Thay đổi chính sách USD 0% khi dự trữ ngoại hối đủ mạnh

(ĐTTCO) - Để chống “đô la hóa” nền kinh tế, NHNN đã áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD của tổ chức và cá nhân ở mức 0%/năm. Gần đây, có một số đề xuất ngược chiều. Vậy nên tiếp tục duy trì hay hay thay đổi?

Chính sách lãi suất USD 0% là để chống đô la hóa nền kinh tế.
Chính sách lãi suất USD 0% là để chống đô la hóa nền kinh tế.

Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, NHNN mới đây đã họp với các chuyên gia kinh tế để trao đổi về chính sách ngoại tệ và lãi suất tiền gửi bằng đồng USD. Và đa số các chuyên gia đều cho rằng nên duy trì chính sách lãi suất USD 0%, quan điểm của ông như thế nào?

PGS. TS NGUYỄN HỮU HUÂN: - Mục tiêu chính khi áp dụng trần lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức và cá nhân ở mức 0%/năm là để chống “đô la hóa” nền kinh tế. Bởi khi lãi suất gửi USD 0%, người dân sẽ so sánh giữ USD không lãi suất và giữ VNĐ có lãi suất, từ đó sẽ giảm động cơ nắm giữ USD. Thực tế cho thấy, Việt Nam cũng đã thành công trong việc loại bỏ tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế từ chính sách này.

Nếu chính sách thay đổi, rủi ro về việc “đô la hóa” nền kinh tế sẽ gia tăng và gây áp lực lên tỷ giá. Vì hiện tại, nhu cầu USD trong nền kinh tế vẫn khá lớn. Nếu nâng lãi suất huy động USD, người dân sẽ có nhu cầu tích trữ nhiều hơn, làm cho đồng nội tệ yếu đi, từ đó sẽ ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chưa thực thực sự cao, nên khả năng chống chọi với các áp lực hay cú sốc về tỷ giá cũng khó khăn.

- Nhưng áp dụng chính sách này cũng sẽ có những mặt trái?

- Đương nhiên khi áp dụng chính sách lãi suất gửi USD bằng 0%, mức độ tự do về tài chính tiền tệ sẽ không cao. Bởi các NH không hoạt động theo cung cầu thị trường mà theo biện pháp hành chính của nhà nước. Nghĩa là dù họ có muốn tăng lãi suất để huy động nguồn ngoại tệ theo nhu cầu cũng không thể tăng được.

d5c2c6.jpg

Đồng thời, điều này cũng sẽ gây áp lực ít nhiều trong vấn đề đối ngoại. Chẳng hạn khi Mỹ xem xét về việc Việt Nam có thao túng tiền tệ hay không, có can thiệp bằng một biện pháp nào đó đối với vấn đề về tỷ giá làm đồng nội tệ mạnh lên hay yếu đi, không tuân theo quy luật cung cầu của thị trường... Tuy nhiên các năm nay, Mỹ vẫn xác định là Việt Nam không thao túng tiền tệ. Vì vậy theo tôi hiện tại vẫn phải nên duy trì chính sách này.

- Theo ông nếu giả sử trong trường hợp muốn dỡ bỏ chính sách trần lãi suất huy động USD 0%, cần phải có những điều kiện gì để nền kinh tế không đối mặt với các tác động tiêu cực?

- Chúng ta chỉ có thể thay đổi khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam mạnh lên. Phải thấy rằng, để chống “đô la hóa” nền kinh tế, không chỉ có áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%, mà còn có các chính sách khác, chẳng hạn từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, hay quy định người dân chỉ được mua tối đa 5.000 USD khi đi du lịch, du học nước ngoài...

Còn bây giờ nếu quay trở lại như trước, tức nới lỏng chính sách, người dân có thể sở hữu bao nhiêu USD cũng được, muốn mua USD lúc nào cũng được để tích trữ hoặc gửi vào ngân hàng lấy lãi… thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam phải rất lớn mới làm được câu chuyện đó.

- Tỷ giá USD/VNĐ 7 tháng đầu năm 2024 mất giá đến 4 - 5%, cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc chính sách quản lý về ngoại tệ được xới lại. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Nhìn chung, chính sách lãi suất huy động USD ở mức 0% ở thị trường 1 nhằm hạn chế người dân sở hữu USD. Nhưng phải thừa nhận sở hữu USD vẫn có lợi hơn VNĐ, nên nhu cầu nắm giữ USD vẫn có. Lý do chính là do lãi suất VNĐ đang quá thấp chứ không phải do lãi suất huy động USD bằng 0%. Đơn cử, những tổ chức nước ngoài nếu nắm giữ VNĐ vừa bị mất giá, vừa chịu phần bù rủi ro tỷ giá, cộng với lãi suất tiền gửi VNĐ quá thấp, rõ ràng là không hấp dẫn.

Hiện lãi suất USD của Mỹ là 4 - 5%/năm, lãi suất VNĐ khoảng 5-6%/năm. Hai mức lãi suất tương đương nhau, trong khi VNĐ mất giá 5%. Chính sách lãi suất thấp của Việt Nam hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong một khoảng thời gian dài gây ra tác dụng phụ, đó là xu hướng bán tháo của khối ngoại, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán. Khối ngoại bán tháo liên tục là do sự chênh lệch lãi suất như vậy giữa VNĐ và USD, chứ không phải là giữa USD trong nước và USD ở nước ngoài.

Về điều hành tỷ giá, NHNN cũng muốn ổn định tỷ giá đúng mục tiêu đề ra nên đã phải can thiệp, bán dự trữ ngoại hối khoảng hơn 6 tỷ USD trong các tháng qua. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của Việt Nam không có nhiều. Theo nguyên tắc, quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia phải liên tục duy trì ở mức khoảng 10 tuần nhập khẩu, tương đương hơn 80-90 tỷ USD.

Hiện nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng trong khoảng đó, tức là nằm ở ngưỡng vừa đủ an toàn. Nếu bán quá nhiều sẽ rớt xuống ngưỡng nguy hiểm. Ở ngưỡng nguy hiểm có thể bị tấn công tiền tệ, nên NHNN cũng rất hạn chế việc bán dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá.

Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 vẫn còn đó. Khi đó các quốc gia Đông Nam Á đã bán dự trữ ngoại hối quá nhiều và đến lúc cạn kiệt dự trữ ngoại hối, họ tuyên bố thả nổi tỷ giá và đồng Bath Thái đã mất 40% giá trị chỉ trong vòng 3 tháng. Vì vậy NHNN đã can thiệp nhưng cũng có sự cẩn thận, không thể can thiệp vô tội vạ để sẽ bị tấn công tiền tệ.

Còn nếu nói giải pháp nào hóa giải bớt áp lực tỷ giá, thì đó là nên tăng lãi suất VNĐ trong năm nay. Khi lãi suất VNĐ thấp, người dân sẽ tìm những kênh khác, đặc biệt là vàng. Vàng tăng lại gây áp lực lên tỷ giá vì nhập lậu vàng tăng, nhập lậu vàng thì phải mua USD.

Hệ thống NH trong thời gian qua cũng đang bắt đầu tăng lãi suất, dù lãi suất điều hành không tăng. Đó cũng là điều hợp lý để hạn chế được tình trạng bán tháo của khối ngoại trong thời gian tới. Diễn biến tăng từ từ là phù hợp, nếu tăng sốc như giai đoạn 2022, nền kinh tế sẽ tê liệt.

Việc tăng lãi suất VNĐ sẽ là điều tất yếu để ổn định tỷ giá và ổn định lạm phát trong thời gian tới. Khi tăng lãi suất VNĐ, người dân sẽ có xu hướng giữ VNĐ, từ đó duy trì được việc mà chống “đô la hóa” bằng những chính sách trước đây.

-Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Khi nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, NHNN hoàn toàn có thể can thiệp được thị trường tiền tệ và tỷ giá, lúc đó có thể cho phép người dân gửi tiết kiệm USD với lãi suất trên 0%.

Các tin khác