Thời cơ vàng xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến

(ĐTTCO) - Kim ngạch xuất khẩu của các nhóm ngành nông sản, thực phẩm đạt mức tăng trưởng trên 20% trong 10 tháng đầu năm 2022. Trước nhu cầu tăng dịp cuối năm của các quốc gia về nông sản, thực phẩm, nhiều doanh nghiệp của ngành tăng tốc mở rộng đầu tư để nắm bắt “thời cơ vàng”.

4 năm… “bùng nổ”

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã có sự tăng trưởng bùng nổ trong vòng 4 năm qua. Đặc biệt, nếu xét riêng lẻ từng quốc gia và mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì sự tăng trưởng này rất rõ nét. 

Xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến: Nắm bắt thời cơ vàng ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cụ thể, ước tính đến cuối tháng 11-2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD, sớm hơn dự kiến. Trong đó, nhiều nhất là xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ước đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021 và tăng 13,6% so với năm 2018.

Xuất khẩu vào từng nước trong khối cũng tăng trưởng hai con số so với năm 2021, như Nhật Bản tăng 33%, Canada tăng 67%, Australia tăng 53%, Malaysia tăng 34%, Mexico tăng 59% và đặc biệt đã mở cửa được thị trường Peru với giá trị gần 12 triệu USD, tăng 100%.

Nhật Bản là thị trường truyền thống của Việt Nam với giá trị 1,3-1,4 tỷ USD đã góp phần tạo nên sự sôi động cho thương mại thủy sản giữa Việt Nam và khối CPTPP. Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế của hiệp định để phát triển các dòng sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra. 

Xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến: Nắm bắt thời cơ vàng ảnh 2Dây chuyền sản xuất thủy sản của Công ty CP Kinh doanh thủy sản Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Tính chung nhóm hàng nông - lâm - thủy sản, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay ghi nhận mức tăng kỷ lục khi đạt 45 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước và đang chạy nước rút để đạt con số 55 tỷ USD đến cuối năm nay. Trong đó, có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công thương, cho biết thêm, hiện thị trường cà phê Trung Quốc được dự báo tăng trưởng trung bình 10,42%/năm trong giai đoạn 2022-2027.  

Trước cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc mở rộng đầu tư nhằm tận dụng “thời cơ vàng” để tăng thị trường xuất khẩu. Ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics  toàn quốc Tập đoàn Nestlé Vietnam thông tin,  Nestlé Việt Nam sẽ đầu tư mới thêm 130 triệu USD để tăng gấp đôi công suất nhà máy chế biến cà phê hòa tan xuất khẩu, xây dựng trung tâm sản xuất thực phẩm chuyên dùng xuất khẩu cho khu vực châu Á và châu Đại dương.

Hợp tác tạo chuỗi sản xuất

Theo bà Tô Thị Tường Lan, để có thể củng cố vững chắc và phát triển vị thế của mình trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản đã chủ động chuẩn bị và xây dựng trước một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất chế biến. Đây là những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU - vốn là thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn và quy trình nghiêm ngặt. Cụ thể, họ đã áp dụng các tiêu chuẩn cao của thế giới để quản lý hệ thống nuôi, chế biến, ứng phó kịp thời cho sự thay đổi khôn lường các tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật của các thị trường khó tính.  

Để tăng tính cạnh tranh cho nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến cần tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới, áp dụng thay đổi công nghệ chế biến, bảo quản…, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện vay vốn để duy trì sản xuất - xuất khẩu, có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá năng lượng cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Về lâu dài, phải ổn định quỹ đất theo quy hoạch cho nuôi trồng nông, thủy hải sản, phát triển những vùng nguyên liệu tiềm năng mới.

Song song đó, phát triển các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, trong đó chú trong đến việc quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu mang tính chuyên nghiệp và đặc trưng chung của quốc gia, toàn ngành… Riêng về phía doanh nghiệp sẽ chủ động liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp để thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Các tin khác