Ngày 6/8, Bộ Công thương có văn bản gửi Bộ Y tế, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến", đang bộc lộ nhiều bất cập trong thực tế, nhất là tại TPHCM và các địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ này đề nghị phương án "3 tại chỗ" vẫn duy trì với doanh nghiệp có đủ điều kiện và kiểm soát được an toàn dịch bệnh. Còn doanh nghiệp ở vùng an toàn, có mức độ công nhân ở tập trung cao thì có thể điều chỉnh, cho phép người lao động về nhà; kịch bản cách ly ca nhiễm tại doanh nghiệp với sự hỗ trợ của y tế địa phương...
Trước đề xuất này, trả lời VnExpress bên lề họp báo Chính phủ tối 11-8, ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Y tế cho biết đây là đề xuất hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Trong quá trình làm việc, hai bộ sẽ khảo sát, tham vấn ý kiến thực tế của các doanh nghiệp, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ". Việc này nhằm mục đích đưa ra tiêu chí sát thực tế, phù hợp nhất khi mô hình sản xuất an toàn trong thời dịch bệnh được ban hành.
"Hai bộ sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất đưa ra tiêu chí mô hình sản xuất, phù hợp tình hình mới", ông Thuấn nhấn mạnh.
Nói thêm về mô hình "3 tại chỗ", Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, phương án "3 tại chỗ" áp dụng cho sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp vẫn là phương án tốt tới nay. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế tại các tỉnh, thành phía Nam như TP HCM, các địa phương đang giãn cách xã hội lại lộ nhiều bất cập.
"3 tại chỗ áp dụng trong thời gian ngắn thì doanh nghiệp trụ được, còn nếu thời gian dài họ gặp rất nhiều khó khăn về chi phí, tâm lý bất ổn của người lao động", ông Thắng Hải nhìn nhận.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng tại 19 tỉnh, thành phía Nam đứt gãy, mỗi tỉnh cũng áp dụng các biện pháp phòng dịch khác nhau, quy định không thống nhất, cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ".
Trước khó khăn này, mô hình sản xuất "2 tại chỗ" (ăn uống và làm việc tại chỗ) và tiến tới tạo lập "doanh nghiệp xanh" được các doanh nghiệp kỳ vọng thay thế "3 tại chỗ".
Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) góp ý, thay vì "quản" doanh nghiệp sản xuất an toàn theo kiểu thủ công và rời rạc hiện nay, chính quyền địa phương cần thiết lập kênh liên thông cơ sở dữ liệu với doanh nghiệp, thông qua áp dụng công nghệ thông tin, đảm bảo truy vết chống dịch. Việc này giúp doanh nghiệp, chính quyền đánh giá, quản trị rủi ro và đưa ra giải pháp xử lý tình huống theo tình hình dịch bệnh từng địa phương.
"Cần có sách lược thống nhất, liên thông dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh để sống chung dài hạn với dịch, cũng như để doanh nghiệp trụ được cho đến khi vaccine được tiêm tương đối tại Việt Nam vào cuối năm nay", ông nói với VnExpress.
Về lâu dài, các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, giải pháp khả thi nhất là đẩy nhanh tiêm vaccine cho 100% người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, vận tải, bán lẻ và logistics...