Tìm hướng đi cho các dự án kém hiệu quả

(ĐTTCO)-Vấn đề mà người dân mong chờ, quan tâm lúc này là làm sao để xử lý dứt điểm các dự án yếu kém, thua lỗ với mức thiệt hại thấp nhất cho Nhà nước, mang lại hiệu quả hoạt động tốt nhất cho các doanh nghiệp.
Dây chuyền sản xuất thép xây dựng dở dang của dự án TISCO-2 tại khu vực Lưu Xá (Thái Nguyên). (Ảnh TRẦN HẢI)
Dây chuyền sản xuất thép xây dựng dở dang của dự án TISCO-2 tại khu vực Lưu Xá (Thái Nguyên). (Ảnh TRẦN HẢI)

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay 5/12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương đã thoát khỏi danh sách “đen”, cơ bản hoạt động hiệu quả và có lãi. Phần còn lại đang gặp phải vướng mắc về cơ chế tài chính, sự đồng thuận, hợp đồng tổng thầu EPC,...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có nhiều cuộc thị sát tại một số dự án còn lại. Thủ tướng giao các cơ quan liên quan, rút kinh nghiệm từ những dự án đã được xử lý, hoàn thiện đề án xử lý các dự án còn lại bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả với các phương án, tác động cụ thể, sớm hoàn thành nội dung trình Bộ Chính trị xem xét đúng thời gian.

Vì vậy, vấn đề mà người dân mong chờ, quan tâm lúc này là làm sao để xử lý dứt điểm các dự án với mức thiệt hại thấp nhất cho Nhà nước, mang lại hiệu quả hoạt động tốt nhất cho các doanh nghiệp.

Cần cơ chế đột phá

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) đại diện vốn Nhà nước, đầu tư góp 2.200 tỷ đồng vào hai dự án của ngành là: Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO-2) do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư và Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai, mỏ sắt Quý Xa do Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) làm chủ đầu tư. Cả hai dự án trên đều gặp khó khăn về tài chính, quan điểm thực hiện dự án giữa các bên liên quan,... Những “nút thắt” này đã khiến hoạt động của VTM và TISCO lay lắt suốt một thời gian.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế đột phá, mang tính đặc thù cao sẽ cứu được các dự án này khỏi thua lỗ, dần đi vào hoạt động hiệu quả. Giải quyết sớm ngày nào, thiệt hại cho nền kinh tế sẽ ít đi ngày đó, càng kéo dài việc xử lý, nguy cơ các dự án chỉ còn là “đống sắt vụn” sẽ ngày càng hiện hữu.

Dừng sản xuất vì “cõng nợ”

Trong thời gian khoảng một năm trở lại đây, VTM phải dừng hoạt động đến hai lần do chưa thống nhất được việc gia hạn và công suất khai thác mỏ sắt Quý Xa sau khi giấy phép khai thác hết hạn từ cuối năm 2021 cùng nguồn vốn lưu động để mua nguyên liệu sản xuất, trang trải các khoản nợ đến hạn đã cạn...

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này do 70% cơ cấu vốn khi triển khai dự án đều vay ngân hàng, 100% vốn sản xuất, kinh doanh cũng phải vay nên chịu mức lãi suất vay khá cao, có thời điểm tới 20,5%, trong khi so tính toán ban đầu chỉ 10,5%. Việc “cõng nợ” quá lớn dẫn đến chi phí tài chính cao, hoạt động kém hiệu quả khiến nguồn thu chính từ lợi nhuận bán phôi thép không đủ bù các chi phí.

Theo báo cáo của VTM, năm 2021 tổng tài sản VTM khoảng 6.600 tỷ đồng, song nợ phải trả lên tới hơn 5.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 1.200 tỷ đồng. Vì đang ngập trong nợ nần, chậm trả nên VTM bị đẩy lên nợ xấu nhóm 5, không đủ điều kiện để ngân hàng cấp thêm hạn mức tín dụng. VTM luôn phải đối mặt với áp lực đến hạn thanh toán, phạt chậm nộp lãi, ngân sách nhà nước và phạt vi phạm hợp đồng từ phía nhà cung cấp, nợ lương người lao động nhiều tháng nay,…

Mới đây VTM đã bị Cục Thuế tỉnh Lào Cai cưỡng chế thuế, nên không thể đàm phán với các nhà cung cấp để mua nguyên liệu và đây cũng là một nguyên nhân khiến VTM phải dừng sản xuất. Tính sơ bộ, VTM mất hơn 1,6 tỷ đồng/ngày vì dừng sản xuất, do đó, vấn đề mấu chốt hiện nay của VTM là nguồn lực tài chính. VTM đã 8 lần báo cáo, đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm có cơ chế, giải pháp để tháo gỡ với phương án đề nghị VNSTEEL (vai trò là cổ đông lớn) hỗ trợ tài chính, nguyên liệu.

Song bài toán này đến nay vẫn chưa có lời giải do những vướng mắc về cơ chế nội bộ của VNSTEEL. Nhiều lần VTM họp với các bên liên doanh đưa ra phương án bổ sung góp vốn theo tỷ lệ sở hữu vào dự án, nhưng cũng chưa đi đến thống nhất do tâm lý e ngại, cơ chế đồng thuận giữa các bên liên doanh. Vốn sản xuất kinh doanh vẫn phải “giật gấu vá vai” nên VTM cũng chưa thể thực hiện hạng mục xây dựng dây chuyền cán thép công suất 500.000 tấn thép/năm với chi phí khoảng 900 tỷ đồng theo như đúng mục tiêu ban đầu của dự án thành khu liên hợp khép kín. Không đa dạng hóa được sản phẩm, hàng bán ra mới dừng ở mức bán thành phẩm (phôi thép) nên mang lại giá trị không cao.

Theo Tổng Giám đốc VTM Nguyễn Phú Dương, khác với các dự án trong danh sách “đen”, cho tới cuối năm 2021, dự án của VTM vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và có lợi nhuận. Riêng trong giai đoạn 2017-2019, VTM đã thực hiện tốt các phương án xử lý, nhiệm vụ theo đề án 1468 của Chính phủ nên “gượng dậy” và hoạt động khởi sắc hơn; lợi nhuận sau thuế của VTM giai đoạn này đạt 565 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 3.539 tỷ đồng, kéo giảm lỗ lũy kế từ 1.231 tỷ đồng xuống 707 tỷ đồng.

Có những năm, lượng phôi thép sản xuất vượt công suất thiết kế hơn 12%, như năm 2018 đạt hơn 563.000 tấn. Nếu tính toán dựa trên các điều kiện thuận lợi và được tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính, dự án này vẫn khả thi, hiệu quả, và sau 10 năm nữa VTM sẽ xóa hết lỗ lũy kế, hoạt động có lãi trở lại. Ông Dương mong muốn sớm có phương án hỗ trợ tài chính, nguyên liệu, cấp lại giấy phép khai thác mỏ Quý Xa.

Cũng như có chính sách giảm lãi suất với các khoản vay, tạm thời khoanh, hoãn, giãn thời hạn thu các khoản nợ, lãi đến hạn và tăng hạn mức tín dụng cho VTM. Mặt khác, ông kêu gọi các bên liên doanh hãy vì lợi ích chung của dự án và an sinh xã hội của 1.600 người lao động VTM, cùng ngồi lại, tìm tiếng nói chung trong việc khai thác mỏ sắt Quý Xa, bổ sung vốn điều lệ để VTM có thể hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.

Không để “gãy cánh”

Hiện nay, TISCO-2 đang gây áp lực rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của TISCO khi mỗi ngày “đốt” một tỷ đồng tiền lãi với tổng dư nợ hơn 8.831 tỷ đồng trên tổng tài sản hơn 10.855 tỷ đồng. Tổng Giám đốc TISCO Nguyễn Minh Hạnh cho biết, thực tế TISCO vẫn hoạt động hiệu quả, song đang có nguy cơ rơi vào tình cảnh dừng sản xuất giống VTM, thậm chí phá sản vì gánh nặng tài chính từ TISCO-2 suốt nhiều năm khi phần lớn lợi nhuận phải dùng để trả nợ, lãi các khoản vay của TISCO-2 rất cao.

TISCO vẫn đang đàm phán tìm “tiếng nói chung” với Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) - tổng thầu EPC của dự án, trong việc giải quyết sự tranh chấp, chồng chéo tại hợp đồng EPC,... Nhất là việc, chưa xác định được giá trị khối lượng đã thi công để tính lại tổng mức đầu tư dự án; MCC không chấp nhận hoàn trả các khoản tiền đã thanh toán sai quy định theo kết luận của Thanh tra Chính phủ; MCC yêu cầu đàm phán dựa trên hợp đồng đã ký và thực tế dự án, không dựa theo kết luận thanh tra vì cho rằng đây là hợp đồng kinh tế dân sự. Cùng với đó là các vướng mắc về cơ chế tài chính, chịu mức lãi suất vay, lãi phạt chậm trả cao,...

TISCO-2 có đặc thù bất lợi hơn so với các dự án khác khi chưa hoàn thành nhưng đã thanh toán đến 95% giá trị thiết bị (107,692 triệu USD) cho MCC với khoảng 35.800 tấn máy móc, thiết bị đã chuyển đến công trường, một phần được lắp đặt, một phần để trong kho có mái che, phần để ngoài trời đã bị xuống cấp, lão hóa, gỉ sét. Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực luyện kim, nếu được khởi động trở lại, phần lớn những thiết bị này vẫn đáp ứng được yêu cầu ban đầu.

Với hạng mục bị xuống cấp theo thời gian, việc thay thế, sửa chữa là không khó. Do đó, TISCO-2 vẫn có thể mang lại hiệu quả kinh tế nhưng phải có phương án tái cơ cấu tạo thuận lợi trong đàm phán, giải quyết tranh chấp với MCC. Đặc biệt, các ngân hàng phải cho miễn, giảm, ân hạn thời gian trả nợ, bởi với một dự án có khoản nợ lãi phát sinh lên hơn 3.000 tỷ đồng, dù có tiền triển khai chắc chắn sẽ không hiệu quả.

Đó cũng chính là cơ hội để TISCO tiếp tục vừa sản xuất vừa hoàn thành các hợp phần khác của TISCO-2. Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) nhìn nhận, TISCO là doanh nghiệp duy nhất trong ngành thép cơ bản chủ động nguyên liệu khai thác tại chỗ dùng cho sản xuất như than mỡ, quặng sắt với chi phí, giá thành hợp lý; có bề dày thương hiệu hàng chục năm, từng nhiều lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và được xem là biểu tượng của ngành công nghiệp luyện kim và có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước. Hiện cử tri và nhân dân Thái Nguyên rất mong sớm có lời giải hữu hiệu cho TISCO-2. Đây cũng là trăn trở của tất cả những ai quan tâm đến “chim đầu đàn” một thời của ngành gang thép. Khó khăn của TISCO không phải là phổ biến nên rất cần cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết dứt điểm những tồn tại trên với phương châm sớm nhất, hiệu quả nhất.

Theo tính toán, nếu TISCO-2 dừng triển khai thì không tốn thêm nguồn lực, hạn chế rủi ro nhưng Nhà nước sẽ mất gần 5.000 tỷ đồng đã đầu tư dở dang, có thể khiến TISCO phá sản, gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế với tổng thiệt hại dự tính khoảng 9.000 tỷ đồng. Nếu TISCO-2 đi vào hoạt động, mỗi năm sản xuất thêm 500.000 tấn phôi thép, kết nối đồng bộ, cung cấp tại chỗ phôi nóng để Nhà máy cán thép Thái Trung không phải nhập khẩu, tiết kiệm mỗi năm khoảng 350 tỷ đồng nhiên liệu gia nhiệt phôi thép, tăng khả năng cạnh tranh.

Các ngân hàng vẫn sẽ thu hồi được nợ, lãi vay, Nhà nước bảo toàn vốn; bên cạnh lợi ích kinh tế, phải tính tới yếu tố chính trị, an sinh xã hội khi có gần 20.000 người dân phía nam thành phố Thái Nguyên và hàng trăm doanh nghiệp là đối tác, nhà cung cấp, khách hàng sẽ không chịu ảnh hưởng theo.

Do đó, trong lần kiểm tra, thị sát tại TISCO-2 vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý TISCO-2 với tinh thần giải quyết dứt điểm các vấn đề trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; bám sát, tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ Chính trị, kết luận thanh tra để tiếp tục đàm phán với MCC trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”; đặt các phương án lên “bàn cân” để đánh giá ưu nhược điểm, xem cái nào có lợi nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh: muốn xây dựng được nền kinh tế độc lập tự chủ, tự lực tự cường, phải phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như luyện kim, hóa chất để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế,...

 Dự án của VTM có công suất 500.000 tấn phôi thép/năm, khai thác 3 triệu tấn quặng sắt/năm, tổng mức đầu tư hơn 306 triệu USD. Trong đó, 101,26 triệu USD vốn điều lệ liên doanh góp (VNSTEEL 46,85%; Công ty TNHH Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh-Trung Quốc (KISC) 45%; Công ty Khoáng sản Lào Cai 8,15%), còn lại là vốn vay. Dự án hoạt động từ cuối năm 2014, nhưng 1 năm sau đã bị “điền” vào danh sách 12 dự án thua lỗ vì những yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh,...
TISCO-2 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, hợp đồng EPC có hiệu lực từ tháng 9/2007, thực hiện trong 30 tháng; năm 2013 điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng. Từ đó, TISCO-2 vẫn đang là một đại công trường dang dở, ngổn ngang với các hợp phần chưa hoàn thành vì không bố trí được nguồn vốn cùng nhiều vướng mắc trong đàm phán với tổng thầu MCC,...

Các tin khác