Bà Nguyễn Thị Hồng đã chính thức được bổ nhiệm chức danh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) từ ngày 16-11.
Từ chuyện tỷ giá
Một trong những điểm nhấn của nhiệm kỳ Thống đốc Lê Minh Hưng ít nhiều gắn với sự ổn định của giá trị đồng nội tệ ở một mức tương đối, không có những hiện tượng ứ máu ngoại tệ hay giật cục tỷ giá quá mạnh và sự tăng mạnh của dự trữ ngoại hối. Đến đầu tháng 9-2020, dự trữ ngoại hối đã đạt 92 tỷ USD và có dự báo rằng dự trữ sẽ cán mốc 100 tỷ USD cuối năm nay. So với mức dự trữ ngoại hối hơn 50 tỷ USD của năm 2017, thì đây là mức tăng rất ấn tượng và tạo nhiều dư địa cho NHNN can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần.
Một trong những điểm nhấn của nhiệm kỳ Thống đốc Lê Minh Hưng ít nhiều gắn với sự ổn định của giá trị đồng nội tệ ở một mức tương đối, không có những hiện tượng ứ máu ngoại tệ hay giật cục tỷ giá quá mạnh và sự tăng mạnh của dự trữ ngoại hối. Đến đầu tháng 9-2020, dự trữ ngoại hối đã đạt 92 tỷ USD và có dự báo rằng dự trữ sẽ cán mốc 100 tỷ USD cuối năm nay. So với mức dự trữ ngoại hối hơn 50 tỷ USD của năm 2017, thì đây là mức tăng rất ấn tượng và tạo nhiều dư địa cho NHNN can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần.
Thành quả đó phần nào được đóng góp bởi dòng vốn đầu tư đổ mạnh vào Việt Nam, cán cân vãng lai và vốn đều ở trạng thái trong tầm kiểm soát cũng như gặp phần thuận lợi lớn từ dòng kiều hối dồi dào. Nói như vậy không thể phủ nhận phương thức điều hành tỷ giá những năm gần đây của NHNN phù hợp với tín hiệu thị trường, và đi theo định hướng ổn định tỷ giá kể cả khi có những biến động lớn của những đồng tiền chính so với đồng USD, ngay cả trong trường hợp các đồng tiền của đối thủ cạnh tranh mất giá mạnh so với USD.
Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ, những thử thách mới đã xuất hiện. Thứ nhất, Việt Nam bị chính quyền của ông Donald Trump mở điều tra thao túng tiền tệ.
Thứ hai, nhiều dự đoán cho rằng đồng USD sẽ mất giá mạnh trong thời gian tới, nhất là sau khi có vắcxin và các gói cứu trợ kinh tế mới ở Mỹ. Một điều tra bỏ túi của tờ Financial Times vào giữa tháng 11, cho thấy đa số các nhà phân tích ở Wall Street tin rằng đồng USD sẽ yếu đi so với các đồng tiền chính trong năm 2021 một cách đáng kể (có dự báo sụt giảm tới 20%). Gần đây việc một số nước đang phát triển chọn phát hành trái phiếu bằng đồng EUR thay vì USD (thí dụ như Trung Quốc), cho thấy một xu thế giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD đang bắt đầu.
Nhu cầu mua các tài sản tích trữ định giá bằng USD ít đi, thì nhu cầu với USD cũng giảm theo, trong khi lượng cung USD được dự đoán sẽ tiếp tục tăng với những chính sách hỗ trợ thanh khoản thị trường của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và gói kích thích kinh tế nhiều ngàn tỷ của ông Biden. Đồng USD giảm so với các đồng tiền chính, vì vậy đơn giản chỉ là phản ánh vấn đề cung cầu.
Theo đó, người ta dự kiến dòng vốn sẽ đổ vào những nước có tăng trưởng kinh tế khả quan ở châu Á và có lợi suất trái phiếu dương. Việt Nam là một trong số đó. Đây là một thử thách cho chính sách tỷ giá với Việt Nam. Nếu vốn ngoại đổ vào nhiều, liệu NHNN sẽ mua vào ngoại tệ để duy trì ổn định tỷ giá, tránh cho đồng nội tệ lên giá mạnh so với USD hay không? Nếu mua vào như vậy sẽ chạm vào một trong những chỉ tiêu cáo buộc thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ hay không (tiêu chí chính phủ can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua đồng USD hơn 2% GDP)?
Đây sẽ là một thử thách không nhỏ của tân nữ Thống đốc NHNN.
Đến nợ xấu và hỗ trợ nền kinh tế
Đến nợ xấu và hỗ trợ nền kinh tế
Bất cứ một NHTW nào trên thế giới cũng đang phải gánh vác nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế “hậu vắcxin”, và ai cũng mong muốn một cuộc “Đại khởi động” lại nền kinh tế sau dịch Covid-19. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã trong tình trạng kiệt quệ tài chính và họ cần được tiếp tục hỗ trợ về mặt lãi suất và giãn thời hạn trả nợ. Nếu ngân hàng thương mại (NHTM) muốn hỗ trợ họ, các khoản cho vay có khả năng sẽ chuyển thành nợ xấu.
Nhưng nếu cho phép NHTM “treo” việc phân loại nợ xấu quá lâu (nghĩa là trì hoãn xếp các khoản nợ không đủ tiêu chuẩn sang nợ xấu - xem bài “Thông tư 01: "Bùa hộ mệnh" cho nợ xấu” trên ĐTTC), thì lại có thể tạo ra tình trạng “khuyến khích ngược”, khiến ngân hàng không quyết liệt trích dự phòng nợ xấu, không tìm cách giải quyết rốt ráo nợ xấu mà có khi còn khiến ngân hàng tiếp tục dấn thân vào những canh bạc nguy hiểm. Nhưng nếu “rút” chính sách hỗ trợ quá nhanh, thì nền kinh tế sẽ lâm vào tình trạng vừa đói thanh khoản vừa đói tín dụng, trong khi đang gượng dậy từ dịch Covid-19.
Một người bạn tôi làm việc trong lĩnh vực ngân hàng hình dung, tình hình hiện tại của nền kinh tế và nhiều ngân hàng đang tạm cầm cự với dịch Covid-19 nhờ một loạt chính sách hỗ trợ, mà không biết tác động của cái nào là tác động chính, nghĩa là được chích nhiều loại thuốc, nay rút một loại thuốc nào ra không biết có gây sốc hay không. Nhưng nếu không bớt thuốc, “con bệnh” lại “lờn thuốc”, có những hệ quả “khuyến khích ngược” như vừa nói ở trên.
Theo NHNN, tính đến hết tháng 8-2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Trong khi đó, theo phát biểu của một số chuyên gia ngành ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3,5-4% trong năm 2021, nghĩa là tăng gấp đôi. Áp lực xử lý nợ xấu, cân bằng giữa chính sách an toàn vốn ngân hàng với hỗ trợ nền kinh tế là một lựa chọn khó khăn.
Chống “chạy chính sách” và đảm bảo cam kết “nói được, làm được”
Trong tình hình có nhiều khó khăn như vậy, sẽ xuất hiện nhu cầu “chạy chính sách” trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, để đảm bảo ổn định vĩ mô trong bối cảnh cực kỳ phức tạp của năm 2021, cũng sẽ có những áp lực chính trị yêu cầu phải cam kết về tỷ giá, lãi suất đôi khi mang tính phi thị trường, mệnh lệnh hành chính.
Những vấn đề về tỷ giá, nợ xấu, hỗ trợ kinh tế ở trên dù gì cũng có những công cụ kỹ thuật để giải quyết. Nhưng những “thương lượng chính sách” phức tạp và những sức ép vô hình như vậy là một thử thách lớn. Thống đốc NHNN không chỉ là một nhà kỹ trị, mà còn phải là một chính trị gia có khả năng thương lượng và cân bằng giữa các mục tiêu chính sách trong bối cảnh NHNN không được hoàn toàn độc lập với chính phủ như một số nước (một đặc tính có cả mặt tốt và xấu của nó).
Nếu Thống đốc không đủ bản lĩnh, buộc phải chạy theo những cam kết ổn định vĩ mô bất khả thi, phi thị trường thì rủi ro “nói được mà không làm được” rất cao. Khi đó, những tín hiệu và định hướng chính sách mà NHNN đưa ra sẽ không còn được thị trường tin tưởng, và do đó các công cụ điều tiết thị trường sẽ giảm đi tính hiệu quả. Chẳng hạn, nếu người dân không tin rằng chính sách tiền tệ của NHNN có thể kềm chế lạm phát như mục tiêu đề ra, lạm phát sẽ bắt đầu tăng ngoài tầm kiểm soát.
Xác lập độ khả tín của chính sách tiền tệ là vô cùng quan trọng. Muốn được vậy phải hóa giải một cách uyển chuyển các áp lực có tính mệnh lệnh hành chính và vì mục tiêu chính trị hơn là kinh tế. Đây là một thử thách rất khó, không chỉ với Thống đốc NHNN Việt Nam mà với mọi thống đốc hiện nay trên thế giới, vì đa số chính trị gia đều đang muốn nền kinh tế nước mình là ngôi sao hồi phục kinh tế của 2021. |