Trí tuệ nhân tạo đừng để bị “bỏ rơi”

(ĐTTCO)-Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ quan trọng, mang tính cốt lõi trong thời đại công nghệ 4.0. Hiện rất nhiều quốc gia đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất, công việc và đời sống. Với Việt Nam, những năm gần đây đã có những chính sách cụ thể nhằm phát triển AI, dẫu vậy đây vẫn là lĩnh vực có nguy cơ tụt hậu rất lớn.
Trí tuệ nhân tạo đừng để bị “bỏ rơi”
Nhiều tiềm năng
AI đang được xem là vai trò chính cho sự phát triển của kinh tế thế giới. Trong báo cáo công bố mới đây của Hãng tư vấn Kearney (Mỹ) phối hợp với Quỹ đầu tư EDBI (Singapore) thực hiện, cho thấy AI có thể mang thêm 110 tỷ USD cho kinh tế Singapore, tức 18% GDP trong năm 2030. Malaysia sẽ có thêm 115 tỷ USD (14% GDP), Thái Lan có 117 tỷ USD (13% GDP), Indonesia thêm 336 tỷ USD, Việt Nam 109 tỷ USD và Philippines 92 tỷ USD.
Như vậy, ngoại trừ Indonesia có mức tăng thêm GDP khá lớn, hơn 2-3 lần các nước khác do quy mô dân số, các nền kinh tế chính của ASEAN tăng thêm GDP khoảng 100 tỷ USD.
Tương tự, theo báo cáo đánh giá “Thị trường AI Landscape 2020” do Mạng lưới tuyển dụng việc làm IT (TopDev) công bố, trong năm 2018, thị trường AI có mức độ tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm trước, thu về doanh thu 200 tỷ USD.
Dự báo thị trường AI năm 2020 và trong tương lai sẽ có sự đầu tư lớn hơn lên đến hàng chục tỷ USD. Năm 2022, công nghệ AI sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, giúp tối ưu hóa hiệu quả, thời gian, tăng năng suất và giúp phân tích dữ liệu dựa trên các thông tin, cơ sở khoa học với xác suất hiệu quả cao.
Mới đây, NextTech Group và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Next100.tech đã công bố khoản đầu tư trị giá 500.000USD vào Computer Vision Vietnam (CVS eKYC) - startup trẻ chuyên cung cấp giải pháp AI và thị giác máy tính dành cho các công ty fintech, tối ưu hóa tiện ích cho đối  tác trong quá trình định danh, nhận diện khách hàng (eKYC), từ đó thúc  đẩy chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng.
Ra đời đầu năm 2020, CVS eKYC ứng dụng các công nghệ AI dựa trên học máy (Machine Learning), các kỹ thuật học sâu (Deep Learning) như nhận diện khuôn mặt, nhận diện ký tự, phát hiện giấy tờ và khuôn mặt không hợp lệ để cung cấp giải  pháp eKYC hoàn chỉnh, tự động.
Giải pháp của CVS dựa trên công nghệ xử lý ảnh thông minh từ AI, cung cấp giải pháp định danh, nhận diện khách hàng cho các công ty fintech và ngân hàng. CVS eKYC sở hữu tính năng trích xuất thông tin từ ảnh, giúp công ty fintech tự động xử lý hồ sơ của khách hàng nhanh chóng và hệ thống hơn. Đây có thể xem là khoản đầu tư đáng kể nhất trên thị trường AI Việt Nam trong năm nay.
Hệ sinh thái AI tại Việt Nam cũng ngày càng phong phú với các cộng đồng trong nước, nổi bật là Liên hiệp các cộng đồng AI Việt Nam, với các thành viên tiêu biểu, như Câu lạc bộ  khoa - trường - viện công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam FISU; Cộng đồng nghiên cứu, triển khai và ứng dụng AI4Life; Cộng đồng chuyển đổi số - Digital Transformation; Cộng đồng Machine Learning cơ bản; Cộng đồng Google Developer; Cộng đồng Business Intelligence; Cộng đồng VietAI…
Vai trò của AI cũng được nhận định là công cụ công nghệ tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế, ứng dụng hiện đại. Đơn cử, trong giai đoạn dịch Covid-19, nhờ có công nghệ AI rất nhiều ứng dụng đã được ra đời để hỗ trợ công tác thông tin, báo cáo và phòng ngừa dịch bệnh, như ứng dụng Bluezone.

Nhưng thiếu chính sách đột phá
Nếu không có chiến lược bài bản cùng những chính sách cụ thể và hữu hiệu, Việt Nam sẽ tụt hậu trong “cuộc chơi” AI.
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách tập trung phát triển AI, trong đó có những dự án khá thành công, như ứng dụng AI vào việc chuyển giọng nói thành văn bản.
AI cũng đã được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển của Chính phủ trong cuộc CMCN 4.0, ứng dụng rộng rãi ở các lĩnh vực đa dạng hơn. Các ông lớn công nghệ như FPT, Viettel cũng nghiên cứu để ứng dụng AI trong đa dạng lĩnh vực, trong đó có thể kể đến y tế, giao thông, hay thương mại điện tử.
Ngành học AI được Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập và tuyển sinh từ năm 2019, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và chất lượng. Dẫu vậy, những chính sách trên vẫn chưa tạo ra những đột phá để AI của Việt Nam vươn lên tiệm cận với khu vực.
Hạn chế lớn nhất Việt Nam đang phải đối mặt là chảy máu chất xám - nguồn nhân lực có chất lượng cao để phát triển AI. Hiện nay, các chính sách giữ chân nhân lực chất lượng cao vẫn chưa phát huy hiệu quả, trong khi đây là yếu tố cốt lõi để xây dựng nền tảng cho ngành.
Trong khi đó, tại Liên minh châu Âu (EU), để tránh việc chảy máu chất xám giữa các nước, Quỹ “EU Horizon 2020” và Ủy ban châu Âu đã đầu tư 24 tỷ USD cho việc nghiên cứu AI. 
Hồi đầu năm 2018, Chính phủ Pháp đã đầu tư 1,8 tỷ USD vào lĩnh vực phát triển AI cho đến năm 2022, với mục tiêu trở thành trung tâm AI của khối EU. 
Tại Mỹ, từ 2016 Văn phòng Tổng thống về khoa học và công nghệ (OSTP) đã gửi đến Chính phủ Mỹ 23 khuyến nghị về việc phát triển AI. Hội đồng khoa học và công nghệ quốc gia Mỹ cũng đưa ra hàng loạt chiến lược cụ thể để giúp Mỹ có hướng đi đúng trong việc phát triển công nghệ AI, như đầu tư lâu dài cho việc nghiên cứu thị trường AI, triển khai và phát triển các phương pháp hiệu quả  sao cho có sự hài hòa trong công việc giữa con người với công nghệ AI, nắm vững nhu cầu nhân lực của việc nghiên cứu và phát triển AI…
Thực tế trên cho thấy, nếu không có chiến lược bài bản cùng những chính sách cụ thể và hữu hiệu ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ bị bỏ rơi trong “cuộc chơi chung” về AI. 

Các tin khác