“Tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021” là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian sắp tới được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/2.
Hàng loạt nội dung quan trọng đã được Chính phủ quyết nghị, như đồng ý sớm đưa vaccine ngừa COVID-19 đến người dân trong quý I này; nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2 cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số; thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư…
Cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2021
Những chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng được đưa ra khi ngay tại phiên họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã báo cáo Chính phủ những cập nhật mới nhất về kịch bản tăng trưởng năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 có nhiều dấu hiệu khởi sắc với nhiều điểm sáng. Kinh tế trong nước tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi, trọng tâm ưu tiên vẫn hướng vào tiếp tục duy trì các hoạt động tạo cơ sở cho khôi phục kinh tế và cải thiện đà tăng trưởng năm 2021.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 từ cuối tháng 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, ước tính GDP quý I/2021 có thể chỉ tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, ngay cả trong trường hợp dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý I.
Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).
Thực tế, ảnh hưởng của dịch bệnh là có thể nhìn thấy được ngay, thậm chí với từng doanh nghiệp, từng địa phương. Theo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), là đơn vị có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại tỉnh Quảng Ninh, TKV chịu tác động lớn của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này.
Việc tiêu thụ nông sản tại các khu vực có dịch của Hải Dương và Quảng Ninh cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong khi tác động của dịch tới hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Cộng Hòa của tỉnh Hải Dương là rõ ràng.
7 yếu tố tác động tới kinh tế vĩ mô
Năm 2021, Chính phủ xác định xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Bên cạnh “cỗ xe tam mã” và những giải pháp củng cố nền tảng vĩ mô và tiềm lực của nền kinh tế, Chính phủ hết sức chú ý tới các giải pháp, nhiệm vụ hướng tới mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tạo sức bật, sự bứt phá cho nền kinh tế trong tương lai xa hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dù có tác động của đại dịch, dự báo tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như tiếp tục thực hiện cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư. Các hiệp định tự do thương mại đang bắt đầu được phát huy tích cực.
Tuy vậy, tình hình kinh tế vĩ mô trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của 07 yếu tố. Cụ thể, kinh tế thế giới còn rất bất định, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn đang hiện hữu; các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam.
Dịch COVID-19 kèm theo là gia tăng chi phí logistics đối với hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.
Việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn trong khi thiếu điều phối có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế trong nước.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước.
Khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư - kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước.
Cuối cùng, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… không chỉ ở thị trường Mỹ.
Bên cạnh những thách thức, cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng, nhất là những kết quả cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Kết quả chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index - BCI) mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy các doanh nghiệp châu Âu kết thúc năm 2020 với góc nhìn lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, ghi nhận ở mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19.
Một diễn biến đáng chú ý khác, với những giải trình minh bạch và hợp tác về các hành vi, chính sách và hành động của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), trong báo cáo mới nhất, đã không đề cập hay đề xuất Chính phủ Mỹ áp thuế, sử dụng biện pháp trừng phạt với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng lòng, nhất quán
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế thế giới và khu vực, tình hình kinh tế - xã hội trong nước tháng 01/2021, trong các tháng tiếp theo, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp chủ yếu đã đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với 08 trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ chi tiết giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần chủ động, sáng tạo, kịp thời, linh hoạt, đồng thời bám sát, nắm vững tình hình, tận dụng thời cơ để lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên, cần thiết thực hiện trước, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình, vì mục tiêu cao nhất là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đề ra.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, chúng ta phải chạy đua với thời gian để bà con nhân dân cả nước ngoài vùng dịch, và kể cả trong vùng dịch, sớm yên tâm sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị đón Tết, Tết cũng là dịp để nhiều người có thêm những thu nhập bù lại khó khăn trong cả năm qua trong điều kiện bình thường mới. Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu, mạnh dạn thử nghiệm các mô hình phong tỏa, cách ly mới trên tinh thần “gọn, nhỏ, an toàn”, phong toả cố gắng ở quy mô nhỏ nhất có thể để hạn chế tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu rõ quan điểm của Thành phố về việc thực hiện phong tỏa không làm tràn lan mà cần dựa trên cơ sở khoa học và phân tích: “Phong tỏa diện rộng thì an toàn cho chúng ta nhưng người dân rất khổ. Phong tỏa rộng mà ở trong lỏng lẻo thì còn nguy hiểm hơn. Phải khoanh vùng phong tỏa chính xác, an toàn”. Tại Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định tỉnh không những quyết tâm không để dịch bệnh lây lan mà còn đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và các hoạt động khác.
Chủ tịch Tập đoàn TKV Lê Minh Chuẩn yêu cầu các đơn vị cần đảm bảo thực hiện mục tiêu "Chống dịch nghiêm túc - sản xuất tập trung". Theo đó, chủ động, quyết liệt tập trung công tác truy vết, khoanh vùng để có biện pháp xử lý và thực hiện cách ly phù hợp. Duy trì sản xuất bình thường tại những khu vực đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh…
Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 2/2, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đều khẳng định tinh thần vẫn tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông hàng hóa, kể cả hàng hóa từ vùng dịch, trên cơ sở an toàn dịch bệnh. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tinh thần là dứt khoát không ngăn sông cấm chợ.
“Chí Linh phong tỏa nhưng hàng hóa của Chí Linh vẫn được ra vào và phải có biện pháp phòng dịch. Lái xe ra vào phải có cách ly, kiểm soát. Hàng hóa, nông sản, thực phẩm của bà con nhân dân Hải Dương được vận chuyển qua địa phận Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc tiêu thụ trong địa bàn tỉnh, chúng ta phải phòng, chống dịch chứ không cấm xe qua. Chúng ta không chủ quan khinh suất nhưng không làm quá phức tạp tình hình vì chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống tốt hiệu quả nhưng vẫn phải thúc đẩy phát triển, khôi phục sản xuất, phát triển xã hội”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.