Thủ tướng yêu cầu: tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó ​

(ĐTTCO)-Thủ tướng yêu cầu trừ trường hợp đặc biệt, công vụ đặc biệt hoặc là các bệnh viện, cửa hàng, siêu thị, cơ sở sản xuất phục vụ nhân dân còn nói chung là ở nhà, làm việc trực tuyến.
Thủ tướng yêu cầu: tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó ​

Chiều 30-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19.

Công ty Trường Sinh là nguồn lây chính tại Bệnh viện Bạch Mai

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, tính đến ngày 30-3, thế giới đã ghi nhận 722.196 trường hợp mắc Covid-19 tại 201 quốc gia, vùng lãnh thổ; Mỹ là quốc gia đầu tiên ghi nhận số ca mắc trên 100.000 người, với 142.178 trường hợp; 10 quốc gia có số ca mắc trong khoảng 10.000 - 100.000 gồm: Italy, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Iran, Anh, Thụy Sỹ, Hà Lan, Bỉ); 31 quốc gia có số mắc trong khoảng từ 1.000 - 10.000 trường hợp; 160 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.

Thế giới đã ghi nhận 33.976 trường hợp tử vong, trong đó 7 quốc gia có trên 1.000 ca tử vong: Italy, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Iran, Pháp, Mỹ, Anh.

Tại Việt Nam, đến sáng 30-3 đã ghi nhận 194 trường hợp mắc Covid-19 (52 trường hợp đã khỏi bệnh). 5 tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất gồm Hà Nội (73), TPHCM (47), Vĩnh Phúc (11), Bình Thuận (9), Ninh Bình (8)...

Tính đến hết ngày 29-3, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 65.271 người, trong đó có 711 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 32.752 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 31.808 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Hiện có 142 bệnh nhân đang được điều trị tại 22 cơ sở khám, chữa bệnh; trong đó 3 bệnh nhân trong tình trạng nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong những ngày gần đây đã có tiến triển tốt lên; 78 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 1.

So sánh tình hình dịch trên thế giới và tại Việt Nam, sau 9 ngày, tại Việt Nam có 100 ca mắc, Ban chỉ đạo cho biết, từ khi có ca nhiễm thứ 100 vào ngày 20-3, tính đến hết ngày 28-3, Việt Nam đã có 188 ca nhiễm Covid-19. So với các nước khác trên thế giới, sau 9 ngày từ ca thứ 100, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt hơn cả Nhật Bản và Đài Loan (nhóm kiểm soát dịch tốt) với số ca tương ứng là 239 và 252.

Cũng trong khoảng thời gian 9 ngày sau ca thứ 100 này thì nhiều nước đã để dịch phát triển nhanh từ 3 đến 10 lần so với Việt Nam, với số ca mắc là 707, 1.025, 1.689 và 2.020 tương ứng với các nước Anh, Mỹ, Italy và Hàn Quốc. Số ca mắc của Hàn Quốc được báo cáo rất cao trong giai đoạn này.

Về tình hình ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, báo cáo cho biết đã có kết quả xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho 7.264 người bao gồm nhân viên, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, người cung cấp dịch vụ tại bệnh viện.
Theo đó, tính đến 11 giờ ngày 30-3, đã có kết quả xét nghiệm của 6.650 người, trong đó có 19 trường hợp dương tính (tính cả 2 ca 86 và 87 - là 2 ca dương tính đầu tiên được phát hiện tại bệnh viện), 595 mẫu còn lại chiều 30-3 mới có kết quả.
Liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, ngoài số xét nghiệm tại bệnh viện còn có 9 ca dương tính khi xét nghiệm bên ngoài, gồm: 1 bệnh nhân Lai Châu, 1 người chăm sóc người nhà (Ninh Bình và Long Biên, Hà Nội), 7 nhân viên Công ty Trường Sinh.
Như vậy đến thời điểm trưa 30-3 có tổng số 28 ca dương tính liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai và Công ty Trường Sinh, trong đó có đến 22 ca là nhân viên Công ty Trường Sinh.
Sau khi phân tích, đánh giá, đặc biệt sau khi tiến hành xét nghiệm tổng thể Bệnh viện Bạch Mai để tìm nguồn lây, các chuyên gia thống nhất Công ty Trường Sinh là nguồn lây chính tại Bệnh viện Bạch Mai.
Về các biện pháp đã triển khai đối với ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Ban chỉ đạo báo cáo Thường trực Chính phủ đến nay đã cách ly toàn bộ bệnh viện; kể từ ngày 28-3 đã đề nghị tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã đến khám, điều trị tại bệnh viện trong vòng 14 ngày qua thực hiện tự cách ly và liên hệ cơ quan y tế gần nhất để quản lý sức khỏe, trước đó đã tiến hành cách ly từng phần của bệnh viện từ ngày 19-3 với 649 trường hợp.
Đã tổ chức triển khai cách ly 244 trường hợp có tiếp xúc gần với 2 ca nhiễm số 86, 87 từ ngày 19-3 tại Trung tâm Khám bệnh và điều trị ban ngày (9 tầng) và Khoa C9 (Viện Tim mạch); cách ly 319 người có tiếp xúc gần ca nhiễm số 133, 134 tại Khoa Thần kinh từ ngày 24-3; cách ly 90 người có tiếp xúc gần với ca nhiễm số 168, 169 tại Nhà ăn Trường Sinh - Bệnh viện Bạch Mai; 12 người có tiếp xúc gần với ca nhiễm số 168, 169 tại tỉnh Hà Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng rà soát và nhắn tin tới 23.000 thuê bao là cán bộ, người nhà cán bộ, bệnh nhân và người nhà, nhân viên các công ty cung cấp dịch vụ cho bệnh viện, các thành phần liên quan khác đề nghị khai báo y tế điện tử và tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và báo cơ sở y tế gần nhất khi có các biểu hiện triệu chứng bệnh.

Về hoạt động khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, báo cáo Ban chỉ đạo cũng nêu rõ, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện chuyên khoa nội, nên khả năng phân tuyến sang Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức hay các bệnh viện của Hà Nội như Thanh Nhàn, Xanh Pôn… không cao.

Hiện nay có khoảng 100 bệnh nhân nặng có nhu cầu phải chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai mà không thể chuyển sang các bệnh viện khác, trong đó có khoảng 30% rất nặng, nếu không được cứu chữa kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao (trên 80%). Do đó, Ban Chỉ đạo kiến nghị Chính phủ cho phép Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục tiếp nhận các ca bệnh nặng để cứu chữa kịp thời, dù trong điều kiện dịch bệnh tại bệnh viện.

Nguyên tắc tiếp nhận phải có sự trao đổi chuyên môn trước với tuyến dưới, việc vận chuyển bệnh nhân như với đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, khi vào bệnh viện phải áp dụng biện pháp phân luồng khu cấp cứu, cử cán bộ y tế riêng để điều trị các trường hợp này…

Kiến nghị các công sở hành chính cho nhân viên làm việc tại nhà

Hiện Ban chỉ đạo đã duyệt mua 30 triệu khẩu trang y tế, 500.000 khẩu trang N95 và tương đương, 45.000 bộ trang phục phòng chống dịch, 20.000 bộ trang phục Tyvek. Đến nay đã ký hợp đồng mua 28,85 triệu khẩu trang y tế; 25.000 khẩu trang N95 (đã nhận đủ và cấp cho các đơn vị 14.200 cái), 26.000 bộ trang phục phòng chống dịch (đã nhận đủ và cấp cho các đơn vị 11.200 cái), 5.000 bộ trang phục chống dịch Tyvek (đã nhận đủ và cấp cho các đơn vị 2.000 bộ).

Về máy thở, trên toàn quốc hiện có 5.245 chiếc máy thở, dự kiến có thể huy động được 1.315 máy thở nếu dịch xảy ra ở cấp độ 3, 4. Việc mua máy thở cho bệnh nhân mắc dịch bệnh Covid-19 đã được Trung ương và địa phương mua dự phòng là 273 chiếc, đã nhận 155 chiếc.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam hạn chế tối đa số chuyến bay nội địa: mỗi hãng hàng không Việt Nam được khai thác 1 chuyến/ngày/đường bay ở những đường bay quan trọng và dừng toàn bộ các chuyến bay trên các đường bay nội địa từ Hà Nội và TPHCM đi/đến các sân bay khác; hạn chế tối đa các chuyến xe khách liên tỉnh, tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách địa phương, hạn chế thuyền viên trên tàu thủy lên bờ…; kiểm soát số lượng người nhập cảnh qua đường hàng không, cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở các nước về nước.

Về đóng góp ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, tính đến 11 giờ ngày 29-3, hệ thống 1407 đã nhận được gần 1,5 triệu tin nhắn ủng hộ với tổng số tiền trên 93 tỷ đồng. Đầu số 19009095 đã tiếp nhận và giải đáp hơn 425.000 cuộc gọi, số cuộc gọi duy trì ở mức 10.000 cuộc/ngày. Đã có 320.800 lượt tải ứng dụng Vietnam Health Declaration, có 331.396 tờ khai y tế bắt buộc đối với khách nhập cảnh qua tokhaiyte.vn, ứng dụng Vietnam Health Declaration và 2.600.000 lượt tải ứng dụng khai báo tự nguyện toàn dân NCOVI.

Ban chỉ đạo cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số nội dung như cho phép các công sở hành chính có thể cho nhân viên làm việc từ xa tại nhà, không nhất thiết phải đến công sở, trừ các trường hợp không thể vắng mặt mới phải đến cơ quan. Chỉ đạo các bộ ngành Trung ương và địa phương triển khai các biện pháp ổn định tình hình kinh tế xã hội trong điều kiện có dịch. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất trang thiết bị, dụng cụ y tế đặc biệt máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, máy truyền dịch, máy lọc máu.

Đáng chú ý, Ban chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội khách sạn, kể cả khách sạn tư nhân đã cung cấp khách sạn để phục vụ cho việc cách ly, đặc biệt là phục vụ cách ly cho đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng tham gia vào công tác phòng, chống dịch.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần tiếp tục thần tốc trong công việc, cương quyết dồn mọi nguồn lực để dập các ổ dịch, nhất là ổ dịch đã phát hiện như Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha, không để rơi vào thế bị động. “Tinh thần là tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, hiện nay tình trạng di chuyển qua lại các tỉnh còn quá đông, còn tình trạng ở một số nơi người dân di chuyển, ra đường nhiều, có thể gây nguy cơ lây nhiễm lớn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu trừ trường hợp đặc biệt, công vụ đặc biệt hoặc là các bệnh viện, cửa hàng, siêu thị, cơ sở sản xuất phục vụ nhân dân còn nói chung là ở nhà, làm việc trực tuyến. Các cơ quan bố trí cán bộ làm việc ở nhà qua máy tính, hạn chế đến cơ quan, trừ các trường hợp trực, không thể vắng mặt...
Nhấn mạnh việc bảo đảm an sinh xã hội cần thiết, Thủ tướng đề nghị các địa phương lo cân đối nguồn lực, không để tình hình xấu rồi mới đặt vấn đề. “Chúng ta không có biện pháp mạnh thì không thể thực hiện được “giờ vàng”, thần tốc là ở chỗ này, không thể chủ quan, phải có thái độ cương quyết”, Thủ tướng nhắc lại.

Thủ tướng cho biết, để tập trung cho công tác phòng chống dịch, dừng tổ chức hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với địa phương dự kiến vào ngày mai, 31-3.

Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ và các thành viên Ban chỉ đạo sẽ thảo luận một số vấn đề như có cần thành lập thêm bệnh viện dã chiến hay không, huy động sẵn sàng là bao nhiêu, các phương án đối với Thủ đô…

Các tin khác