Thay đổi nhìn nhận lao động nhập cư sau dịch

(ĐTTCO) - Dù dịch vẫn còn ở đỉnh, nhưng chúng ta phải tính đến sau khi dịch lui sẽ có bao nhiêu % lực lượng lao động nhập cư quay trở lại TPHCM? Đó là câu hỏi rất thực tế các doanh nghiệp (DN) và nhà kinh doanh đặt ra lúc này và cần lời giải. DN có hàng trăm, hàng ngàn công nhân sẽ phá sản; chủ nhà trọ, cửa hàng dịch vụ xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) sẽ khốn khó nếu họ không quay lại? 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Họ sẽ quay lại?
Đã có bao nhiêu người rời TPHCM để về các tỉnh miền Trung và ĐBSCL, cho đến nay chưa có con số thống kê chính xác. TPHCM có 24 KCN-KCX và 2 KCN cao, khu phần mềm có khoảng 400.000 công nhân, còn người lao động ở các cơ sở sản xuất khác, các công ty, các hoạt động dịch vụ và lao động tự do có thể trên 1,2-1,5 triệu người (trong thời gian bình thường TPHCM có 13,5 triệu người, trong đó 8,7 triệu là cư dân cư trú có hộ khẩu, số còn lại là lao động không đăng  ký, khách du lịch, khách vãng lai…). Nếu 50% trong số đó dời TP trong thời gian qua, con số thấp nhất có thể 700.000 người.  
Nhưng bao nhiêu % người lao động sẽ quay lại, chắc chắn phải hơn 70%. Trong lịch sử phát triển, xã hội nào cũng phải trải qua các trạng thái bất thường như thiên tai, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh. Không phải là người nhập cư mà cả người chính cư cũng dịch chuyển đi nơi khác khi những rủi ro đó xảy ra. Sau khi mọi chuyện trở lại bình thường, đa phần trong số họ lại quay về nơi họ đã mưu sinh trước đó.
Thay đổi nhìn nhận lao động nhập cư sau dịch ảnh 1
Các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929-1933, Đại chiến thế giới lần thứ 2 đã cho thấy điều đó. Người dân bị thiệt hại nặng nề do động đất, sóng thần ở tỉnh Miyagi, Nhật Bản năm 2011, ở Sumatra, Indonesia năm 2004, nhưng rồi họ vẫn quay lại mảnh đất được coi là không yên lành đó để tiếp tục sinh sống.
Vì thế, sau dịch sẽ rất nhiều người quay trở lại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, bởi cơ hội sống của họ ở nơi xuất cư như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định không có nhiều. Cơ hội sống bao gồm học hành, tìm kiếm việc làm, hôn nhân, thăng tiến và cả đón nhận sự may mắn ở làng quê trong bối cảnh hiện nay khá thấp, dù so với 15-20 năm trước đây mọi chuyện đã khá hơn.
Ở các làng quê miền Trung diện tích đất canh tác tính trên đầu người rất thấp, thời tiết khắc nghiệt không thuận thảo cho làm nông nên lao động nông nghiệp dôi dư rất nhiều. Thời gian gần đây các tỉnh đã xuất hiện nhiều KCN nhưng quy mô còn nhỏ nên hấp thụ lượng nhân lực địa phương còn ít, do vậy chuyện sau đại dịch, thanh niên lại bỏ làng, bỏ xứ đi mưu sinh sẽ diễn ra. 
Trong khi đó, TPHCM vẫn là mảnh đất dễ kiếm sống nhất trong cả nước, người dân nơi đây cởi mở, nhân hậu, thời tiết không quá cực đoan. Chỉ cần chăm chỉ, sống thiện tâm việc mưu sinh không thiếu, chỉ có điều họ quay lại với nhận thức mới, tâm thế mới và cảnh giác cao hơn. Họ nhận thức được rằng TPHCM không phải chỉ là đất lành còn có cả rủi ro rình rập.
Sau lần này, kinh nghiệm sống mang lại cho họ những bài học đắt giá để tồn tại trong rủi ro, thích nghi với hoàn cảnh thay đổi không lường trước được. Họ sẽ biết cách tích lũy và chi tiêu hợp lý hơn. Họ hiểu được trong hoạn nạn, ai có mạng lưới xã hội rộng người ấy sẽ thoát được nghịch cảnh, do vậy họ sẽ tham gia mạng lưới đồng hương. Bởi ngoài chính quyền, hội đồng hương là người chìa bàn tay ra cho họ nắm lấy sớm nhất, người cùng quê, cùng cảnh ngộ dễ thông cảm hơn.

Chính quyền và DN cần thay đổi
Dịch Covid giống như trận cuồng phong quét qua vùng dân cư, nhìn vào những gì còn lại người ta mới thấy hết được đời sống thực của người dân, ngày thường được che chắn bởi những vỏ bọc bên ngoài. Những nhà lãnh đạo các cấp, người quản lý xã hội trước đó có cảm nhận về nó nhưng rất mơ hồ. Lao động nhập cư ở bất cứ lĩnh vực nào như công nhân các KCN, các dịch vụ và lao động tự do đa số rất nghèo. Họ không có tích lũy, nếu có không đáng kể.
Công nhân ở KCN nếu không đau ốm, đám cưới, đám ma, tằn tiện lắm mỗi tháng chỉ dư 500.000-1 triệu đồng. Khi mất việc, số tiền tích lũy ấy không đủ cầm cự quá 3 tháng. Trận dịch Covid-19 này cho thấy rất rõ điều đó. Mức lương trung bình của họ chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/tháng, đủ chi tằn tiện cho thuê nhà, tiền ăn, xăng xe, điện thoại. Gia đình nào có con nhỏ phải thuê người trông, hay sức khỏe có vấn đề coi như vay nợ quanh năm. 
Trên phương diện các TP lớn nơi tiếp nhận nhiều lao động như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, cần nghiêm túc nhìn nhận lại thái độ và các chính sách của mình với lao động nhập cư căn cơ hơn từ thu nhập, nhà ở đến các chính sách an sinh, làm sao để cho người lao động an tâm gắn bó cống hiến cho TP. Các DN cũng cần chung tay với TP lo nhà lưu trú, nhà trẻ cho công nhân.
Hơn 90% công nhân vẫn phải thuê nhà trọ với chất lượng sống rất thấp, nếu được ở nhà lưu trú của DN họ không phải mất tiền thuê nhà chiếm gần 25% thu nhập hàng tháng. Cùng với đó, việc đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, bảo hiểm ngang bằng với người dân có hộ khẩu thường trú giúp họ có thể tích lũy được 15-20% từ thu nhập hàng tháng. Có tích lũy tốt họ mới có khả năng chống chịu được dài ngày những rủi ro ra xảy ra như Covid-19, hoặc những biến động kinh tế có thể xảy ra trong tương lai. 
Để họ an tâm ở lại lâu dài, Chính phủ và chính quyền các địa phương cũng cần xem lại chương trình phát triển ở các cấp độ, với nhận thức rõ ràng hơn: Muốn phát triển đô thị bền vững phải phát triển nông thôn bền vững.  Do vậy Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn về tài chính, nhân lực, chính sách vào nông nghiệp - nông thôn để tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập; phát triển các thôn, bản, làng, xã thành những miền quê trù phú, đáng sống; phát triển các KCN ở các tỉnh, các cụm công nghiệp nhỏ và dịch vụ ở các huyện, xã để một bộ phận thanh niên “ly nông bất ly hương”.
Hy vọng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mức đầu tư khoảng 2,45 triệu tỷ đồng, là khởi đầu cho giai đoạn mới, với nhận thức nông nghiệp thịnh vượng là “kế sâu rễ bền gốc” của quốc gia như cha ông ta từng nhắc nhở. 
 Sau dịch sẽ rất nhiều người quay trở lại TPHCM, bởi cơ hội sống của họ ở nơi xuất cư không có nhiều. Vì thế, đây là lúc TP cần nghiêm túc nhìn nhận lại thái độ và các chính sách của mình với lao động nhập cư căn cơ hơn. 

Các tin khác