Hiện nay các đại gia công nghệ và tập đoàn kinh tế lớn thế giới đang chạy đua triển khai thế hệ di động mới 5G và công bố mạng 5G thương mại đầu tiên sẽ được triển khai vào cuối năm nay, khởi đầu từ các thị trường lớn như Bắc Mỹ, Bắc Á, châu Âu.
Vậy công nghệ 5G có đặc điểm khác biệt nào?
Vậy công nghệ 5G có đặc điểm khác biệt nào?
Trước nhất, trong sản xuất-tiêu dùng các thiết bị thông minh, thiết bị kết nối internet vạn vật (IoT) sẽ bùng nổ, mang lại nhiều tiện ích mới. Theo dự báo của các hãng nghiên cứu, thị trường IoT toàn cầu đến năm 2020 sẽ có hơn 20 tỷ thiết bị ra đời với doanh số khoảng 3.000 tỷ USD.
Trong đó, thị trường các thiết bị gia dụng (như máy giặt, điều hòa, tivi, tủ lạnh, đèn chiếu sáng…) sẽ chiếm 50%. Các hãng công nghệ không còn tập trung phát triển các thiết bị độc lập nữa, mà chuyển sang xu hướng kết nối các thiết bị với nhau qua internet để tạo thành các hệ sinh thái IoT. Nói cách khác, người ở một chỗ vẫn biết mọi thứ, điều khiển được mọi vật với sự bấm nút để kiểm tra, quản lý, điều hành…
Ông Jim Cathey, Chủ tịch Qualcomm Technologies khẳng định: 5G là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp công nghệ không dây đạt được các bước tiến kỹ thuật quan trọng như tốc độ cao; đáp ứng được nhu cầu kết nối số lượng lớn các thiết bị trong nhiều ngành kinh tế-xã hội; tự động hóa, số hóa các ngành sản xuất, thương mại, khám chữa bệnh…
Hãng Ericsson đưa ra phân tích: Mạng di động là yếu tố cần thiết để thực hiện hóa công nghệ sản xuất thông minh. Với kết nối di động, hầu hết thiết bị tại nhà máy được nối mạng và quản lý từ xa, giảm nhân lực và chi phí vận hành; khả năng tính toán, phân tích dữ liệu nhanh chóng tạo nhiều cơ hội mới để phát triển ngành trí tuệ nhân tạo (AI)…
Đặt trong bối cảnh đó, việc đổi mới, xây dựng hệ thống quản trị công ty của Việt Nam đã đạt tới đâu? Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng nước ta đã thực hiện quản trị công ty theo thông lệ quốc tế, nhưng mới là bước khởi đầu, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa bắt kịp các nước khu vực và thế giới để gia tăng năng lực cạnh tranh, chưa đủ nhanh nhạy trong phản ứng với môi trường kinh doanh đầy biến động hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện kinh tế và Thương mại quốc tế, cho biết Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thấp trong các kỳ đánh giá “Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN”, liên tục đứng hạng cuối cùng trong nhiều năm. Để “giải” vấn nạn này, cần nhanh chóng xây dựng, ban hành hệ thống quản trị và các bộ quy tắc cụ thể, đề ra lộ trình thực thi, doanh nghiệp cần được hỗ trợ bởi các cơ quan quản lý, ngành chức năng, các tổ chức trung gian tài chính, tư vấn quản trị… nếu không muốn mãi tụt hậu, lẹt đẹt phía sau!
Một điểm yếu của ta là chính ta hại ta. Nhận xét về lộ trình cải cách pháp luật, tạo sự thông thoáng và hội nhập trong đầu tư-kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét: Trung bình mỗi năm các cơ quan nhà nước trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và phân nửa có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong mỗi văn bản có hàng chục quy định tác động đến doanh nghiệp.
Tình trạng tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã trở thành vấn nạn gây cản trở cho sự phát triển của nhiều ngành và nền kinh tế nói chung. Chính phủ đã nhìn ra và ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP 2018 yêu cầu các bộ phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều bộ ngành chưa hành động quyết liệt, thậm chí trễ nải, không thay đổi theo hướng tích cực.
Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến: Phong trào cải cách phát triển rầm rộ, được lãnh đạo cấp cao chỉ đạo kiên quyết nhiều năm nay nhưng sự chuyển động ở cấp thừa hành vẫn còn hạn chế. Những thay đổi đôi khi còn tạo xung đột, mâu thuẫn mới, còn những điều doanh nghiệp mong muốn đôi khi cởi chỗ này lại đóng chặt chỗ khác, vẫn gây ra rào cản bất hợp lý.
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh chung toàn cầu hiện nay, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; không nhầm lẫn vai trò quản lý nhà nước với việc kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hành vi kinh doanh, chất lượng sản phẩm, quan hệ với khách hàng… là việc của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ xử lý khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc khách hàng khiếu kiện.
Vấn đề cấp bách đặt ra là tăng cường đào tạo, đổi chất người làm chính sách - cũng là một cách đầu tư cho phát triển. Vì sao với tốc độ áp dụng công nghệ hiện đại vũ bão như hiện nay, các nước vẫn quản lý xã hội một cách căn cơ, bài bản, doanh nghiệp muốn làm sai, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng… vẫn khó thực hiện, còn ta thì chặn trên, chặn dưới với vô số các điều kiện áp đặt, ràng buộc nhưng vẫn xảy ra nhiều sự cố gây phương hại đến người dân?
Chấp nhận thay đổi hay bị thải loại - định đề này chưa bao giờ hiện thực như hiện nay. Công ty Tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft đưa ra dự báo: Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của tự động hóa và vai trò của robot trong sản xuất sẽ làm tăng nguy cơ mất việc làm của người lao động, nhất là các nước Nam Á - công xưởng của thế giới.
Công nghệ có thể tạo ra những thay đổi đáng kể, phá vỡ các phương thức sản xuất và kinh doanh truyền thống. Vì vậy doanh nghiệp và các chính phủ cần khẩn trương tìm giải pháp giảm thiểu các hậu quả xấu không mong muốn ập đến, tìm cách thích nghi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu thay đổi.