TPHCM: Du lịch đường thủy chưa hấp dẫn du khách

(ĐTTCO) - Hơn 1.000km đường thủy nội địa với nhiều tuyến kênh đi sâu vào nội đô, đi qua nhiều khu phố đẹp, nhưng giao thông thủy TPHCM chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đặc biệt chưa trở thành "đặc sản".
Du khách chuẩn bị lên tàu tại bến Bạch Đằng (quận 1) đi từ TPHCM đến Vũng Tàu
Du khách chuẩn bị lên tàu tại bến Bạch Đằng (quận 1) đi từ TPHCM đến Vũng Tàu

Khó khăn trong đầu tư

TPHCM có 4 tuyến sông chính đi qua gồm Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp, cùng nhiều hệ thống kênh, rạch kết nối Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tận dụng lợi thế này, hiện TPHCM đang khai thác vận tải trên các tuyến như tuyến buýt đường thủy số 1 chạy trên sông Sài Gòn từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến Linh Đông (TP Thủ Đức); tuyến vận tải hành khách trên sông Sài Gòn từ bến Bạch Đằng đến bến Đình, bến Dược (huyện Củ Chi) và tiếp nối với sông Đồng Nai đi TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Ngoài các tuyến cố định trên, TPHCM còn tổ chức nhiều chuyến du lịch bằng đường thủy như: đi trên du thuyền thưởng ngoạn ẩm thực, ngắm phong cảnh về đêm trên sông Sài Gòn; đi thuyền gỗ nhỏ tham quan trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 3)…

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật, nhận xét, sông Sài Gòn đẹp không thua sông Bangkok chảy qua thủ đô của Thái Lan, hay nhiều con sông chảy qua thủ đô Seoul của Hàn Quốc, thành phố Thượng Hải của Trung Quốc…

Tuy nhiên, dọc hai bờ của các sông nêu trên có nhiều công trình kiến trúc trang trí ánh sáng về đêm rất đẹp, đặc biệt ở các bến đều được đầu tư bãi neo đậu thuận lợi cho thuyền, tạo không khí, cảnh quan “trên bến dưới thuyền”. Còn hai bờ sông Sài Gòn thì gần như chưa có gì ấn tượng, bến bãi lèo tèo.

“Muốn sông Sài Gòn thêm hấp dẫn du khách, trước mắt TPHCM nên đầu tư thêm cho bến Bạch Đằng quy chuẩn hơn. Có thể là một bến tàu kéo dài từ khu vực Ba Son đến cột cờ Thủ Ngữ”, ông Nguyễn Kim Toản hiến kế.

Đồng quan điểm, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty Thuyền buồm Đông Dương, chia sẻ, nhiều thuyền tại bến Bạch Đằng đã phục vụ du khách hơn 15 năm nên xuống cấp, lạc hậu so với nhu cầu hiện nay của du khách, nhưng các chủ thuyền chưa dám đầu tư đổi mới. Một trong những nguyên nhân chính là chưa rõ tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 nên chưa biết phải đặt đóng tàu cỡ nào cho phù hợp.

Thủ tục hành chính cũng là một cản ngại lớn trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Kim Toản, từ khi doanh nghiệp khai trương tuyến buýt đường thủy số 1 vào năm 2017, dù rất muốn đầu tư thêm tuyến số 2 nhưng chưa thực hiện được do vướng thủ tục. Chưa hết, tuyến số 1 đã hoạt động lâu và theo kế hoạch phải có 9 bến, nhưng hiện mới có 5 bến; các bến còn lại… vướng thủ tục đầu tư.

Xung quanh ý kiến về tĩnh không các cầu, trong đó có cầu Thủ Thiêm 4, lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết, đang nghiên cứu làm cầu xoay, cầu mở nhưng e ngại việc vận hành tốn nhiều kinh phí. Sở cũng kiến nghị UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai đầu tư dự án chuyển đổi công năng và tổ chức khai thác khu bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội theo quy hoạch, trở thành một trong những bến hành khách du lịch tại trung tâm.

Nhiều du khách tham quan Cần Giờ bằng cano

Nhiều du khách tham quan Cần Giờ bằng cano

Quy hoạch bến đậu, đảm bảo tĩnh không cầu

Theo nhiều chuyên gia đường thủy, trước mắt TPHCM phải xác định rõ ràng tĩnh không của các cây cầu để doanh nghiệp biết và có kế hoạch đầu tư tàu thuyền mới phục vụ giao thông và du lịch đường thủy.

Cụ thể, nên cân nhắc ngay tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 cho cả hiện tại và tương lai phát triển của ngành du lịch đường thủy. Bởi lẽ, từ xưa đến nay, tàu biển quốc tế vẫn vào được bến cảng Nhà Rồng (quận 4) và nơi đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách. Song song đó là tính chuyện đầu tư các cầu tàu, tạo cảnh quan hai bên bờ sông.

Theo nhiều doanh nghiệp du lịch, việc TPHCM có thể làm ngay mà không tốn kém nhiều là cho trang trí ánh sáng dưới các dạ cầu vào ban đêm; giữ cho các sông, kênh rạch sạch sẽ, không rác.

Ở góc độ quản lý, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, hiện đã khảo sát một số tuyến điểm, lộ trình để vực lại du lịch trên sông. Tuy nhiên, các vị trí neo đậu cho tàu nhà hàng, tàu lưu trú vẫn đang chờ quy hoạch của TPHCM để chốt địa điểm. Riêng Cần Giờ có 12 vị trí bến tàu nhưng vẫn còn đang chờ Sở TN-MT, Sở QH-KT thẩm định.

Trong khi đó, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, nhìn nhận, phát triển đường thủy thì cần có bến đậu và câu chuyện quan trọng luôn là quy hoạch bến đậu; tiếp theo là kế hoạch sử dụng đất, cuối cùng mới xây dựng. Tuy nhiên, việc triển khai cập nhật quy hoạch bến thủy nội địa của UBND TP Thủ Đức và các quận huyện còn chậm tiến độ so với chỉ đạo của thành phố.

Theo ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, trên địa bàn huyện có nhiều sông, kênh, rạch lớn nhỏ nên có tiềm năng phát triển đường thủy, nhất là du lịch. Huyện có nhiều dự án phát triển đường thủy nhưng vẫn chưa triển khai được như: Tam Thôn Hiệp - Thiềng Liềng, Cần Giờ - Côn Đảo, hoặc Cần Giờ - Tiền Giang.

Hiện phà Bình Khánh vào cuối tuần thường xuyên ùn tắc, huyện tính mở thêm tuyến bến Bạch Đằng (quận 1) - bến Tắc Suất để phục vụ du khách và người dân, nhưng vẫn chưa có đơn vị đầu tư.

Các tin khác