Thị trường tài chính tiền tệ 2023 không thể chủ quan với lạm phát

(ĐTTCO)- Năm 2022, kinh tế phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt.
Thị trường tài chính tiền tệ 2023 không thể chủ quan với lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,59%. Công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đề ra (dưới 4%).Tuy nhiên sang năm 2023, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức với tăng trưởng kinh tế, trong đó đáng chú ý là nguy cơ lạm phát tăng cao và sự gia tăng giá của các loại tài sản.

Lạm phát là một trong những câu chuyện chính và chi phối nhất với kinh tế thế giới năm 2022. Năm 2023, lạm phát vẫn đang tiếp tục diễn ra với những điều tiết chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn được cho sẽ chưa dừng lại, tới chừng nào đáp ứng được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Biến động lãi suất theo đó được đánh giá là một trong những yếu tố vẫn góp phần lớn tác động vào tổng thể bức tranh kinh tế 2023.

Cùng với đó, là câu hỏi về diễn biến trên thị trường năng lượng, cùng những kỳ vọng vào động lực từ khu vực châu Á, với Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Mục tiêu của Fed là hạ nhiệt lạm phát hiện vẫn quanh mốc cao nhất 40 năm. Thông báo sau phiên họp chính sách hôm qua, Fed nhận định lạm phát "đã hạ nhiệt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao".

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Hồ Quốc Tuần cho rằng: “Sang năm 2023 chúng ta có một bức tranh đã khác đi, lãi suất tăng nhưng đã chậm lại, và sẽ đạt đỉnh trong năm nay. Điều đó làm người ta hi vọng rằng lãi suất toàn cầu sẽ còn tăng nữa nhưng tăng ổn định hơn năm 2022, và các nước đã có sự chuẩn bị cho vấn đề này”.

Kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn tới với kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 200% so với GDP, dẫn tới việc nhập khẩu lạm phát. Điều này khiến lạm phát trong nước không kiểm soát được. Mà khi đó, các mục tiêu vĩ mô cũng không thể kiểm soát được.

Bài toán khó nhất đối với Ngân hàng Nhà nước là tìm điểm cân bằng hài hoà giữa điều hành lãi suất và tỷ giá. Bởi lẽ, nếu hy sinh tỷ giá thì giữ được lãi suất và giữ được dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh đó, năm 2022 Việt Nam đặt chính sách tiền tệ vào trong bối cảnh kinh tế vĩ mô thì Ngân hàng Nhà nước phải đối mặt với nhiều khó khăn Một loạt bài toán khó đặt ra như làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống trong khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.

Hiện tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP đã lên tới 124%, mức cao nhất đối với các nước có thu nhập trung bình thấp. Làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng Đô la tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Hoa kỳ...Ổn định được an toàn hệ thống khi thanh khoản hệ thống và niềm tin của thị trường chịu tác động mạnh bởi sự cố SCB chưa từng có tiền lệ.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước phân tích: “Dấu hiệu lạm phát gia tăng rất đáng quan ngại, NHNN quan sát rất kỹ lạm phát cơ bản, lạm phát lõi, qua đấy thấy được áp lực của lạm phát, đặc biệt là lạm phát vòng 2 khi mà giá của các mặt hàng sẽ tác động đến CPI trong thời gian tới là rất dữ dội, đây là điều mà ngân hàng Nhà nước luôn kiên định để điều hành chính sách, hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô”.

Bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi tác động lên lạm phát như giá cả Thế giới biến động khó lường, logistic tiếp tục gặp khó khăn, các nước trên Thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, gây sức ép lạm phát trong nước.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng không thể chủ quan: “Khi nước ta nhập khẩu nhiều hơn khi lạm phát Thế giới tăng thì sản xuất cũng tăng lên, việc sản xuất quay trở lại bình thường làm hoạt động kinh tế tăng lên, làm thu nhập người dân lớn hơn, từ đó dẫn đến nhu cầu cũng tăng theo vì thế cho nên thời gian tới lạm phát có áp lực lớn là sẽ tang”.

Bước sang năm 2023, NHNN cho biết, mục tiêu xuyên suốt là điều hành chính sách tiền tệ là giữ được sự ổn định của dòng tiền, kiểm soát lạm phát. Từ mục tiêu đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đạt được mục tiêu của nội bộ ngành là duy trì sự hoạt động lành mạnh, ổn định của ngành ngân hàng. Cuộc khủng hoảng tài chính lần này được đánh giá là rất khác hồi năm 2008. Ở thời điểm 2008, ngành ngân hàng chất lượng, quản trị thực sự có vấn đề và nợ xấu dâng cao. Các ngân hàng phải trải qua cuộc vật lộn tái cơ cấu hơn 10 năm vẫn chưa xong. Nhưng đến nay, ngành ngân hàng có sức khoẻ tốt hơn, bảng cân đối tốt.

NHNN cũng cho biết, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ hành động theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trong đó bất biến là kiểm soát lạm phát, còn cách thức điều hành thì rất linh hoạt.

Các tin khác