PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về động thái này từ phía Mỹ?
TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ: - Theo tôi, Mỹ có lẽ không thực sự muốn coi Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, bởi họ không thu được nhiều lợi ích từ quyết định này. Việc yêu cầu Việt Nam để đồng nội tệ lên giá hay áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam, cũng không giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ.
Bởi nguyên nhân chính khiến Mỹ nhập siêu quy mô lớn là do mô hình tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào tiêu dùng. Nếu quy mô tiêu dùng không thay đổi, Mỹ không nhập khẩu từ Việt Nam cũng sẽ nhập khẩu từ nước khác.
Thực tế thời gian qua cho thấy, khi Mỹ áp đặt thuế quan và giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, nhập khẩu của họ từ các nước như Việt Nam tăng lên. Theo logic này, nếu Mỹ ban hành các biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam, họ sẽ phải tăng nhập khẩu từ Thái Lan, Ấn Độ…
Về xuất khẩu, Việt Nam là thị trường xuất khẩu nhỏ của Mỹ, với quy mô hơn 10 tỷ USD/năm, nên tăng xuất khẩu vào Việt Nam có lẽ không phải là mục tiêu chính của nền kinh tế Mỹ có quy mô 20.000 tỷ USD.
Mỹ áp thuế suất cao lên các hàng hóa của Trung Quốc thời gian qua không chỉ nhằm cân bằng cán cân thương mại, còn có mục tiêu làm suy yếu đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình. Còn Việt Nam không phải đối thủ cạnh tranh của Mỹ trên bất kỳ phương diện nào.
- Khi bị gắn mác thao túng tiền tệ với nguy cơ bị áp đặt thuế quan luôn lơ lửng, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
- Chúng ta không cảm thấy thoải mái khi bị coi là nước thao túng tiền tệ, nên cần phải làm gì đó để đảo ngược tình thế. Tuy nhiên, các điều chỉnh chính sách nếu có cần tính đến những lợi ích tổng thể. Để không bị gắn mác thao túng tiền tệ, chúng ta phải thoát ra khỏi ít nhất 1 tiêu chí.
Với tiêu chí thặng dư thương mại song phương với Mỹ không vượt quá 20 tỷ USD, điều này rất khó thay đổi, bởi quy mô xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ trong 11 tháng 2020 đã ở mức gần 60 tỷ USD.
Do vậy, dù chúng ta có mở cửa hoàn toàn thị trường trong nước cho hàng hóa của Mỹ, quy mô xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ vẫn sẽ ở mức lớn hơn 20 tỷ USD.
Điều cần lưu ý là quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng nhanh trong vài năm gần đây có liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Bởi khi các hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ bị áp đặt thuế quan cao và trở nên kém cạnh tranh, doanh nghiệp Việt tranh thủ tập trung xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Vì vậy, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn không hạ nhiệt, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ nhiều khả năng vẫn tiếp tục tăng. Các số liệu cho thấy trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2019 và 11 tháng năm 2020 tăng trưởng tương ứng 27,8% và 25,7%, xuất khẩu sang EU tương ứng giảm 0,7% và 2,4%.
Như vậy đối với tiêu chí thặng dư cán cân vãng lai tổng thể hơn 2% GDP (1 trong 3 tiêu chí mà Mỹ áp vào Việt Nam thao túng tiền tệ), có thể thấy con số xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong 11 tháng 2020 của Việt Nam là “đột biến”. Đó là hệ quả của dịch Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế nước ta chậm lại, tổng cầu bị suy yếu nên nhập khẩu giảm mạnh làm thặng dư tăng lên.
Ngoài ra, đồng USD giảm giá khoảng 10% trong vòng 1 năm qua cũng khiến VNĐ giảm giá mạnh so với các đồng tiền trong khu vực, dẫn đến lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Vì là “đột biến”, nên mức xuất siêu cao như năm 2020 sẽ không kéo dài. Trong thời gian tới, khi nền kinh tế phục hồi, nhập khẩu tăng lên, thặng dư thương mại sẽ giảm dần, nhưng có lẽ cần vài năm nữa mới quay trở về trạng thái cân bằng, tức ở mức dưới 2% GDP.
Về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua ròng ngoại tệ, đây là hệ quả của thặng dư cán cân thương mại cũng như cán cân thanh toán tổng thể. Trong các năm tới mức thặng dư sẽ không còn lớn như năm nay, nên áp lực mua ngoại tệ sẽ giảm.
Dù vậy, tôi cho rằng NHNN nên tính toán để VNĐ lên giá nhẹ so với USD về mặt danh nghĩa trong năm 2021.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
- Ông dự đoán thế nào về triển vọng thời gian tới? Khả năng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế nhập khẩu có cao?
- Với việc Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ, có thể một số doanh nghiệp Mỹ sẽ tận dụng cơ hội để kiện doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá hàng hóa. Một số doanh nghiệp “xuất khẩu hộ” Trung Quốc có thể cũng sẽ rơi vào tầm ngắm của Bộ Tài chính Mỹ.
Tuy nhiên khả năng Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam trên diện rộng theo tôi không lớn, vì không mang lại lợi ích đáng kể nào cho Mỹ. Dù vậy, chúng ta cũng cần cung cấp cho phía Mỹ một vài lý do để đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Như đã nói ở trên, để VNĐ lên giá nhẹ trong năm tới có thể là một giải pháp. Mức lên giá khoảng 1%/năm, thậm chí 2%/năm, sẽ không ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là khi đồng USD đang trong xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế.
Thực tế, những năm qua cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đối ổn kể cả khi đồng USD và VNĐ lên giá so với các đồng tiền khác trong khu vực. Trong khi đó, sự ổn định về kinh tế vĩ mô lại giúp Việt Nam huy động được các dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam cũng có thể cân nhắc mở cửa hơn nữa thị trường nội địa cho hàng hóa của Mỹ, chẳng hạn như hàng nông sản, mà không cần quá lo ngại về sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Năm nay, chúng ta đã chứng kiến thịt heo ngoại, dù giá rẻ nhưng không dễ chiếm lĩnh thị trường trong nước, bởi khẩu vị của người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định.
- Xin cảm ơn ông.