn đã có phần ổn định hơn những ngày trước, tình trạng người dân tập trung xếp hàng mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng cũng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, một số địa phương không còn chợ, không còn siêu thị lớn vẫn bị áp lực do cửa hàng nhỏ khó dự trữ hàng hóa số lượng lớn.
Để khắc phục tình trạng thiếu hàng cục bộ, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng cần có sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình, thông tin kịp thời đến Sở để có giải pháp hỗ trợ và điều chỉnh, bổ sung cho nguồn hàng nơi đang thiếu.
Đặc biệt, việc tổ chức kẻ ô bán hàng tại các khu đất trống vẫn được Sở khuyến khích thực hiện.
Hiện Sở Công thương TPHCM đang làm việc với các quận huyện, TP.Thủ Đức để mở lại các điểm bán lương thực, thực phẩm tại các chợ truyền thống, tăng bán hàng lưu động, bổ sung các điểm bán thực phẩm thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi và cập nhật hoạt động bán hàng online… để người dân tiếp cận mua sắm thực phẩm thiết yếu dễ dàng hơn.