Đồng thời cho biết, các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường và Samsung Việt Nam tiếp tục là cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn.
Dự án Nhà máy Samsung Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thế nhưng việc Ấn Độ đang chào mời những tập đoàn công nghệ khổng lồ bằng các ưu đãi lớn chưa từng có là có thật. Cách đây hơn một tháng, nước này công bố gói chính sách ưu đãi sản xuất đặc biệt, trị giá tới 5,5 tỷ USD để hỗ trợ 5 công ty sản xuất điện thoại di động có vốn đầu tư lũy kế trong 4 năm (tính từ tháng 4) trên 133 triệu USD và có doanh thu tăng trưởng qua từng năm.
Khoản hỗ trợ được chi trả bằng tiền mặt, cho các dòng sản phẩm cao cấp, có giá trị trên 200USD/chiếc. Tính ra, những doanh nghiệp sản xuất hàng cao cấp như Apple hoặc Samsung có thể nhận được mức hỗ trợ cao nhất lên tới 1,1 tỷ USD trong vòng 5 năm, tức là khoảng 220 triệu USD/năm.
Thêm vào nguy cơ “mất bạn” của Việt Nam là việc Samsung vốn đã có 2 nhà máy sản xuất tại Ấn Độ. Trong đó, nhà máy ở Noida mới được đưa vào vận hành năm 2018 và là một trong những nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, với công suất 120 triệu thiết bị/năm.
Mặc dù thu hút đầu tư bằng ưu đãi tài chính là không mới và Việt Nam cũng đã từng áp dụng thành công với khoản hỗ trợ tài chính 70 triệu USD cho Intel 14 năm trước đây - mà nhiều chuyên gia gọi đùa là “bỏ con săn sắt, bắt nhiều con cá sộp”.
Sau khi Intel quyết định vào Việt Nam, đã có hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài nối gót. Nhưng lần này, với cú “chơi lớn” của Ấn Độ, có lẽ Việt Nam chắc phải tìm cách đi khác.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết cách đây một vài năm, khi Samsung mở nhà máy quy mô lớn tại Ấn Độ, đã có những e ngại về việc tập đoàn sản xuất điện thoại di động lớn nhất toàn cầu này sẽ dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà máy ở Ấn Độ của Samsung phần lớn sản xuất để phục vụ thị trường gần 1,4 tỷ dân của nước này (số liệu ngày 19-8 của Liên hiệp quốc), chỉ một tỷ lệ không lớn dành cho xuất khẩu.
Trong khi đó, ở Việt Nam, theo lãnh đạo Samsung, bên cạnh sản xuất, tập đoàn này còn tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Trung tâm R&D ở Tây Hồ Tây hiện đang trong quá trình xây dựng, dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022 và sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người hiện nay lên 3.000 người, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết để phát triển các công nghệ mới như 5G, AI, Big Data…
Vậy là nếu nắm bắt được chiến lược, chính sách của nhà đầu tư và có những bước đi khôn ngoan, Việt Nam vẫn có thể được chọn. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam vốn có nhiều ưu thế nổi trội. Việt Nam cũng đang xây dựng chiến lược mới về thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội đang được nghiên cứu đồng thời với công tác chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư. Nếu chiến lược đó sớm được hiện thực hóa, cơ hội vẫn rộng mở đối với Việt Nam.