Mở rộng thị trường
Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 10-2020, quốc gia Chile thông báo chấp nhận nhập khẩu đối với quả bưởi tươi (citrus maxima) từ Việt Nam. Trước đó, hồi cuối tháng 6, lần đầu tiên 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang tổ chức xuất khẩu gần 5 tấn vải thiều sang Nhật Bản bằng đường hàng không, đánh dấu cơ hội rộng mở cho vải thiều tiếp cận các thị trường lớn, khó tính cũng như đáp ứng niềm mong đợi của nông dân vùng đất trồng vải nổi danh nhiều thập kỷ nay ở Thanh Hà và Lục Ngạn.
Không chỉ chờ các đối tác đến tìm hiểu, nhiều địa phương trong nước cũng lên phương án chào hàng trái cây khá bài bản. Mới đây, cam Cao Phong - thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình, với 4 giống cam chính (cam lòng vàng, cam Xã Đoài, cam canh và cam V2) - được đánh giá, xếp hạng là sản phẩm OCOP 3 sao, đã quyết tâm nâng hạng cam Cao Phong lên thành sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao để thuận lợi làm marketing xuất khẩu. Cuối tháng 11 vừa qua, tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn. Tâm điểm của hội chợ là liên kết với Công ty CP Logistics Những ngôi sao khai trương sàn giao dịch điện tử nhằm đưa cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn lên sàn giao dịch điện tử để mời chào các đối tác trong và ngoài nước.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), các tỉnh ĐBSCL hiện có hơn 362.000ha cây ăn quả, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn quả của cả nước. Tỉnh Tiền Giang có diện tích cây ăn quả lớn nhất với hơn 78.000ha, tiếp đó là Vĩnh Long trên 47.000ha, Hậu Giang hơn 36.000ha, Đồng Tháp 31.000ha; các tỉnh còn lại có diện tích từ 6.000-28.000ha.
Chủng loại cây ăn quả ở các tỉnh ĐBSCL gồm xoài, chuối, thanh long, cam, quýt, bưởi, nhãn, sầu riêng, mít, chôm chôm, na, vú sữa, măng cụt, ổi, mận, hồng xiêm (sapoche), mãng cầu xiêm, khóm… Nhiều loại cây ăn quả có diện tích trồng trên 10.000ha như cây có múi, xoài, nhãn, sầu riêng, chuối, thanh long, khóm, mít, chôm chôm… Hàng năm, chỉ riêng các tỉnh ĐBSCL đã cung cấp cho thị trường trên 4 triệu tấn quả phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Vượt rào kỹ thuật
Tuy nhiên, dù ở dạng mời chào đối tác nước ngoài, hay đã được cơ quan chính thống của các quốc gia chấp nhận cho nhập khẩu thì trái cây nước ta vẫn phải vượt qua những hàng rào kỹ thuật nếu muốn xuất ngoại lâu bền.
Đơn cử như sản phẩm vải thiều. Năm 2014, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV, Bộ NN-PTNT) bắt đầu đàm phán với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản nhằm xúc tiến, mở cửa thị trường cho quả vải thiều Việt Nam sang xứ sở mặt trời mọc. Nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt sau đó đã được thực hiện nhằm đảm bảo diệt triệt để các loại vi sinh vật (đối tượng kiểm dịch thực vật) có khả năng tồn tại trên quả vải.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã thu xếp trong 2 năm 2018 và 2019, để 3 lần đưa các đối tác từ Nhật về Bắc Giang tìm hiểu quả vải thiều Lục Ngạn và công nghệ bảo quản vải tươi. Và ngày 15-12-2019, sau hơn 5 năm đàm phán giữa hai bên, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản mới chính thức thông báo mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản với 3 điều kiện: Trồng tại các vườn do Cục BVTV trực tiếp kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng; đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Lô quả vải xuất khẩu phải đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục BVTV và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật công nhận, với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản. Các lô hàng xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục BVTV cấp.
Nhận thức tầm quan trọng của hàng rào kỹ thuật đối với từng quốc gia, các doanh nghiệp và hộ nông dân nước ta đã bắt đầu nhập cuộc, tham gia vào hành trình xuất ngoại ngày càng bài bản. Điển hình là cam Cao Phong, dù được công nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2017, nhưng Hợp tác xã Cam Cao Phong 3T Farm vẫn tiếp tục chuẩn hóa quy trình sản xuất, chăm sóc theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GlobalGAP). Gần 30ha trồng cam đang thực hiện tốt việc sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ để chăm bón. Khi thu hoạch, trái cam được chọn lọc rất kỹ lưỡng, chỉ khoảng 8%-10% tổng sản lượng trái đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng. Sau khi phân loại, cam được đưa vào khu rửa sạch, chiếu đèn cực tím để khử trùng và dán tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả cam, trước khi được đóng gói vào hộp quà tặng thiết kế đẹp mắt và độc đáo...
Những nỗ lực này nhằm mục đích đạt mức sàn cơ bản về hàng rào kỹ thuật, để khi được thị trường nào đó chấp nhận, cam Cao Phong sẽ hoàn thiện nốt những yêu cầu cụ thể của thị trường đó một cách dễ dàng.
Tương tự là trái bưởi vào Chile, trái chuối vào Nhật Bản hay thanh long, chanh leo vào thị trường EU. Tiêu chuẩn “sàn” là phải được cấp mã số vùng trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mỗi lô hàng xuất khẩu phải xử lý chiếu xạ và được cấp chứng thư xuất khẩu. Tiếp đến mới đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, tùy thuộc vào yêu cầu của từng thị trường cụ thể. Với những điều kiện cần và đủ như trên, trái cây Việt sẽ tự tin xuất ngoại.