Thổ Nhĩ Kỳ - Sau khủng hoảng động đất là khủng hoảng khôi phục

(ĐTTCO) - Sau trận động đất thảm họa khiến gần 50.000 người thiệt mạng và hàng chục tỷ USD nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, nền kinh tế vốn đã căng thẳng từ trước của Thổ Nhĩ Kỳ lại càng thêm khó khăn.
Thổ Nhĩ Kỳ - Sau khủng hoảng động đất là khủng hoảng khôi phục

Suy yếu từ trước động đất

Trước khi động đất xảy ra, các nhà đầu tư đã thất vọng với Thổ Nhĩ Kỳ khi chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ chống lại các chính sách kinh tế được các nền kinh tế lớn áp dụng. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất gần 30% giá trị so với đồng USD trong năm 2022 do lạm phát tăng vọt, gây tổn hại đến sức mua của người dân và làm giảm uy tín của ông Erdogan. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ tính đến tháng 1-2023 vẫn ở mức 58%, sau khi đã giảm mạnh từ mức 84% trong tháng 11-2022. Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy hầu hết nhà kinh tế tin rằng lạm phát sẽ vẫn cao tới 43,2% vào cuối năm 2023, gấp đôi mức dự đoán của Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đối mặt với khoản nợ nước ngoài cần phải trả trị giá gần 185 tỷ USD. Khoản nợ này ngày càng khó trả hơn do dự trữ ngoại tệ sụt giảm, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng. Các nhà đầu tư quốc tế đã gia tăng thoái vốn khỏi nước này kể từ năm 2018, do lo lắng về gánh nặng nợ nần chồng chất tại các công ty Thổ Nhĩ Kỳ. Đổ thêm dầu vào lửa là việc ông Erdogan khăng khăng hạ lãi suất, thay vì tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Dù việc này đã giúp ổn định tình trạng rơi tự do của đồng lira, nhưng nó cũng khiến hơn 2/3 số hộ gia đình đang phải vật lộn để trả tiền mua thực phẩm và tiền thuê nhà. Ông Erdogan đã cố gắng bù đắp thiệt hại bằng cách tăng lương cho nhân viên khu vực công, tăng lương tối thiểu 2 lần vào năm ngoái và tăng thanh toán lương hưu cố định, nhưng những biện pháp đó phần lớn đã bị lạm phát nuốt chửng.

Cú bồi từ động đất

Theo ước tính của Ngân hàng JPMorgan, thảm họa động đất đã phá hủy số cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 25 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn hãng tin kinh tế Bloomberg dẫn báo cáo mới công bố của Liên đoàn Doanh nghiệp và Kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ (Turkonfed), cho biết trận động đất vừa qua ước tính khiến nước này thiệt hại tới 85 tỷ USD, tương đương 10% GDP. Trong đó, ước tính 70,8 tỷ USD là thiệt hại đối với các tòa nhà dân sự, 10,4 tỷ USD là thiệt hại đối với nguồn thu quốc gia và 2,9 tỷ USD là những mất mát của người dân. Khoảng 70.000 tòa nhà và 264.000 căn hộ đã bị phá hủy, số người thiệt mạng dự kiến tăng lên do còn nhiều người mất tích.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ có mức nợ thấp hơn nhiều so với hầu hết quốc gia nhưng dự trữ ngoại hối đã cạn kiệt nhiều năm. Trận động đất xảy ra khi các chính sách của chính phủ ưu tiên sản xuất, xuất khẩu và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, bất chấp lạm phát ở mức hơn 57% tính đến tháng 1. Thiệt hại do động đất dự kiến cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ở khu vực bị ảnh hưởng, vốn chiếm 9,3% tổng GDP của Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng chứng cho thấy mức độ gián đoạn sản xuất là việc sử dụng điện ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 11%, theo dữ liệu của Sàn giao dịch năng lượng Istanbul (EPIAS).

Sự gián đoạn đó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Các nhà kinh tế tính toán tăng trưởng GDP có thể giảm 0,6-2% theo kịch bản sản xuất trong khu vực giảm 50%, và sẽ mất 6-12 tháng để phục hồi. Ngoài ra, một quan chức cấp cao cho biết tăng trưởng có thể thấp hơn 1 hoặc 2% so với mục tiêu 5%. “Một số nguồn lực đầu tư dự kiến trong ngân sách sẽ cần được sử dụng cho những lĩnh vực này” - quan chức này nói. Khu vực Đông Nam bị động đất tàn phá chiếm 8,5% kim ngạch xuất khẩu và 6,7% kim ngạch nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Wolfango Piccoli, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Teneo Intelligence, cho biết trận động đất khó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế như trận có cường độ tương tự vào năm 1999 đã tấn công trung tâm công nghiệp phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. "Trận động đất tấn công một trong những khu vực nghèo nhất và kém phát triển nhất của đất nước. Chúng không ảnh hưởng đến các khu vực xa hơn về phía Tây được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng, những nơi đã trở thành một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ" - ông viết trong một ghi chú.

Cần 100 tỷ USD để tái thiết

Eyüp Muhçu, người đứng đầu Phòng kiến trúc tại Liên hiệp các phòng kỹ sư và kiến trúc Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết một nửa trong số 3,4 triệu tòa nhà ở khu vực bị ảnh hưởng ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ có thể cần phải bị phá hủy để xây dựng lại. “Để xây dựng lại những ngôi nhà này, phải xây dựng cơ sở hạ tầng và các cơ sở công cộng, với chi phí tái thiết ước tính sơ bộ 100 tỷ USD” - ông Eyüp Muhçu nói. Lütfü Savaş, Thị trưởng thành phố Antakya, nơi bị trận động đất ngày 6-2 tàn phá nặng nề, cũng đề xuất con số xây dựng lại lên tới 100 tỷ USD.

Một trong những khía cạnh khó khăn nhất của quá trình tái thiết là xây dựng lại các trung tâm lịch sử như Antakya, thủ phủ của tỉnh Hatay và thành phố Antioch. Antakya là nơi có một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Cơ đốc giáo. Dù nhà thờ này không bị hư hại do động đất, nhưng một giáo đường Do Thái đã bị hư hại và một nhà thờ Hồi giáo thế kỷ 13 đã bị phá hủy. Thị trưởng Savaş cho biết việc xây dựng lại có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với cư dân thành phố, mà còn đối với thế giới. Ông nói: “Antakya nằm ở giao lộ của Anatolia, Kavkaz, Trung Đông và Bắc Phi. Nông nghiệp bắt đầu ở đây, Thế vận hội đầu tiên được tổ chức ở đây, con đường đầu tiên được chiếu sáng ở đây”.

Tổng thống Erdoğan đã cam kết “hoàn thành việc xây dựng và phục hồi trong vòng 1 năm”. Nhưng ông phải đối mặt với cuộc bầu cử lại vào tháng 5, một cuộc bỏ phiếu mà các nhà phân tích cho rằng có thể khó khăn nhất trong 2 thập niên cầm quyền của ông. Các chuyên gia gọi lời hứa tái thiết trong vòng 1 năm của ông Erdogan là “huyền ảo”. Tái thiết là quá trình kéo dài nhiều năm, nên cam kết của ông Erdoğan là “hoàn toàn phi thực tế”.

Thảm họa của động đất đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng do sự yếu kém trước đó trong chính sách của nước này.

Các tin khác